6 cách phòng bệnh sởi hiệu quả cho bé

(lamchame.vn) - Chỉ tính riêng trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu. Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng.

Số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bệnh sởi sẽ khó có thể tấn công trẻ nhỏ nếu bố mẹ tuân thủ 6 bước phòng bệnh dưới đây:

1. Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi

Tiêm vắc xin có thể coi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc ngăn ngừa mầm bệnh. Bố mẹ cần chủ động cho trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Phụ nữ trước khi sinh con cần được tiêm phòng sởi như một mũi tiêm quan trọng để tránh được căn bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi này.

2. Giữ vệ sinh nơi ở

Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, lau nhà bằng dung dịch tiệt trùng mỗi ngày, nhất là những khu vực trẻ nhỏ hay ngồi chơi, sờ tay vào như đồ chơi, nhà vệ sinh … Có thể sử dụng các loại dược liệu như bồ kết, lá mùi, hạt mùi, lá trà xanh, nước chanh … để tắm gội cho trẻ vì đây là những loại cây có tính sát khuẩn an toàn.

3. Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho mọi người trong gia đình

Vệ sinh cơ thể trẻ nhỏ mỗi ngày với nước ấm có pha các loại thảo dược như bồ kết, lá mùi hoặc lá trà xanh …, thay quần áo chăn ga thường xuyên để đảm bảo vi khuẩn không tích tụ, nên giặt đồ và phơi ra ngoài trời nắng sẽ tốt hơn.

Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, làm sạch lưỡi cho bé bằng tưa lưỡi, tra thuốc muối sinh lý vào mắt mũi để vệ sinh sạch cho bé.

Người lớn trong gia đình  phải vệ sinh cá nhân mỗi ngày, thay quần áo thường xuyên và rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn trước khi tiếp xúc với trẻ.

4. Hạn chế tiếp xúc với các mầm bệnh

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường và tiếp xúc nơi đông người. Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh.  Nếu có nghi ngờ mình đã tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm, sởi, viêm phổi … cần phải vệ sinh sạch và thay quần áo trước khi tiếp xúc với người khác trong gia đình. Không cho trẻ tiếp xúc các trẻ đang bị bệnh sởi để tránh lây nhiễm. 

5. Nhận biết dấu hiệu bệnh sởi và tránh xa

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao trên 39°C, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng, chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt, .... cần đưa tới cơ sở y tế gần nhất kiểm tra. Tránh tiếp xúc với trẻ và những người có biểu hiện tương tự như trên.

6. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho bé

Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn để trẻ có thể nhận được nguồn kháng thể dồi dào. Khi bước vào tuổi ăn dặm, trẻ cần một chế độ dinh dưỡng phong phú, đầy đủ 4 nhóm chất là: tinh bột, chất đạm, chất béo cùng các loại vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ trong mùa dịch, chúng ta cũng cần tăng cường bổ sung vitamin A bằng cách cho trẻ ăn các thực phẩm có màu vàng, đỏ như: cà rốt, bí đỏ, đu đủ chín… Bên cạnh đó, việc cho trẻ ra ngoài vận động không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ.

Theo Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang