Đi cùng với sự gia tăng đột biến số ca mắc, tỷ lệ tử vong trong đại dịch ở Indonesia cũng đang cao nhất thế giới. Điều này cho thấy quốc gia vạn đảo thực sự đang rơi vào tình trạng “chiến tranh” với đại dịch.
Hơn 72.000 người Indonesia đã tử vong do Covid-19 (Nguồn: GettyImage)
Từ khủng hoảng y tế đến khủng hoảng quan tài
Giám đốc Phòng chống và Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết, nhu cầu oxy hàng ngày ở đảo Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia trước đây là 400 tấn mỗi ngày, đã tăng lên 2,195 tấn mỗi ngày. Điều kiện này là rất đáng lo ngại, bởi nguồn cung từ các công ty trong nước đã không còn có thể đáp ứng các nhu cầu hàng ngày này cho dù 100% ô xy cả nước đã phải chuyển sang cho lĩnh vực y tế. Nhiều nước bắt đầu gửi viện trợ y tế cho Indonesia.
Sự bùng phát Covid-19 ở Indonesia cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân Covid-19 ở 12 tỉnh đã vượt quá 70%. Một nửa trong số đó ở Java và phần còn lại ở các đảo lớn khác của Indonesia. Ở thủ đô Jakarta, tỷ lệ lấp đầy là gần 90%, mặc dù một số cơ sở gần đây đã được chuyển đổi thành bệnh viện cho bệnh nhân Covid-19.
Cơ sở y tế quá tải, nhiều bệnh viện phải đóng cửa do không còn khả năng tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Nhiều người dân phải đi tìm nguồn oxy để tự cách ly tại nhà. Cuộc khủng hoảng oxy đã khiến hàng trăm người tử vong khi tự cách ly. Trang báo cáo độc lập Lapor Covid-19 của Indonesia cho biết có 451 bệnh nhân tự cách ly đã tử vong cho đến 15/7.
Trên cả nước trong tổng số 2.832.755 người mắc Covid-19 đã có tới 72.489 người tử vong. Nghĩa trang trên toàn Indonesia cũng đã quá tải. Nhiều người phải chấp nhận chôn cất nạn nhân Covid-19 chồng lên các ngôi mộ của người thân trong gia đình.
Cuộc khủng hoảng quan tài cũng xảy ra ở các thành phố lớn như Jakarta và Yogyakarta. Anh Agus, một tình nguyện viên của phong trào quyên góp quan tài thành phố Yogyakarta cho biết, trong những ngày đầu thành lập phong trào (5/7/2021), nhóm này chỉ có thể làm được từ 5 đến 6 chiếc quan tài một ngày. Hiện nay, Agus và các thành viên trong nhóm có thể làm từ 20 đến 30 chiếc quan tài mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng quan tài được sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện ở Yogyakarta và các vùng phụ cận.
Tình hình chiến tranh nhưng được đối xử như bình thường
Trưởng Bộ môn Dịch tễ, Khoa Y tế Công cộng, Đại học Indonesia (FKM UI), Tri Yunis Miko Wahyono kêu gọi chính phủ nghiêm túc trong việc triển khai Giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp. Sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 không lắng xuống cho thấy Indonesia đang thực sự rơi vào tình trạng chiến tranh với Covid-19, do đó việc triển khai các giới khẩn cấp phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình chiến sự.
Ngày hôm qua (17/7), Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia kiêm Điều phối viên Giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp, ông Luhut Binsar Pandjaitan đã gửi lời xin lỗi người dân vì việc triển khai giới hạn khẩn cấp trên đảo Java-Bali đã không đạt hiệu quả tối đa. Hiện nay chính phủ nước này đang tiến hành đánh giá giới hạn đang áp dụng. Có hai chỉ số mà chính phủ Indonesia sử dụng để đánh giá giai đoạn chuyển đổi. Thứ nhất là sự gia tăng các ca mắc Covid-19 và công suất giường bệnh tại các bệnh viện chuyển tuyến Covid-19. Sau đó sẽ quyết định sẽ kéo dài các giới hạn các khẩn cấp này hay không. Theo kế hoạch ban đầu, giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp trên đảo Java và Bali sẽ kéo dài đến ngày 20/7/2021.
Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/72000-nguoi-chet-do-covid-19-indonesia-di-tu-khung-hoang-y-te-den-khung-hoang-quan-tai-874868.vov
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.