Tính khí là lí do giải thích cho việc: vì sao cùng cha mẹ mà anh chị em ruột thịt lại có thể khác nhau rất nhiều, vì sao con nhà mình lại khó/ dễ khác con nhà người ta, và vì sao bố mẹ lại cảm nhận con cái mình sinh ra có đứa thì "hợp tính", còn đứa khi thì lại "khắc khẩu".
Tính khí là đặc điểm trẻ đã có sẵn trong người ngay khi sinh ra. Tính khí tạo nên cách một người cư xử, cách học hỏi và cách họ tương tác với mọi người và môi trường xung quanh.
Hai nhà tâm lý học Alexander Thomas và Stella Chess, trong nghiên cứu The New York Longitudinal Study (NYLS) năm 1956 để tìm hiểu các đặc điểm ở trẻ nhỏ, và "phát hiện" ra có tận 9 đặc điểm tạo nên tính khí của một người. Chúng không mang ý nghĩa tốt hay xấu, mà chỉ diễn tả đặc điểm tính khí riêng của từng cá nhân trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.
9 đặc điểm tạo nên tính khí của trẻ là gì?
1️. Cường độ hoạt động – Activity Level:
Con là một em bé có cường độ hoạt động cao, luôn nhiều năng lượng, chạy nhảy liên tục, cần phải được giải toả một lượng năng lượng khổng lồ mới có thể ăn ngon ngủ yên. Tuy nhiên, khi có quá nhiều năng lượng, trẻ có thể trở nên khó kiểm soát vì không thể ngồi yên trong một thời gian quá lâu. Ở trường, trẻ có thể vặn vẹo liên tục hoặc muốn rời khỏi chỗ ngồi.
Nếu có cường độ hoạt động thấp, trẻ sẽ thích các hoạt động tĩnh như vẽ tranh, đọc sách và thể hiện mức năng lượng ít hơn. Tuy nhiên, việc có quá ít năng lượng cũng có thể là một vấn đề, vì trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ cần nhiều sức lực.
2️. Sự điều độ, nhịp nhàng – Rhythmicity
Các thói quen sinh hoạt thường ngày, các chức năng và nhu cầu sinh lý như: đói, buồn ngủ, đi vệ sinh… của trẻ ở mức độ dễ đoán hay khó lường trước. Một số trẻ thường dễ dàng và linh động với các thay đổi và sinh hoạt (không cần routine – lịch trình sinh hoạt); một số trẻ thì bắt buộc phải sinh hoạt theo thời khóa biểu cố định và nhất quán để đảm bảo mọi việc thuận lợi.
3️. Phản xạ bản năng – Initial Response
Cách trẻ phản ứng và đón nhận những thứ mới lạ: thức ăn, đồ chơi, người mới, nơi chốn… Có trẻ sẽ rất hào hứng, thích thú và hiếu kỳ với bất kỳ điều gì mới lạ. Nhưng cũng sẽ có trẻ rất cẩn trọng và dè chừng, cần nhiều thời gian để quan sát và thích ứng với những trải nghiệm mới.
4️. Khả năng thích nghi – Adaptability
Với mỗi thay đổi trong cuộc sống hoặc môi trường, sẽ có trẻ chấp nhận và thích nghi một cách khá dễ dàng, nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian. Ngược lại, sẽ có những trẻ cần nhiều thời gian để chấp nhận thay đổi, hoặc thay đổi cần phải diễn ra từ từ, từng bước một.
Một đứa trẻ thích nghi quá dễ dàng có thể phải đối mặt với những thử thách khi lớn lên vì dễ bị ảnh hưởng từ môi trường ngoài.
5️. Độ mẫn cảm với kích thích – Sensory Threshold
Các tác động từ môi trường bên ngoài có ảnh hưởng đến các giác quan của con ở mức độ như thế nào. Ví dụ: âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, cảm giác… có thể ảnh hưởng nhiều đến mức làm cho đứa trẻ này khó chịu và phản ứng dữ dội, nhưng đối với đứa trẻ khác lại chẳng hề có tác động gì quá nghiêm trọng.
6️. Chất lượng của tâm trạng – Quality of Mood
Tâm trạng của đứa trẻ có khuynh hướng tích cực hay tiêu cực? Một số trẻ tích cực có bản năng tự nhiên là vui vẻ và dễ gần, một số trẻ khác thì lại hay cáu kỉnh, dễ bực bội. Tuy vậy, sự tích cực quá mức có thể khiến người khác khó biết khi nào trẻ gặp khó khăn hay đau đớn. Một đứa trẻ có khuynh hướng tiêu cực quá cũng có thể gây khó khăn cho người lớn khi đọc tín hiệu của con, không biết liệu con thật sự đau đớn và khổ sở hay chỉ là tạm thời thoáng qua.
7️. Cường độ phản ứng - Intensity of Reactions
Mức độ phản ứng của trẻ đối với các tác động và kích thích theo kiểu nhẹ nhàng hay "vũ bão" mãnh liệt. Một đứa trẻ nếu có cường độ phản ứng mạnh mẽ có thể thể hiện cảm xúc mãnh liệt. Nếu một chuyện buồn xảy ra, trẻ sẽ khóc rất to và rất nhiều. Nếu điều gì đó vui nhộn xảy ra, trẻ sẽ cười rất nhiều và phấn khích.
8️. Phân tán tư tưởng – Distractabiliy
Con có sẵn sàng chú tâm đến thứ mới và dễ bị phân tâm hay không? Ví dụ: trẻ thường cần có gấu bông "ghiền" khi đi ngủ. Chẳng may hôm nay đi học mẹ quên mang theo gấu bông cho con ngủ trưa ở trường thì trẻ thường không ngủ được.
Em bé A có độ phân tán chú ý cao, chỉ cần cô dỗ dành 1 chút và cho con 1 bạn thỏ bông khác, A có thể tự ngủ được và không quấy quá nhiều. Em bé B thì khó bị phân tán tư tưởng, con sẽ ngồi khóc mãi và đòi mãi gấu bông quen thuộc của mình chứ không chịu chấp nhận thỏ thay thế của cô đưa cho.
Những đứa trẻ dễ mất tập trung có khả năng quan sát thế giới xung quanh rất tốt, nhưng chúng lại khó tập trung vào những công việc cụ thể. Những đứa trẻ không dễ bị phân tâm có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn vì có thể tập trung tốt, nhưng có thể không nhanh nhạy trong việc nhận biết thay đổi xung quanh, và đôi khi những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến chúng nếu không phản ứng kịp thời.
9️. Sự bền bỉ và độ tập trung chú ý – Persistence & Attention Span
Mức độ nhẫn nại và kiên trì, khả năng trẻ có thể theo đuổi nhiệm vụ bất chấp áp lực hay khó khăn. Những đứa trẻ kiên trì có thể hoàn thành một nhiệm vụ ngay cả khi chúng cảm thấy không thích thú.
Khi làm bài tập về nhà và phải đối mặt với một vấn đề khó khăn, trẻ không có tính bền bỉ thường dễ trở nên khó chịu và bỏ cuộc. Khi trẻ kém kiên trì, con có thể bỏ cuộc khi vừa nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của trở ngại. Tuy nhiên, nếu quá "gan lì" đến độ cố chấp quá mức, trẻ cũng có thể gặp bất lợi trong cuộc sống khi lớn lên.
Có tồn tại "đứa trẻ hoàn hảo" không?
Con trẻ và cha mẹ là những cá thể riêng biệt với những đặc điểm tính khí đặc trưng riêng biệt. Và chắc chắn không có đứa trẻ hoàn hảo, mà sẽ chỉ có SỰ KẾT HỢP hoàn hảo hay "xung khắc" giữa tính khí của cha mẹ và con cái trong gia đình.
Tìm ra được điểm cân bằng giữa mong đợi của bố mẹ và khả năng đáp ứng của con là vô cùng quan trọng để bố mẹ có thể đảm bảo tinh thần LÀM CHA MẸ TÍCH CỰC.
Khi chúng ta hiểu rõ tính khí của con, chúng ta sẽ có thể CHẤP NHẬN bản chất của con, ở bên cạnh cùng con, giúp con học hỏi, vươn lên và phát triển. Cha mẹ có thể không thay đổi hoàn toàn được các đặc điểm tính khí của con, nhưng chúng ta có thể đồng hành ở bên cạnh để giúp con trau dồi các thế mạnh và điểm tốt của con, từ đó, các điểm yếu sẽ tự động giảm bớt.
Và quan trọng nhất, việc con lớn lên có biết cách cư xử văn minh lịch sự (manners), trở thành người tử tế, tự tin, tự lập và có lòng tự trọng hay không, thì không phụ thuộc vào tính khí, mà phụ thuộc hoàn toàn vào cách nuôi dạy của cha mẹ và môi trường lớn lên.
Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý học trẻ em, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên gia đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.