Trẻ em chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần. Do đó, chúng thường sử dụng các hành vi ngỗ ngược như một cách để thu hút sự chú ý, cũng như truyền đạt nhu cầu và trạng thái cảm xúc của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì đây là dấu hiệu cho thấy cách dạy bảo con của cha mẹ đang cần cải thiện. Nhiều người lớn không nhận thức được rằng hành động của họ có thể tác động lớn đến cách xử sự của trẻ nhỏ như thế nào.
1. Chỉ trích con quá nhiều
Bất cứ ai bị chỉ trích liên tục cũng cảm thấy mình kém cỏi, trẻ em còn đặc biệt dễ bị tổn thương hơn. Nếu cha mẹ mong đợi con cái đạt được sự hoàn hảo nhưng thay vì khen ngợi họ chỉ thể hiện sự bất bình và phản đối, sẽ không có gì bất ngờ khi con trẻ dần trở nên bướng bỉnh hơn. Sự hà khắc quá mức này dễ dàng dẫn đến những vấn đề cần sự can thiệp chuyên nghiệp để khắc phục tình trạng sức khỏe tinh thần bị tổn hại của con trẻ.
2. Thể hiện sự bất hòa trước mặt con
Nếu con trẻ nhìn thấy bố mẹ lục đục thường xuyên, chúng sẽ dễ có xu hướng lơ là, tránh xa một người và tìm đến người còn lại để nhận được sự vỗ về hoặc ủng hộ. Thậm chí, chúng sẽ đối diện với mỗi người theo một cách khác nhau nhằm đòi hỏi được thứ mình muốn. Bất hòa ở bố mẹ sẽ dễ khích lệ con trẻ phản đối và cãi vã với chính các phụ huynh, bởi chúng nghĩ rằng mình cũng có thể chống đối và “nổi loạn”.
3. Cố gắng trở thành bạn của con
Những người cha mẹ tuyệt vời muốn trở thành bạn của con cái và thoải mái về các quy tắc cũng như kỷ luật. Tuy nhiên, kiểu thân thiết này cũng mang theo rủi ro lớn hơn lợi ích, bởi họ sẽ dễ mất đi quyền lực và sự tôn trọng từ con nhỏ. Những phụ huynh “thoải mái” cũng có xu hướng buộc con đưa ra những lựa chọn quá sức mà họ nghĩ con có thể thực hiện được như mình. Đây cũng là một chi tiết có thể dẫn đến thất bại trong việc nuôi dạy con.
4. Cho con quá nhiều lựa chọn
2 sự lựa chọn trong tầm chấp nhận của bố mẹ là đủ để trao cho con. Quá nhiều sự cân nhắc sẽ dễ dàng khiến trẻ bị choáng ngợp. Đối với trẻ em, việc không thể quyết định sẽ gây nên sự xáo trộn. Nếu trẻ chọn phải điều gì đó không được bố mẹ chấp thuận, họ sẽ phải đi ngược lại lời nói của mình, vô tình tạo nên hình ảnh một người khó tin tưởng. Kết quả là, đứa trẻ sẽ cố gắng tiếp tục nũng nịu để “thắng” cho bằng được và có thứ mình muốn.
5. Bản thân bố mẹ chưa là một hình mẫu tốt
Nhiều người xem nhẹ hoặc quên mất một sự thật rằng con cái thường bắt chước hành vi của bố mẹ. Ví dụ, khi một người mẹ chen lấn và vượt hàng lúc mua sắm, đứa con của người mẹ đó sẽ nhanh chóng “học tập” cách hành xử này. Những phụ huynh gương mẫu sẽ là “kim chỉ nam” tuyệt vời, giúp định hướng con cái một cách đúng đắn và tự nhiên, kể cả khi họ không trực tiếp giám sát hay theo dõi con nhỏ.
6. Ra lệnh cho con mà không giải thích
Có một số phụ huynh dạy con cái như trong môi trường quân đội. Họ ra lệnh, buộc con thực hiện mà không đưa ra lý do rõ ràng. Khi không hiểu rõ được tại sao, những đứa trẻ này có thể nổi loạn vì cảm thấy bị đối xử bất công. Một số hành vi thường thấy là nói leo, đôi co hoặc đóng sầm cửa trước mặt bố mẹ.
Tình huống này có thể được xử lý rất đơn giản bằng cách đưa ra lời giải thích cụ thể và thấu đáo, giúp con hiểu rằng tại sao lại cần cư xử như cách bố mẹ khuyên bảo. Những thông tin này sẽ giúp trẻ dễ chấp nhận và tự điều chỉnh bản thân. Đối với trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra và tôn trọng các giá trị cũng như quá trình ra quyết định của người lớn hơn.
7. Từ chối sự giúp đỡ chuyên môn
Trẻ em không hiếm khi nổi đóa hoặc “làm mình mẩy”. Tuy nhiên, nếu việc mất kiểm soát lặp lại quá nhiều, trẻ có thể bị rối loạn hành vi. Một số cha mẹ sẽ tìm cách bào chữa cho lý do tại sao con cái họ cư xử không tốt, nhưng họ sẽ không bao giờ thừa nhận rằng có vấn đề khách quan nằm ngoài khả năng của mình. Việc từ chối sự trợ giúp của chuyên gia chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Qua thời gian, rắc rối sẽ lớn dần hơn, dễ dàng dẫn đến những hành vi ngày một tiêu cực ở trẻ, thậm chí là bạo lực hoặc phạm tội.
8. Luôn phát ngôn hộ con cái
Trẻ em nói chuyện thô lỗ có thể là do thiếu kỹ năng xã hội. Điều này thường xảy ra khi cha mẹ luôn nói thay cho con mình. Trẻ em học cách cư xử và sự tôn trọng trong việc giao thiệp bằng cách được trực tiếp tham gia vào tình huống xã hội. Những dịp đơn giản như giới thiệu bản thân, hoặc nói "xin lỗi" và "cảm ơn" cũng sẽ dạy cho trẻ phép lịch sự và cách giao tiếp với người khác.
9. Cười đùa khi con hành xử sai
Khi trẻ còn nhỏ, ta thường không thể nhịn được cười khi chúng cư xử ngỗ ngược. Ta biết rằng khi trẻ “mặt nặng mày nhẹ” hoặc nổi giận, chúng thường trông rất buồn cười và đáng yêu. Tuy nhiên các phụ huynh cũng cần thận trọng, bởi trẻ có thể tiếp nhận hành động này như việc cười nhạo, từ đó dễ nảy sinh rắc rối. Việc bị chê cười thường xuyên trong gia đình dễ tạo đà để con trẻ cư xử tệ và không sửa đổi hành vi trong trong tương lai.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.