Nuôi dạy con là một hành trình đầy hạnh phúc nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với các bậc cha mẹ. Mỗi giai đoạn con lại có những thay đổi, cách hành xử và phương pháp giáo dục của bố mẹ sẽ quyết định tính cách và sự phát triển trong tương lai của bé. Thế nên nếu không khéo léo, bỏ lỡ một giai đoạn nào đó thì bố mẹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy con.
Dưới đây là 10 cách nói của bố mẹ thông minh khiến con nghe lời răm rắp mà không cần quát mắng, bố mẹ có thể tham khảo và áp dụng cho các con của mình. Tuy nhiên, mỗi bé là một cá thể khác biệt, để đưa ra phương pháp đúng đắn nhất, bố mẹ cần quan sát và tìm hiểu tính cách của từng bé để áp dụng sao cho phù hợp nhé.
1. Nhìn trực tiếp, ngang tầm mắt với con
Nhìn vào mắt ai đó một cách tập trung khi giao tiếp là thể hiện sự tôn trọng với người đó. Khi dạy con mẹ cũng nên làm như vậy. Lúc nói chuyện, mẹ nên ngồi xuống, đặt tầm mắt ngang hàng với tầm mắt của con, nhìn vào con và nhẹ nhàng nói. Cách làm này rất hiệu quả, không chỉ thu hút sự tập trung của bé mà còn giúp bé học cách lắng nghe.
Tất nhiên, mẹ không thể dùng ánh mắt giận dữ để nói chuyện vì như thế chỉ làm con cảm thấy sợ hãi. Hãy điều chỉnh hành vi và cảm xúc của mình để phù hợp với sự việc đang diễn ra. Đôi khi chỉ cần một ánh mắt đúng mực cũng khiến con đủ nghe lời rồi.
Cách này thực sự rất hiệu quả trong mọi trường hợp, khi muốn con nghe lời, muốn giải thích cho con điều gì đó, hoặc đơn giản là dành cho con một cái ôm, nói lời yêu thương. Mọi hành động khi được thực hiện bằng cái nhìn yêu thương từ mẹ sẽ đem lại cho trẻ cảm giác dễ chịu.
Thay vì quát mắng hãy nhẹ nhàng nói với con. Ảnh minh họa.
2. Dùng tên gọi mà con yêu thích
Bé nào cũng có tên thật kèm theo biệt danh mà bố mẹ đặt cho. Tuy nhiên, tùy từng lứa tuổi con sẽ mê mẩn một nhân vật hoạt hình, một siêu anh hùng hay một nàng công chúa nào đó. Nếu con tên là Bon và hâm mộ siêu anh hùng Marvel thì những lúc con chưa nghe lời mẹ có thể nhẹ nhàng nói: "Con trai mẹ là Bon Marvel cơ mà, là siêu anh hùng thì nhất định phải nghe lời bố mẹ"... Chắc hẳn khi nghe câu nói này, bé sẽ suy nghĩ và nghe lời bố mẹ hơn cho mà xem.
3. Bắt đầu chỉ thị với 2 từ "mẹ muốn"
Không ai thích bị người khác sai hoặc ra lệnh cho mình cả, và trẻ nhỏ cũng vậy. Dù con còn bé nhưng con vẫn có quyền nhận được sự tôn trọng thay vì hô hào, bắt ép. Những câu mệnh lệnh như "bỏ ngay xuống", "làm ăn kiểu gì đấy", "có thế mà không hiểu à"... rất hay được nhiều bố mẹ dùng để nói với con mình.
Nhưng nếu muốn con không nói trống không thì bố mẹ cũng nên làm thế. Bất cứ câu từ nào được đưa ra đều phải có chủ ngữ như "mẹ muốn con cất hộ mẹ chiếc chổi", "bố muốn con tắt hộ bố cái tivi có được không?". Trong mọi trường hợp, trẻ luôn thích những lời nói nhẹ nhàng hơn là ra lệnh, quát mắng. Nắm vững tâm lý này, bố mẹ sẽ có cách nói chuyện phù hợp với con.
Tương tự như thế, khi muốn nói chuyện với trẻ, bố mẹ cố gắng sử dụng câu đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ vì sau này chắc chắn con sẽ học theo cách nói của người lớn. Muốn trẻ nói được câu chỉn chu, rõ nghĩa, có trước có sau thì hãy làm gương cho con. Nếu bố mẹ nói trống không thì không thể ép trẻ phải nói một câu với đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ được.
Trẻ sẽ rất biết ơn nếu bố mẹ luôn dịu dàng. Ảnh minh họa.
4. Cho bé được lựa chọn
Khi bắt con làm một điều gì đó, bé sẽ cảm thấy đó là mệnh lệnh. Nhưng khi trao cho con quyền lựa chọn, bé sẽ cảm thấy bản thân là người lớn và được đưa ra quyết định của mình, mặc dù quyết định đó có sự chỉ đạo từ bố mẹ. Ví dụ như mẹ bắt con mặc áo màu trắng khác với việc mẹ cho con lựa chọn giữa áo màu trắng cổ vuông và màu trắng cổ tròn.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng hãy áp dụng cho bé lựa chọn, chắc chắn bé sẽ nghe lời bạn hơn. Ví dụ như: "Con thích ăn tôm hay ăn cá cho bữa cơm hôm nay", "con thích mặc váy xanh hay váy hồng nào", "con được chọn 1 đồ chơi yêu thích trong tất cả số đồ chơi này, chỉ 1 mà thôi nhé"...
5. Nguyên tắc từng câu một
Sai lầm phổ biến của nhiều bậc phụ huynh là nói quá nhiều hoặc đưa ra nhiều yêu cầu cùng một lúc khiến trẻ bị rối, không biết phải thực hiện cái nào trước cái nào sau. Ví dụ như bố mẹ hay nói "tắt tivi, lấy ghế, dọn bát đũa rồi còn ăn cơm", hay "tắm rửa, mặc quần áo, lấy cho mẹ cái túi rồi đi chơi nhé". Những lúc này trẻ chưa nói sõi có thể không biết nên làm gì trước tiên nhưng đã bị bố mẹ mắng "không nghe thấy gì à", và cho rằng con hư.
Thay vào đó, hãy áp dụng quy tắc nói từng câu một. Ví dụ như "Bông ơi tắt tivi đi nhé", sau khi con tắt rồi thì "Bông ơi dọn bát đũa nào"... Với từng hành động cùng yêu cầu cụ thể như thế, chắc chắn con sẽ hào hứng với công việc hơn. Bật mí một chút là đôi khi hãy để trẻ tự do làm điều bé thích, dù là quét nhà, vứt rác, dọn dẹp bàn học... thay vì nhắc nhở. Con sẽ cảm giác tự lập hơn nếu không bị bố mẹ bắt ép mỗi ngày.
Hãy cố gắng để con luôn cảm thấy vui vẻ, đồng thuận với những lời bố mẹ nói. Ảnh minh họa.
6. Đưa lợi ích để bé không từ chối
Khi ra lệnh cho con làm một việc gì đó, hãy đi kèm với việc giải thích vì sao con nên làm như vậy. Thay vì chỉ nói mặc áo vào đi, thì mẹ nên nói "Con mặc áo dài tay vào rồi chúng ta cùng đi chơi, thời tiết rất lạnh nếu con mặc thế thì sẽ bị ốm mất, ốm rồi sẽ không thể đi chơi được". Việc giải thích như vậy sẽ khiến bé hiểu tại sao mình nên/ phải làm chứ không đơn thuần chỉ là mệnh lệnh từ bố mẹ nữa.
7. Hỏi quá khó so với tầm hiểu biết của trẻ
Khi bé làm sai một điều gì đó, nhiều ông bố, bà mẹ hay có xu hướng hỏi khó con: "Tại sao con lại làm vậy", "ai dạy con làm như thế". Thực ra đôi khi chính trẻ cũng không biết tại sao bản thân lại hành động như vậy, vì đơn giản là con tò mò, hiếu động, nghịch ngợm chứ không hề có chủ đích gì. Thay vào đó, hãy hỏi những câu mang tính gợi mở hơn như "con kể cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra được không", "con định làm gì, chúng ta cùng làm được không", hay "khi con làm gì đó hãy hỏi mẹ và chúng ta cùng làm nhé, như thế sẽ không nguy hiểm cho con"...
Thêm vào đó, khi hỏi con điều gì, hãy cố gắng dùng câu từ và ngôn ngữ đơn giản để trẻ hiểu được. Những câu ngắn gọn, đủ ý sẽ rất hiệu quả trong những trường hợp như thế này.
8. Để bé nhắc lại yêu cầu của mẹ
Người lớn hay giải thích rất nhiều rồi chốt lại "con hiểu chưa", nhiều bé sẽ có xu hướng gật đầu luôn hoặc nói hiểu rồi dù thực chất là con chẳng hiểu gì cả. Những lúc này, hãy đề nghị bé nhắc lại xem mẹ đang muốn con làm gì và cẩn thận quan sát hành động của bé để chắc rằng con đã hiểu ý mình. Dĩ nhiên, bé sẽ không thể làm đúng ngay từ lần đầu tiên nên bố mẹ hãy cố gắng kiên nhẫn.
Hãy cho bé cơ hội sửa sai, cố gắng kiên nhẫn với con. Ảnh minh họa.
9. Đưa ra gợi ý thay vì nói "không"
Khi bé đề nghị một điều gì đó nhưng bố mẹ không muốn chấp nhận, đầu tiên nên giải thích với con lý do vì sao con không thể làm thế, sau đó khéo léo đưa cho con một gợi ý khác để bé không rơi vào cảm giác hụt hẫng. Ví dụ khi con hỏi "con có thể chơi ở đây được không" nhưng vì đó là phòng làm việc nên bố mẹ có thể nói "đây là phòng làm việc con ạ, nếu chơi ở đây sẽ rất ồn và làm ảnh hưởng tới mọi người, con có thể mang đồ chơi sang phòng khách được không?".
10. Cho bé cơ hội sửa sai
Khi trẻ làm sai đừng vội trách mắng mà hãy giải thích và cho con cơ hội làm lại. Sau 2, 3 lần bị nhắc nhở nhẹ nhàng, chắc chắn con sẽ không tái phạm nữa. Tuy nhiên, thay vì trách mắng bố mẹ nên giải thích cụ thể lý do vì sao để trẻ hiểu và chấp nhận lỗi sai của mình.
Nuôi dạy con là hành trình rất dài và đầy thử thách đối với bố mẹ. Trong xã hội hiện đại, phương pháp dạy con ít nhiều có sự thay đổi, đòi hỏi bố mẹ phải khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ quan sát để có thể đưa ra cách dạy con phù hợp và hiệu quả nhất.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/10-cach-noi-cua-bo-me-thong-minh-khien-con-nghe-loi-ram-rap-ma-khong-can-quat-mang-222022205115412280.htm
Theo ttvn.vn