Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, khiến bạn cảm thấy ổn định, cân bằng và tâm trí yên bình hơn. Hơn nữa, nó còn giúp bạn có một cái nhìn hoàn toàn khác về thế giới xung quanh, cơ thể và suy nghĩ của mình.
Thế nào là thực hành Thiền đi bộ?
Thông thường, trong lúc thực hành, bạn sẽ đi bộ theo vòng tròn, đi đi lại lại theo một đường thẳng hoặc không theo hướng nào nhất định. Bạn cũng có thể thực hiện thiền đi bộ trên quãng đường dài.
Tốc độ di chuyển nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật. Các học viên thường thực hiện thiền đi bộ giữa các buổi ngồi thiền.
Một vài kỹ thuật thiền đi bộ:
● Kinhin
● Theravada
● Vipassana
Các kỹ thuật có thể chia nhỏ chi tiết thành 6 phần hay chỉ đơn giản là đi bộ chánh niệm trong một không gian nhất định mà thôi. Bạn có thể kết hợp với việc hít thở hoặc thiền thần chú.
Dưới đây là 1 số lợi ích của Thiền đi bộ:
1. Cải thiện tuần hoàn máu
Phương pháp thiền đi bộ thường được sử dụng bởi những người phải ngồi trong một thời gian dài. Việc đi bộ giúp máu tuần hoàn tốt hơn, đặc biệt là ở chân, giảm bớt cảm giác chậm chạp và trì trệ.
Mindful walking (đi bộ chánh niệm) cũng là một cách tuyệt vời để đẩy nhanh tuần hoàn máu và nạp năng lượng nếu công việc của bạn bắt buộc phải ngồi lâu một chỗ.
2. Cải thiện tiêu hóa
Đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn là một cách hiệu quả để tăng cường tiêu hóa, đặc biệt là khi trước đó bạn đã ăn quá no. Vận động giúp cho quá trình vận chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa dễ hơn và còn ngăn ngừa được táo bón.
3. Giảm lo âu
Nếu bạn đang tìm cách để giúp bản thân giảm căng thẳng, thì sẽ rất hữu ích nếu bạn ngồi thiền trước hoặc sau khi bạn luyện tập.
Một nghiên cứu năm 2017 ở những người trẻ tuổi cho thấy việc đi bộ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi được kết hợp với các phương pháp thiền định.
Những người tham gia nghiên cứu cho thấy sự thay đổi rõ rệt ở mức độ lo âu của họ đã thực hành các hình thức: thiền trước khi đi bộ hoặc đi bộ sau khi thiền. Nhóm kiểm soát, cùng với những người chỉ đi bộ bình thường, không cho thấy sự cải thiện nào đáng kể. Mỗi buổi thiền hoặc đi bộ diễn ra trong tầm khoảng 10 phút.
4. Cải thiện lưu thông và lượng đường trong máu
Một nghiên cứu nhỏ năm 2016 chỉ ra rằng thực hành thiền đi bộ theo Phật giáo có tác động tích cực đến đường huyết và lưu thông ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Bệnh nhân luyện tập đi bộ chánh niệm hoặc đi bộ thông thường trong 30 phút, 3 lần một tuần trong 2 tuần. Kết quả cho thấy rằng nhóm đi bộ Phật giáo có tiến triển tốt hơn nhiều so với nhóm đi bộ thông thường.
5. Giảm trầm cảm
Giữ cho bản thân năng động là một điều quan trọng, nhất là khi chúng ta đang già đi. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện tâm trạng - 2 yếu tố đang có nguy cơ suy giảm ở người lớn tuổi.
Theo một nghiên cứu nhỏ được thực hiện vào năm 2014, người cao tuổi ít có các triệu chứng của trầm cảm hơn sau khi thực hành thiền đi bộ Phật giáo 3 lần một tuần trong 12 tuần lễ. Huyết áp và các chức năng khác của cơ thể cũng được cải thiện đáng kể chỉ nhờ vào việc đi bộ.
6. Cảm thấy hạnh phúc hơn
Nếu có thể, hãy đi bộ, hòa mình với thiên nhiên, ví dụ như đi dạo trong công viên, vườn hay những nơi có nhiều cây cối. Việc này sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng, hạnh phúc và cân bằng hơn.
Trị liệu tự nhiên rất phổ biến ở Nhật Bản vì những tác dụng tuyệt vời của nó trong việc thư giãn và tăng cường hoạt động não bộ. Theo một nghiên cứu năm 2018, những người thực hiện đi bộ ở rừng tre trong vòng 15 phút cho thấy sự cải thiện đáng kể về tâm trạng, mức độ lo âu và huyết áp.
7. Nâng cao chất lượng giấc ngủ
Bạn không hoàn toàn cần thiết phải tập thể dục ở cường độ cao để cải thiện sức khỏe. Nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy tập thể dục thường xuyên với mức độ vừa phải có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng giấc ngủ của bạn.
Đi bộ cải thiện tính linh hoạt của cơ thể, giảm căng cơ, khiến bạn cảm thấy mình khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, đi bộ vào buổi sáng sớm còn làm giảm cảm giác căng thẳng và lo âu. Những yếu tố trên giúp tâm trí bạn bình thản hơn để dễ vào giấc và ngủ sâu hàng đêm.
8. Khiến việc tập luyện trở nên thú vị hơn
Kết hợp một ít khía cạnh của chánh niệm vào thói quen tập thể dục của bạn khiến chúng trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Các nhà khoa học trong một nghiên cứu nhỏ năm 2018 cho thấy rằng những người vừa sử dụng máy đi bộ vừa nghe những đoạn ghi âm chánh niệm trong 10 phút cho thấy hoạt động này vui và thoải mái hơn. Điều này chỉ ra rằng các phương pháp chánh niệm truyền cảm hứng đến với việc tập thể dục theo một cách rất khác biệt.
9. Truyền cảm hứng sáng tạo
Thực hành chánh niệm khiến bạn có cái nhìn rõ ràng và sự tập trung hơn vào các kiểu suy nghĩ, từ đó kích thích trí sáng tạo.
Một nghiên cứu năm 2015 đã chỉ ra mối liên kết giữa chánh niệm và sự sáng tạo. Và cần nhiều nghiên cứu hơn để xem xét các mặt cụ thể nào của chánh niệm có liên quan tới sáng tạo.
Bạn cũng có thể tự khám phá cách thực hành chánh niệm ảnh hưởng như thế nào trong việc nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề và tạo ra các ý tưởng táo bạo.
10. Cân bằng cơ thể
Một nghiên cứu năm 2019 thực hiện ở những người phụ nữ lớn tuổi cho thấy thiền đi bộ có thể giúp cân bằng cơ thể tốt hơn cũng như sự cảm nhận và sự dẻo dai của mắt cá chân.
Việc luyện tập bao gồm cả cảm nhận đôi chân và di chuyển mắt cá trong khi đi chậm.
Biến thiền đi bộ thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn
Dưới đây là một số mẹo nhỏ để giúp bạn bắt đầu làm quen với thiền đi bộ:
Tập trung vào khoảnh khắc hiện tại
Tập trung vào hiện tại là một thói quen cần rất nhiều thời gian để luyện tập.
Càng thường xuyên càng tốt, khi bạn đi bộ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, tập trung tâm trí của bạn vào khoảnh khắc hiện tại. Đặc biệt là âm thanh xung quanh, hơi thở, các giác quan. Nắm bắt mọi suy nghĩ của bạn khi chúng lướt qua trong trí óc.
Kết hợp cả ngồi thiền
Thiền đi bộ thường được sử dụng kết hợp với ngồi thiền. Bởi vậy, bạn sẽ nhận thấy rằng cả 2 phương pháp này đều đáng để luyện tập.
Một vài mẹo nhỏ với ngồi thiền và thiền đi bộ:
● Ngồi thiền trong 5 đến 10 phút rồi thiền đi bộ hoặc ngược lại.
● Chú ý đến những điểm khác biệt giữa hai phương pháp, bạn thích phương pháp nào hơn và tại sao.
● Khi bạn đã tiến bộ hơn, bạn có thể tăng thời lượng cho mỗi buổi tập.
Slow down (Sống chậm hơn)
Khi tâm trí suy nghĩ quá nhanh thì chúng ta cũng như vậy. Tập nghĩ chậm hơn ngay cả trong trường hợp ta cảm thấy mình thiếu thời gian.
Chú ý nếu bạn gặp bất kỳ trở ngại nào trong việc điều chỉnh hơi thở và cơ thể. Tập hít thở sâu, chậm, đều đặn.
Đi bộ khi bạn có thời gian, cho dù chỉ trong thời gian ngắn.
Luyện tập nghiêm túc
Bạn có thể nói chuyện, thảo luận đổi với giáo viên, nhà trị liệu, bạn bè của bạn về quá trình tập luyện và thành quả đạt được. Nên trao đổi thường xuyên để xem xem bạn có thêm hiểu biết gì mới và đã tiến bộ như thế nào. Phối hợp cùng nhau như vậy sẽ giúp bạn đào sâu thêm nhiều điều trong quá trình thực hành.
Bạn cũng có thể tập viết blog hoặc nhật ký và sử dụng nó như một công cụ để ghi lại kinh nghiệm và phản ánh sự tiến bộ của mình.
Theo healthline
Theo afamily.vn