10 sai lầm khi nuôi dạy trẻ mà hầu hết người lớn đều gặp phải

(lamchame.vn) - Yêu thương, bảo vệ, dành cho con những điều tốt nhất trên thế gian là bản năng của các bậc cha mẹ, nhưng liệu chúng ta có đang yêu thương trẻ đúng cách?

Nếu bạn là một bậc cha mẹ, bạn chắc hẳn cũng hiểu rằng việc nuôi dạy con cái không phải là chuyện dễ dàng. Thực tế, công việc thiêng liêng này cũng vô cùng khó khăn và áp lực. Nó đòi hỏi sự thông minh, nhạy cảm cùng với lòng kiên trì qua nhiều năm tháng của các bậc phụ huynh. Không có sách hướng dẫn nào chứa tất cả câu trả lời cho tình huống cụ thể để dạy chúng ta nuôi con trẻ một cách đúng đắn. Mặc dù vậy, 10 sai lầm đặc trưng của các bậc phụ huynh được các nhà nghiên cứu tổng hợp ở dưới đây có lẽ sẽ giúp chúng ta rút kinh nghiệm phần nào để có thể yêu thương và dạy bảo trẻ một cách đúng đắn nhất. 

1. Nổi nóng khi trẻ làm sai

Trong nhiều trường hợp, những bậc phụ huynh khó mà không nổi nóng và cảm thấy thất vọng khi con trẻ làm trái lời của họ ngay khi họ vừa nhắc chúng về chuyện đó. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tự chủ là một kỹ năng chưa được phát triển đầy đủ cho đến tuổi thiếu niên. Sự thật là không phải lúc nào trẻ em cũng có thể kiểm soát được sự bốc đồng của mình và phá vỡ các quy tắc. Vì vậy, đừng vội la mắng trẻ khi chúng phạm sai lầm, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và nhắc nhở trẻ để chúng dần hoàn thiện tư duy của bản thân. 

2. Ép buộc trẻ làm theo lịch trình dày đặc trong ngày

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động bổ ích là một việc vô cùng tốt, điều này có thể giúp tư duy và thể chất của trẻ được phát triển toàn diện. Mặc dù vậy, trẻ có thể sẽ bị kiệt sức nếu bạn lập ra quá nhiều hoạt động cho trẻ, lấp đầy ngày nghỉ của trẻ bằng các “nhiệm vụ”. 

Các phản ứng của trẻ đối với sự kích thích quá mức này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi:

- Ở trẻ sơ sinh: ủ rũ, mệt mỏi, quay mặt đi, nắm chặt tay và đá.

- Ở trẻ mầm non: mệt mỏi, ủ rũ, quấy khóc mà không thể giải thích được cảm xúc của mình, cáu kỉnh, không chịu tham gia vào bất kỳ hoạt động nào khác.

- Ở trẻ em tiểu học: vụng về, cố gắng gây chú ý nhiều hơn, yêu cầu giúp đỡ nhiều hơn bình thường ở trường hoặc với các công việc ở nhà. 

3. Không đọc được cảm xúc của trẻ 

 

Đôi khi, người trưởng thành chúng ta rất dễ thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như khi mệt mỏi, mất ngủ, căng thẳng, hoặc chỉ đơn giản là khi đói. Trẻ em cũng như vậy, nhưng có một điểm khác biệt là khả năng kiểm soát hành vi của trẻ trong những trường hợp này kém hơn người lớn. Do đó, người lớn càng cần phải bình tĩnh quan sát những thay đổi tâm trạng này bởi không phải lúc nào trẻ cũng biết cách truyền đạt những vấn đề của chúng. 

4. Không cho phép trẻ bộc lộ cảm xúc tiêu cực

Trẻ em cũng trải qua những cảm xúc vui, buồn, mừng, giận,... giống như người lớn, chỉ khác là chúng không thể che giấu hoặc kìm nén những cảm xúc này. Hơn hết, không phải lúc nào trẻ cũng biết cách thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói. Điều này đôi khi khiến chúng ta cảm thấy tức giận và bất lực. Tuy nhiên, nổi nóng với trẻ không bao giờ là cách giải quyết vấn đề. Trong trường hợp này, việc người lớn cố gắng giúp trẻ tìm ra những từ phù hợp để biểu đạt cảm xúc là rất quan trọng. 

Bạn có thể cho trẻ một không gian riêng và hỏi trực tiếp để trẻ thử tìm cách tự biểu đạt cảm xúc của chúng cho bạn hiểu. Bạn cũng có thể sử dụng các bộ phim hoặc chương trình truyền hình mà trẻ thích để trẻ học cách sử dụng từ ngữ và thể hiện cảm xúc của bản thân. 

5. Không hiểu nhu cầu hoạt động vui chơi của con trẻ

Nhiều khi, chúng ta cảm thấy thật khó hiểu tại sao trẻ không thể thư giãn dù chỉ một lúc. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh sẽ bắt trẻ ngồi yên, giữ trật tự vì việc trẻ quá hiếu động gây cho họ rất nhiều phiền hà. 

Chúng ta phải hiểu rằng, hầu hết trẻ em đều tràn đầy năng lượng đến mức chúng thực sự cảm thấy cần phải di chuyển khẩn cấp. Đó là lý do tại sao, thay vì cố gắng kìm hãm hành động của trẻ, chúng ta nên chuyển nguồn năng lượng đó vào một hoạt động nào đó hữu ích. Ví dụ, bạn có thể dẫn trẻ đi chơi trong công viên, đi xe đạp, chơi bóng đá hoặc bất kỳ môn thể thao nào khác yêu cầu chúng phải di chuyển.

6. Kìm hãm sự tự do sáng tạo của trẻ

Giống như hầu hết người lớn, trẻ em thích được tự chủ, được cảm thấy rằng chúng có tiếng nói hoặc chúng có thể tự quyết định. Trẻ thường có xu hướng chống lại cha mẹ khi họ cố gắng giúp chúng làm một việc gì đó. 

Bởi vậy, khi trẻ muốn tự mình làm việc gì, cách tốt nhất mà các bậc phụ huynh có thể giúp con trẻ là để chúng tự do hoàn thành việc đó. 

7. Không hiểu được mặt trái trong điểm mạnh của trẻ

Mỗi chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, trẻ em cũng vậy. Và đôi khi, điểm yếu của chúng ta, nằm trong chính đặc tính mà chúng ta cho là điểm mạnh. Ví dụ, một người quá cầu toàn trong công việc có thể sẽ dễ vấp phải nhiều vấn đề trong giao tiếp xã hội. Trẻ em cũng thế, một đứa trẻ cầu toàn ở trường học có thể trở nên rất mất tập trung khi ở nhà.

Vì vậy trước tiên, chúng ta cần xác định những hành vi tốt và không muốn trẻ thay đổi đồng thời không chỉ ra điểm chúng không đúng của trẻ. Nhưng quan trọng hơn hết, đừng để cách uốn nắn của bạn làm tổn thương tâm lý của trẻ. 

8. Ngăn cấm hành động “vui chơi” của trẻ

Như chúng ta đã biết, trẻ em rất dồi dào năng lượng, chúng tò mò và luôn luôn tìm kiếm những trò chơi mới. Mặc dù đôi khi việc vui chơi của trẻ đồng nghĩa với “phá phách đồ đạc” và “gây bừa bộn nhà cửa” thì chúng ta vẫn nên nhớ rằng, vui chơi là một phần cơ bản trong quá trình phát triển của trẻ. Điều này giúp trẻ phát triển các kỹ năng khác nhau và học hỏi những điều mới. 

9. Lây lan cảm xúc tiêu cực cho trẻ

Trẻ em giống như một miếng bọt biển vậy, chúng thường bắt chước thái độ, cảm xúc và suy nghĩ của cha mẹ hoặc những hình mẫu khác có xung quanh. Điều đó có nghĩa là nếu người lớn thường xuyên căng thẳng, con cái của họ rất có thể cũng sẽ hình thành tính cách trầm mặc, cáu kỉnh. 

Phản ứng này được gọi là hiện tượng “lây lan cảm xúc”. Theo khoa học thần kinh, hiện tượng bắt chước này vượt ra ngoài việc sao chép các cử chỉ đơn thuần, chúng “lây nhiễm” một cách tự nhiên giống như rung chấn trong một căn phòng vậy. Đây là lý do tại sao việc tạo ra một môi trường tích cực để trẻ có thể tiếp thu những cảm xúc tích cực là điều tối quan trọng.

10. Khó khăn trong việc dạy trẻ phân biệt đúng sai

Sự khác biệt về ranh giới đúng sai luôn là một điều khó hiểu đối với trẻ em. Chúng không hiểu nổi, tại sao khi chúng thực hiện cùng một hành động nhưng lúc thì chúng được khen ngợi lúc thì không?

Chìa khóa quan trọng nhất cho việc này đó là bạn phải tuân thủ các quy tắc bạn đưa ra cho một đứa trẻ. Ví dụ, bạn nói rằng sẽ đọc 1 câu truyện cho đứa trẻ trước khi chúng đi ngủ thì đừng bao giờ thỏa hiệp sẽ đọc thêm 1 câu truyện nữa. Việc phá vỡ nguyên tắc sẽ làm trẻ thất vọng và bối rối, sau cùng phương pháp của bạn sẽ không còn tác dụng.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU