18 ngày sống trong "khủng hoảng" của đại gia đình có 18 F0: Bí quyết để không ai trở nặng

Đại gia đình đã cùng nhau cố gắng ăn uống đủ bữa, luôn giữ tinh thần lạc quan, đặc biệt luôn súc miệng bằng nước muối.

3 người nhập viện, 18 người điều trị tại nhà

Sau nhiều ngày "u uất" chiến đấu với COVID-19, căn nhà với diện tích 160m2 của gia đình anh Phùng Quang Thông (SN 1993, tại quận Tân Phú, TP.HCM) lại đầy ắp tiếng cười.

Thở một hơi nhẹ nhõm, anh Thông nở nụ cười tươi với những gì vừa trải qua. Anh bắt đầu kể về những ngày trước đó, vốn dĩ gia đình anh có 21 người với 4 thế hệ (6 gia đình) cùng sinh sống với nhau rất yên ổn.

Khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở TP.HCM, một người em họ sống cùng nhà với anh Thông bị nhiễm COVID-19 ở nơi làm việc.

Gia đình anh Thông trong những ngày mắc COVID-19

"Ngày 20/8, nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Song, em ấy về nhà lại 'quên mất', không thông báo một tiếng nào, có lẽ do quá lo lắng, cũng không tự mình cách ly, vẫn tham gia mọi sinh hoạt bình thường cùng cả gia đình mà thậm chí không đeo khẩu trang. Ngày 21/8 thì tôi mới hay tin, lúc ấy tôi nghĩ chắc chắn gia đình mình đã bị nhiễm hết", anh Thông kể.

Sau khi người em này và bố mẹ nhiễm bệnh, được đến bệnh viện cách ly, điều trị, nhà anh Thông bị phong tỏa. Lúc này, những người khác ở nhà cũng bắt đầu có triệu chứng sốt, đau họng và mệt mỏi. Cũng từ lúc này, những người còn lại trong gia đình anh Thông phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang, súc họng bằng nước muối ngày 4 lần.

Khi có thông tin cả gia đình mắc COVID-19, anh Thông tiến hành xịt khuẩn quanh nhà

Tất cả 18 thành viên còn lại trong nhà anh Thông có biểu hiện sốt, đau họng và mệt mỏi. Nghĩ cả nhà đã nhiễm bệnh, anh Thông chủ động gọi đến trạm y tế phường xuống lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, anh nhận được câu trả lời: hẹn vài hôm nữa. Lúc đó, trong nhà anh Thông chỉ mới có 4 người được tiêm vắc xin. Anh Thông và những người còn lại vì lý do sức khỏe nên chưa được tiêm.

"Như bao F0 khác, lúc mới biết tin mình dương tính, tôi thực sự hoang mang. Mẹ tôi đã hơn 70 tuổi, dì, cậu và bác cũng cao tuổi, lại có bệnh nền, nếu không được uống thuốc sẽ trở nặng bất chợt thì trở tay không kịp... Nhưng những suy nghĩ đó cũng nhanh chóng bị tôi dẹp sang một bên, khi nhìn thấy mẹ tôi lo lắng, tôi tự nhủ mình phải bình tĩnh để tìm cách chiến thắng COVID-19", anh Thông kể.

Cách giúp các thành viên điều trị tại nhà không trở nặng

Rất may 4 người trong gia đình được tiêm vắc xin nên không có dấu hiệu bệnh. Một em bé 4 tuổi sốt 2 ngày thì hết. Những người còn lại trong nhà đều mất vị giác, khứu giác, mệt mỏi, có lúc sốt hơn 39 độ.

Thấy vậy, anh Thông chủ động liên hệ với một phòng khám tư để làm xét nghiệm PCR cho mình và em trai. Cả hai anh em đều có kết quả khẳng định dương tính.

Đến ngày 27/8, cả nhà anh Thông được nhân viên y tế địa phương đến nhà lấy mẫu test nhanh và đều có kết quả dương tính. Sau khi được hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, họ được cấp 8 túi thuốc A và B. Sợ không đủ thuốc, anh Thông nhờ hàng xóm mua thêm thuốc hạ sốt, đau đầu, các loại vitamin A, C, D… để đề phòng.

"Cùng với việc lên mạng tìm thông tin và nhờ những clip hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ Trương Hữu Khanh và một số kinh nghiệm từ các F0 đã khỏi bệnh, tôi trấn an cả gia đình: 'Chúng ta hãy coi như chỉ bị cảm cúm thông thường, giữ tinh thần thoải mái để điều trị!'. Nhờ thế, các thành viên trong gia đình cũng phần nào yên tâm hơn", anh nói.

Những hoạt động hằng ngày giúp tinh thần mỗi thành viên luôn lạc quan

Chia sẻ về cách giúp các thành viên không trở nặng, anh Thông cho biết: "Song song với uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, cả gia đình tôi tiếp tục súc họng bằng muối pha với nước ấm ngày 4 lần và dùng nước này rửa mắt, mũi. Nấu nước gừng, sả, tỏi tán nhuyễn và rượu trắng xông hơi ngày 2 lần, sáng và chiều. Mỗi lần xông hít vào sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng.

Với người lớn tuổi, có bệnh nền như mẹ tôi thì uống thêm nước tỏi với đường phèn, uống lúc nóng cho thông họng.

Trước đây, cả nhà chỉ cần thấy ánh nắng là 'trốn', nhưng bây giờ, mỗi buổi sáng, cả gia đình thay phiên nhau ra trước nhà, tắm nắng 15 phút để cơ thể hấp thụ vitamin D, tập những động tác vận động nhẹ nhàng, rồi xếp ghế, ngồi ăn sáng ngay trước hiên nhà.

Đặc biệt, cả nhà tôi luôn động viên nhau uống nhiều nước, vận động nhẹ nhàng, luôn giữ tinh thần lạc quan và cố gắng ăn đầy đủ ngày 3 bữa.

Mỗi ngày, những người khỏe hơn sẽ chế biến các món ăn, thay đổi theo ngày, hoặc mỗi khi chán ăn cơm thì đổi sang cháo, bún… Bị mất vị giác, khứu giác nhưng tôi vẫn cố gắng ăn. Tôi nghĩ, mình phải ăn thật nhiều thì cơ thể mới có sức khỏe và sức đề kháng. Để có đủ chất dinh dưỡng, tôi nhờ hàng xóm, tổ COVID-19 cộng đồng của khu phố đi chợ giúp".

Từ người già đến trẻ nhỏ trong gia đình đều tìm "công việc" để được bận rộn hơn

Anh Thông cho biết, mẹ, cậu, các dì, các bác của anh đều lớn tuổi, có bệnh nền nhưng không ai có dấu hiệu nặng đều nhờ áp dụng cách trên. Ai cũng sốt, mệt một vài ngày rồi hết. Còn anh, đến ngày thứ 8 của bệnh, anh bắt đầu cảm thấy khó thở tăng dần. "Có lúc, tôi hắt hơi nhẹ cũng thấy lồng ngực đau nhức", anh Thông kể.

Tối ngày thứ 9 của bệnh, anh Thông khó thở nhiều hơn và bắt đầu áp dụng các hướng dẫn trong video. "Tôi dùng gối kê dưới người và nằm sấp. Nằm một lúc, tôi bắt đầu thở được, rồi chuyển sang thở nhẹ nhàng và ngủ ngon đến sáng hôm sau", anh Thông kể.

Đến ngày bệnh thứ 11, các triệu chứng của anh Thông không còn. Hơi thở cũng bắt đầu sâu hơn và không còn đau lồng ngực. Tuy nhiên, anh vẫn duy trì cách nằm sấp, súc họng và ăn uống đầy đủ, luôn xem những bộ phim, câu chuyện hài hước cho tình thần thoải mái.

Hân hoan khi cả 18 người đều khỏi bệnh

Ngày 7/9, cả nhà anh Thông đã trải qua ngày bệnh thứ 17, 18. Tất cả các dấu hiệu bệnh đều không còn nữa. Ai cũng lấy lại vị giác, khứu giác. Anh báo thông tin đến trạm y tế phường để họ xuống lấy mẫu xét nghiệm lại. "Chính quyền địa phương đã xuống tháo phong tỏa và biển thông báo nhà đang cách ly y tế", anh Thông chia sẻ.

Sau gần 2 tuần tự điều trị tại nhà, anh Thông cho rằng: "COVID-19 sẽ không quá đáng sợ nếu chúng ta giữ được tinh thần lạc quan và có niềm tin là mình sẽ chiến thắng. Bên cạnh việc chăm chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tinh thần lạc quan luôn là liều thuốc bổ tuyệt vời nhất.

Thêm nữa, bệnh này cũng như cảm cúm, nhưng sức 'tàn phá' lớn nhất đối với cơ thể chính là khiến người bệnh cảm thấy 'chán ăn và khó thở'. Chỉ cần vượt qua được hai cái khó này là coi như khỏe".

Trải qua "khủng hoảng", cả gia đình anh Thông giờ đã có cuộc sống bình thường trở lại

Anh Thông cũng cho biết thêm, 3 người trong nhà được đi cách ly, điều trị ở bệnh viện có hai người được xuất viện. "Dì tôi do bệnh chuyển nặng nhanh nên mất ở bệnh viện", anh Thông giọng buồn nói.

Gạt qua nỗi mất mát ấy, anh Thông và những người khác trong gia đình vẫn cảm thấy may mắn là dù chưa được tiêm vắc xin nhưng những người cách ly tại nhà không chuyển nặng và không phải đi cấp cứu. Trải qua câu chuyện của gia đình mình, anh Thông đã chia sẻ kinh nghiệm lên một nhóm F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Anh cũng mong những người bệnh khác sẽ vượt qua như gia đình mình.

Anh Thông cũng không quên nhắn nhủ: "Giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lực lượng y tế tuyến đầu cũng đang rất vất vả, ai có thể tự lo cho bản thân thì hãy cố gắng. Mọi người khi ra ngoài, nhớ mang khẩu trang đúng cách, đeo thêm tấm chắn giọt bắn; nếu đi mua đồ thì nên chủ động sát khuẩn từng món một, thậm chí sát khuẩn toàn thân. Mỗi người nâng cao ý thức để tự bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh".

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/18-ngay-song-trong-khung-hoang-cua-dai-gia-dinh-co-18-f0-bi-quyet-de-khong-ai-tro-nang-161211509153611452.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU