Mới đây, tại huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) xảy ra vụ ngộ độ thực phẩm thương tâm khiến 2 chị em 5 tuổi và 3 tuổi tử vong. Các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn mỳ tôm xào trứng do ông mang từ đám cưới về.
Chiều 18/5, trao đổi với PV về nguyên nhân khiến 2 cháu bé bị ngộ độc tử vong, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Trứng với mỳ tôm xào cùng nhau không có phản ứng hoá học nào. Bản thân trứng và mỳ ăn liền là những thực phẩm lành không có vấn đề gì trong chế biến.
Tuy nhiên, khi nấu ăn có nhiều yếu tố khiến món ăn bị nhiễm bẩn dẫn đến ngộ độc.
Có thể tại bữa nấu cỗ ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) những người nấu ăn xào mỳ tôm với trứng ở trong điều kiện vệ sinh không tốt dẫn đến món ăn bị nhiễm bẩn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nấu ăn bị nhiễm bẩn, có thể từ con người hoặc môi trường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khi món ăn bị nhiễm bẩn thì bản thân mỳ ăn liền không có vấn đề gì lớn nhưng trứng xào lại nguy hiểm.
Bởi trứng có thể khi mua ngoài chợ về nấu ăn đã bị hư hỏng, ung thối nên có vi khuẩn trước khi chế biến.
Khi trứng đã bị nhiễm khuẩn xào xong lại không ăn ngay dẫn đến ruồi, nhặng đậu vào dẫn đến nhiễm trùng thêm khiến người ăn bị ngộ độc.
"Món ăn khi về đến nhà bản thân đã bị nhiễm khuẩn trẻ con lại ăn lạnh nên rất dễ phản ứng với các độc tố.
Trẻ con bị ngộ độc là từ độc tố của món ăn bị nhiễm khuẩn chứ không phải do trứng và mỳ tôm xào cùng nhau.
Việc nhiễm độc khiến trẻ con dễ bị tiêu chảy.
Tuy nhiên, có nhiều trẻ không bị hiện tượng này nhưng lại bị tê liệt tay, chân, mắt.
Những độc tố từ thức ăn bị nhiễm khuẩn khi trẻ con ăn vào nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng, tử vong..." PGS.TS. Thịnh nói.
PGS.TS. Thịnh cho biết thêm, nhiễm độc chủ yếu do vi sinh vật nhiễm vào nguồn sản phẩm, thực phẩm....
Đặc biệt món trứng xào, người chế biến thường chỉ xào tái không chín hẳn dẫn đến việc vi khuẩn gây ngộ độc không bị tiêu diệt mà còn phát triển mạnh hơn.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh đưa ra những lời khuyên trong việc cấp cứu trẻ bị ngộ độc thực phẩm đó là cho trẻ uống thật nhiều nước hoặc dùng nước tẩy rửa ruột soda để đẩy nguồn thực phẩm ra ngoài, điều này khiến độc tố không ngấm vào cơ thể.
"Nếu trong trường hợp kể cả người lớn và trẻ em bị ngộ độc thức ăn thì nhanh chóng cho những người này uống nước có pha thêm soda (dạng rửa dạ dày) thật nhiều và ép nôn ra ngoài. Khi đã nôn ra thì độc tố trong dạ dày sẽ ra ngoài cùng.
Còn trong trường hợp đã ăn lâu thì sử dụng biện pháp thụt. Biện pháp này có thể sử dụng bằng cách dùng nước sạch đựng vào xô, thùng... rồi dẫn nguồn nước vào ống cao su.
Sau đó, đưa đầu ống còn lại vào hậu môn của người bị ngộ độc. Khi đưa ống cao su vào trong hậu môn xong thì đặt xô nước lên cao để nước tự động chảy vào dạ dày...." PGS.T.S. Nguyễn Duy Thịnh đưa ra phương pháp sơ cứu đối với người bị ngộ độc.
Để tránh trường hợp bị ngộ độc thực phẩm trong mùa hè sắp tới, PGS.TS. Thịnh khuyên mọi người ăn chín, uống sôi. Thực phẩm tại các đám hiếu, hỷ nấu xong để nguội mọi người nên ăn luôn tránh để qua đêm.
Đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa không có tủ lạnh thì nấu ăn đủ dùng trong bữa không nên ăn thức ăn đã để qua ngày.
Vào ngày 13/5, mộ hộ dân ở xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) tổ chức đám cưới cho con và mời khách ăn cỗ với khoảng 17 mâm. Thức ăn trong đám cưới do người dân trong xóm tự nấu gồm các món như đậu phụ, thịt lợn xào, mì tôm xào trứng, giá đỗ....
Sau bữa ăn đến ngày 14/5 thì 20 người có các các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy.
Đến chiều 15/5, những người bị ngộ độc đã đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc.
Sau khi dự đám cưới trên, ông L.T.P. mang thức ăn tại đám cưới là món mỳ tôm xào trứng về cho 2 cháu 3 tuổi và 5 tuổi ăn.
Do thức ăn bị ôi thiu, người nhà lại phát hiện muộn các triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm nên 2 cháu bé không được cấp cứu kịp thời nên tử vong vào sáng 15/5.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/2-chi-em-tu-vong-sau-khi-an-mon-trung-xao-my-tom-chuyen-gia-nhan-dinh-nguyen-nhan-16121180519155321.htm
Theo ttvn.vn