Chúng ta ai cũng phải trải qua ba lần giáo dục: Giáo dục bởi gia đình, giáo dục ở nhà trường và giáo dục từ xã hội.
Nhưng hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều bị cuốn theo vòng xoáy "phát triển" của giáo dục. Họ nghĩ rằng chỉ cần thuê cho con gia sư đắt tiền nhất, cho con theo học ở các trường điểm nổi tiếng nhất thì có nghĩa là họ đang chiến thắng. Họ chỉ chăm chăm vào giáo dục bên ngoài mà bỏ quên mất tầm quan trọng của giáo dục gia đình.
Giáo dục từ nhà trường và xã hội đều mang tính thời hạn. Nhưng giáo dục từ gia đình là quá trình giáo dục xuyên suốt cả một đời của mỗi con người. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn, tính cách và lối sống sau này của con trẻ.
Giáo dục gia đình liên quan mật thiết đến từng bước trưởng thành của con. Chúng có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với cuộc đời của mỗi con người.
Cách giáo dục tốt nhất trong gia đình là dạy trẻ 3 điều sau đây:
ĐIỀU 1: DẠY TRẺ BIẾT TUÂN THỦ QUY TẮC
Giáo sư từng chia sẻ một câu chuyện về bà và cháu ngoại của bà như sau:
Cháu ngoại bà rất thích dùng ipad để xem phim hoạt hình. Có một lần khi cậu nhóc đã xem được chừng nửa tiếng thì bà nói với cậu: "Đừng xem nữa con, nếu con tiếp tục xem sẽ không tốt cho mắt".
Dứt lời, bà liền bước đến cất chiếc ipad đi. Cháu ngoại tức giận tát bà một cái.
Bà yêu cầu cậu nhóc xin lỗi, nhưng nó không những không xin lỗi mà còn giận ngược lại bà.
Bà bắt đầu phớt lờ mặc kệ cậu nhóc. Một lúc sau, cháu ngoại chủ động lẽo đẽo theo sau bà, nhưng không hề có ý định xin lỗi.
Giáo sư một lần nữa đưa ra yêu cầu rất rõ ràng: "Con nhất định phải xin lỗi bà, vì hành động lúc nãy của mình".
Sau đó, bà ngồi xuống kiên nhẫn giải thích với cháu ngoại: "Bà biết con rất thích xem hoạt hình, nhưng nếu xem như vậy rất dễ bị hỏng mắt. Con thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu như khi lớn lên mắt con không thể nhìn thấy được nữa? Từ nay, khi nào bà nói con không được xem thì đừng xem nữa nhé".
Sau đó cháu ngoại của bà đã thực sự tuân thủ quy tắc.
Khi trẻ trong khoảng độ từ ba đến sáu tuổi, nhất định phải thiết lập quy tắc và uốn nắn tính cách cho trẻ đến nơi đến chốn. Bởi khi đó trẻ vẫn còn rất bám ba mẹ. Ba mẹ nói gì trẻ cũng sẽ nghe theo. Thiết lập quy tắc là một quá trình rất cực khổ, nhưng chúng thật sự rất rất quan trọng. Nếu thiết lập quá muộn, khi các thói quen đã được hình thành, trẻ sẽ phản kháng.
Nhà triết học Hegel từng nói: "Tự giác kỉ luật là điều kiện đầu tiên của tự do".
Quyền tự do của một con người không có nghĩa là không chịu sự quản chế của bất kỳ một ai, mà là hoạt động trong phạm vi của những quy tắc nhất định.
Dạy trẻ tuân theo các quy tắc, dạy chúng biết những gì nên làm và những gì không nên làm là trách nhiệm cơ bản của bậc làm cha mẹ.
Kazuo Inamori từng nói: "Nhiều bậc cha mẹ coi việc không tuân thủ quy tắc của con trẻ là hoạt bát đáng yêu, là tự chủ độc lập. Trong trường hợp này, cả cha mẹ và con cái đều cần được giáo dục."
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên yêu cầu con cái phải lễ phép với mọi người, không gây ồn ào nơi công cộng, không nói dối, biết giúp đỡ chia sẻ và tuân thủ mọi quy tắc.
Cha mẹ yêu cầu con cái tuân thủ quy tắc thì đồng thời bản thân cũng phải thực hiện theo. Dùng bản thân mình làm tấm gương sáng cho con học tập và noi theo là cách giáo dục tốt nhất.
Nuôi dạy một đứa trẻ là uốn nắn chỉ dẫn khi nó còn nhỏ và cho nó một đôi cánh khi nó lớn lên.
Đối với con trẻ mà nói, những quy tắc mà cha mẹ đặt ra cho chúng không phải để hạn chế gò bó chúng, mà là để cho chúng được bảo vệ và tự do lớn nhất.
ĐIỀU 2: DẠY TRẺ BIẾT TỰ GIÁC KỈ LUẬT
Có một độc giả tâm sự với tôi. Cô ấy có một cậu con trai 7 tuổi rưỡi đang học lớp 2. Ý thức kỷ luật của cậu nhóc rất kém. Bé thường nói chuyện trong lớp, gây ồn trong giờ kiểm tra. Khi bị cô giáo phạt đứng, bé vẫn tiếp tục nói chuyện. Bé không thích làm bài tập về nhà, chỉ thích chơi game, vậy làm thế nào để có thể khiến bé thích đọc và tự học đây?
Trong cuộc sống, xung quanh chúng ta không thiếu những đứa trẻ như vậy:
Vấn đề vệ sinh cá nhân như đánh răng, rửa mặt cũng phải đợi cha mẹ thúc giục nhiều lần mới chịu làm. Sáng nào cũng phải để bố mẹ vào tận giường gọi nhiều lần mới chịu dậy đi học.
Bài tập về nhà thứ hai phải nộp thì đến tận tối chủ nhật, bé mới vội vàng bắt tay vào làm, trong khi chơi game xem ti vi thì chẳng cần ai phải nhắc.
Trong tâm lý học có một thí nghiệm rất nổi tiếng tên là "Thí nghiệm Marshmallow":
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Walter Michel đã đặt một phòng thí nghiệm trong một trường mẫu giáo trực thuộc Stanford và đặt tên cho nó là "Phòng bất ngờ".
Những đứa trẻ được chọn lần lượt được mời vào để làm thí nghiệm. Trước mặt mỗi cô, cậu nhóc đều có một chiếc kẹo dẻo. Các nhà nghiên cứu nói với bọn trẻ nếu bây giờ chúng ăn kẹo sẽ không được nhận thưởng. Nhưng nếu kiên trì 20 phút sau mới ăn, thì có thể nhận được phần thưởng là hai viên kẹo dẻo. Cuối cùng, chỉ 1/3 số trẻ kiên trì để có được hai viên kẹo dẻo phần thưởng.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã quan sát nhóm trẻ tham gia thí nghiệm và nhận thấy rằng:
Những đứa trẻ chống lại được sự cám dỗ trong cuộc thử nghiệm và chấp nhận sự hài lòng chậm trễ hơn sẽ có khả năng tự chủ tốt hơn khi chúng lớn lên, học tốt hơn và thành công hơn trong sự nghiệp.
Tự khống chế là một kỹ năng có thể trau dồi, trong giáo dục gia đình các bậc cha mẹ cần chú ý hướng dẫn con em mình tính tự kỉ luật.
Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều không biết khi nào cần học và khi nào thì chơi. Vì vậy các bậc cha mẹ cần làm ba điều sau để giúp trẻ hình thành tính tự giác kỉ luật.
Cha mẹ hãy lắng nghe con cho con không gian để phát triển.
Cha mẹ hãy hướng dẫn con tính tự giác, đồng thời cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con học tập và noi theo. Để con tự quyết định và tin tưởng vào quyết định của con.
Cha mẹ hãy nghiện chơi điện thoại thì không thể nuôi dạy con mê đọc sách. Bản thân con người luôn có mong muốn tìm hiểu khám phá thế giới. Nó là bản tính mà ai trong mỗi chúng ta đều có. Chính sự kiểm soát chặt chẽ và thiếu tin tưởng của cha mẹ đã tạo áp lực cho trẻ đồng thời làm suy giảm khả năng tự chủ của trẻ.
Mỗi đứa trẻ đều là chuyên gia của chính mình. Chúng hiểu rõ bản thân mình hơn ai hết. Mỗi một đứa trẻ là một cá thể độc lập với những suy nghĩ và phán đoán riêng.
Khi trẻ xem tivi, chơi game quá nhiều. Thay vì cấm đoán chúng ta hãy phân tích chỉ cho con biết những gì nên và không nên, lợi ích và tác hại của sự việc.
Hướng dẫn một đứa trẻ tự kỷ luật không phải là chuyên quyền hay buông thả, mà là để trẻ biết rằng chúng muốn và đủ khả năng làm điều đó.
Những đứa trẻ hiểu được tính tự giác sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.
ĐIỀU 3: DẠY TRẺ KHÔNG ĐỂ SỰ MẪN CẢM LÀM HẠI
Tôi có một người bạn luôn lo lắng về việc con gái của cô ấy cực kì mẫn cảm, rất dễ bị tổn thương.
Chỉ cần cô giáo khen các bạn khác mà không khen nó, nó sẽ buồn bã không vui cả ngày, cũng chẳng còn tâm trạng chú ý nghe giảng. Khi đang biểu diễn nếu nghe thấy có ai đó cười, nó sẽ nghĩ rằng người ta đang cười nhạo nó.
Thực ra trẻ nhạy cảm và dễ bị thương tổn quá mức đôi khi lại do chính cha mẹ tạo ra.
Có rất nhiều bậc cha mẹ dồn sự chú ý và đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái. Nhưng vô tình sự lo lắng quan tâm thái quá của cha mẹ lại khiến con cái trở nên áp lực.
Junichi Watanabe đã viết thế này trong cuốn sách "Insensitive Force":
"Những người thành công trong các lĩnh vực ngành nghề, đương nhiên là họ rất tài năng. Nhưng ngoài tài năng ra, chắc chắn sâu trong họ đều giữ cho mình một trái tim lạnh."
Hầu hết trong ấn tượng của nhiều người, thành công luôn đi liền với sự nhạy bén, hiểu biết và thận trọng. Nhưng thực chất bất luận là làm gì ngoài nhạy bén ra còn cần một chút bình tĩnh làm chủ được cảm xúc, đừng quá mẫn cảm với mọi thứ xung quanh.
Họa sĩ manga nổi tiếng Cai Zhizhong có hơn 100 tác phẩm kinh điển như "Lao Fu Zi", "Lie Zi Shuo", "Wolong Yuan"... bán chạy cả trong và ngoài nước trở thành hình mẫu cho giới trẻ.
Họa sĩ tài năng này, khi còn nhỏ cũng chỉ là một cậu nhóc nghịch ngợm, luôn khiến người lớn phải lo lắng.
Vào một ngày năm lên bốn tuổi, cậu lẻn vào phòng làm việc của cha dùng bút vẽ kín hết tường. Bức tường trắng giờ đây đầy những nét vẽ nghệch ngoạc lem nhem.
Cậu bé Cai Zhizhong hoàn toàn chìm đắm trong tác phẩm của mình. Cha cậu đứng ngoài cửa chỉ lặng yên bình tĩnh quan sát cậu.
Thay vì tức giận và trách phạt cậu, cha đã mua cho cậu một chiếc bảng màu đen để cậu được thỏa sức khắc họa thể hiện trí tưởng tượng của mình.
Sự kiên nhẫn và độ lượng của cha đã bảo vệ bản tính nghịch ngợm của Cai Zhi Zhong và phát huy hết tài năng thiên bẩm của ông.
Cai Zhizhong cống hiến hết mình cho hội họa. Khi 15 tuổi, ông trở thành họa sĩ manga chuyên nghiệp. Đồng thời ông cũng có được bản tính kiên nhẫn với tất thảy mọi thứ, như cha ông đã làm.
Trong giáo dục, cần có sự kiên nhẫn lắng nghe để trẻ có thể tự mình phát triển một cách tốt nhất.
Sự kiên nhẫn có thể được di truyền. Cha mẹ càng kiên nhẫn, lắng nghe thì con cái càng ưu tú. Đừng để sự mẫn cảm làm hại bạn, làm hại cả con bạn.
Nhà giáo dục nổi tiếng Ushinsky từng nói:
"Nếu bạn hình thành một thói quen tốt, cả một đời này bạn sẽ chẳng thể hưởng hết những lợi ích mà nó mang lại. Nhưng nếu bạn hình thành một thói quen xấu, bạn sẽ phải trả những món nợ vô nghĩa cả đời".
Giáo dục gia đình thành công là giúp trẻ hình thành thói quen tốt, có khả năng xử lý độc lập. Khi trẻ còn nhỏ cha mẹ cần kịp thời chỉ bảo để dạy trẻ biết tuân thủ nội quy, biết tự kỷ luật, và luôn kiên nhẫn bao dung. Có như vậy, trẻ mới có thể sống bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống tương lai của mình.
Theo afamily.vn