Chỉ số thông minh của trẻ hoàn toàn có thể được nâng cao do các phương pháp rèn luyện mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
3 giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển não bộ của trẻ
1. Từ 0-3 tuổi:
Đây là giai đoạn phát triển trí tuệ quan trọng đầu tiên. Giai đoạn này, trẻ sẽ đạt được sự thành thạo đối với các kỹ năng vận động thô. Đó là những vận động của toàn bộ cơ thể có sự tham gia của các nhóm cơ lớn nhằm thực hiện các chức năng hàng ngày như: Đi, đứng, chạy, nhảy, ngồi thẳng lưng trên ghế, ném bóng,...
Đồng thời, trẻ có mức độ tiếp thu nhất định về kỹ năng vận động tinh. Đó là những kỹ năng liên quan đến khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay như: Cầm đồ chơi, xoay, nặn, siết, lắp ghép khối, cầm muỗng…
2. Từ 3-5 tuổi:
Trong giai đoạn này, sự phát triển tiểu não của trẻ dần hoàn thiện. Trẻ sẽ tiếp nhận được những sự việc phức tạp diễn ra trong cuộc sống, giúp trẻ tích luỹ kiến thức. Lúc này, trẻ có những hiểu biết cơ bản về toàn bộ thế giới. Khi trẻ được giao tiếp với môi trường nhiều hơn, mạng lưới tế bào thần kinh trong não bộ sẽ càng phát triển.
3. Từ 5-8 tuổi:
Đây là giai đoạn phát triển trí tuệ rất quan trọng. Các chuyên gia còn gọi đây là giai đoạn thay đổi năng lực não bộ. So với 2 giai đoạn trước, giai đoạn trẻ từ 5-8 tuổi quan trọng hơn bởi trẻ có nhận thức sâu sắc hơn rất nhiều.
Cha mẹ nên làm gì trong các giai đoạn quan trọng phát triển não bộ?
1. Quan tâm đến việc hướng dẫn giáo dục cho trẻ mầm non
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trẻ bắt đầu hành trình học tập sau khi đến trường Tiểu học. Nhưng thực tế, hành trình học tập của trẻ đã bắt đầu một cách vô thức từ khi mới sinh ra. Nhà tâm lý học Raymond Cattel chỉ ra rằng, trẻ sẽ phát triển trí tuệ nhanh nếu được cha mẹ truyền đạt ngôn ngữ, kiến thức, kỹ năng ngay từ khi còn nhỏ.
Điều này có nghĩa là dù trẻ nhỏ tuổi nhưng đã có khả năng tích luỹ kiến thức, học các ngôn ngữ mới. Vì thế, cha mẹ cần chú ý giáo dục trẻ sớm, đây sẽ là chìa khoá "vàng" giúp trẻ trở nên thông minh, lanh lợi.
2. Kích thích sự tò mò và mong muốn khám phá cho trẻ
Có lẽ sự tò mò, ham muốn khám phá của trẻ mang đến không ít rắc rối cho cha mẹ. Nhưng chính việc thoả mãn nhu cầu bản năng này đã tác động mạnh đến sự phát triển trí não.
Trong giai đoạn quan trọng này, thay vì ngăn cản trẻ khám phá thế giới, cha mẹ nên tạo nhiều cơ hội để con được tiếp xúc với vạn vật xung quanh. Cha mẹ đừng quên giới thiệu, chia sẻ những kiến thức hữu ích bằng các phương thức đơn giản như: Đi tham quan, chơi ghép tranh, chơi lego…
3. Rèn luyện thói quen đọc sách vào buổi tối cho trẻ
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, mức độ ghi nhớ trong não bộ của trẻ vào buổi tối cao hơn so với ban ngày. Điều này chủ yếu là do trước khi chìm vào giấc ngủ, não bộ sẽ tự động phân loại và xử lý thông tin. Vì thế, cha mẹ nên tận dụng khoảng thời gian buổi tối để cùng trẻ đọc sách, giúp mở rộng tầm hiểu biết và nâng cao khả năng tư duy.
Tập trung vào việc khai sáng trí tuệ hoàn toàn có thể giúp trẻ phát triển trí tuệ. Tất nhiên nếu chỉ dựa vào sự hỗ trợ của các cơ sở giáo dục là chưa đủ. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, nếu cha mẹ tham gia vào việc hướng dẫn, khai sáng cho trẻ từ sớm sẽ giúp trí não của trẻ phát triển vượt bậc.