4 "bí mật" có thể giáo viên tiểu học chưa tiết lộ với phụ huynh: Làm được thì về sau không lo con thua kém

(lamchame.vn) - Cô giáo đúc kết kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm thành những gợi ý thiết thực.

Cho trẻ vận động nhiều hơn

Tập thể dục là cách khởi đầu ngày mới tràn đầy năng lượng, khỏe mạnh và hào hứng hơn khi làm việc, học tập. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vận động thể lực đầy đủ sẽ giảm 30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm 20-40% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư đại trực tràng; giảm nguy cơ bị trầm cảm, phòng ngừa bệnh loãng xương và kiểm soát cân nặng.

Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên luyện cho trẻ thói quen thực hiện các bài tập đơn giản, vận động xen kẽ học tập để tăng cường thể chất, sức đề kháng, sự dẻo dai và phòng ngừa cảm cúm, sốt, sổ mũi... Những động tác phù hợp cũng góp phần kích thích sự phát triển tế bào, chiều dài xương và cải thiện vóc dáng trẻ.

Ngoài ra, tập thể dục còn hỗ trợ trẻ tăng cường trí nhớ, máu lưu thông lên não tốt hơn và các cơ quan sẽ chậm lão hóa, đặc biệt là giác quan. Từ đó trẻ tiếp nhận các thông tin nhanh và nhớ lâu hơn.

Cha mẹ có thể chọn cho bé những bài tập đơn giản, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Mỗi buổi sáng sau thức dậy, các bé có thể khởi động nhẹ trong 10-15 phút, luyện giãn cơ như xoay cổ tay, cổ chân, vươn vai, đánh tay lên xuống, cúi gập người...

Ngoài ra, phụ huynh nên động viên trẻ tập các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá, võ thuật, aerobics... vì những hoạt động thể chất này tốt cho sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

Chú ý đến phương pháp và thói quen học tập

Nhiều bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến điểm số nhưng thực tế, ở trường tiểu học, phương pháp và thói quen học tập của trẻ quan trọng hơn nhiều. Bạn phải biết rằng phương pháp học tập tốt có thể giúp trẻ đạt được kết quả gấp đôi với một nửa công sức. Ví dụ, chúng ta nên dạy trẻ cách xem trước, cách ghi chép, cách ôn tập, v.v.

● Xem trước giúp trẻ hiểu sơ bộ về nội dung sẽ học khi đến lớp, từ đó trẻ có thể hiểu rõ hơn những gì giáo viên giảng. Vì vậy, việc cho trẻ đọc nhanh nội dung ngày hôm sau vào mỗi tối sẽ rất hữu ích cho việc học tập ngày hôm sau.

● Việc ghi chép có thể giúp trẻ ghi lại những kiến thức quan trọng để dễ dàng ôn tập sau giờ học. Ví dụ, bạn có thể dạy con sử dụng "phương pháp ghi chép của Cornell" để ghi lại nội dung.

● Ôn tập giúp trẻ củng cố kiến thức đã học. Mỗi ngày trước khi đi ngủ nửa tiếng, hãy ôn nhẩm lại nội dung trong đầu và sử dụng tiềm thức của não bộ để giúp con sắp xếp các điểm kiến thức trong ngày. 

Nên hướng dẫn trẻ hình thành thói quen hoàn thành bài tập đúng thời hạn, thói quen lắng nghe cẩn thận… Một khi những thói quen này được hình thành, chúng sẽ đồng hành cùng trẻ trong suốt cuộc đời, giúp trẻ có tính tự giác và học tập hiệu quả.

Chú ý đến việc đọc

Đọc sách có thể làm phong phú vốn từ vựng của trẻ. Trong quá trình đọc, trẻ sẽ được tiếp xúc với vốn từ vựng đa dạng, tạo nền tảng vững chắc cho việc diễn đạt ngôn ngữ của trẻ. Đọc sách cũng cải thiện kỹ năng hiểu của trẻ. 

Việc đọc đòi hỏi sự tích lũy lâu dài. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên rèn luyện thói quen cho con ngay từ khi còn nhỏ và cho con có một khoảng thời gian đọc sách nhất định mỗi ngày. Bạn có thể chọn cho con những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi như sách tranh, sách truyện, sách khoa học phổ thông, v.v. Hãy để trẻ cảm nhận được sự hấp dẫn của kiến thức và tận hưởng niềm vui khi đọc sách.

Đừng cố chạy đua vào đủ lớp năng khiếu

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều gia đình có điều kiện cho con mình sớm được tiếp xúc với các môn năng khiếu. Tuy nhiên, việc cho con học thử hết tất cả môn năng khiếu là điều không nên bởi “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

Từ mục đích cho con được tiếp xúc nhiều kiến thức mới thì phụ huynh sẽ vô tình bỏ lỡ năng khiếu thực sự, làm thui chột đi khả năng vốn có ở trẻ. Hơn thế, việc làm này còn tác động tiêu cực đến tâm lý cho trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán, áp lực hoặc ám ảnh mỗi lần phải đi học.

Phụ huynh có thể chọn 1 hoặc 2 lớp sở thích mà con thực sự yêu thích và có năng khiếu. Cái thiếu hụt lớn nhất của các bậc phụ huynh là không phát hiện được tiềm năng của trẻ. Khi biết được tiềm năng thì từ đó mới có thể bồi dưỡng, biến tiềm năng thành đam mê cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới cảm thấy hứng thú và yêu thích học hỏi môn học sở trường của mình.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU