Năm học 2021 - 2022 sắp tới, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay thế cho chương trình giáo dục cũ đang hiện hành. Các học sinh lớp 6 sẽ lần đầu được tiếp xúc với chương trình mới, sách giáo khoa mới thay cho bộ sách giáo khoa lớp 6 được xuất bản lần đầu năm 2002.
Trước đây, học sinh lớp 6 sẽ học 13 môn, trong đó các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được dạy riêng biệt. Tuy nhiên, từ năm học tới, chương trình 5 môn học trên sẽ được tích hợp thành 2 môn chính là Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ môn Lịch sử, Địa lý cũ) và Khoa học tự nhiên (tích hợp từ môn Địa lý, Vật lý, Hóa học cũ).
Bộ GD-ĐT đã ra văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục một số môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình mới. Trong đó có việc hướng dẫn dạy học 2 môn học trên.
Môn lịch sử và địa lý, Bộ GD-ĐT hướng dẫn: Chương trình môn lịch sử và địa lý bao gồm phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử.
Về việc dạy học môn học tích hợp này, theo Bộ GD-ĐT, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng bao gồm nội dung phân môn lịch sử và phân môn địa lí theo tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Môn Khoa học tự nhiên, Bộ GD-ĐT hướng dẫn: chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.
Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kỳ với môn khoa học tự nhiên, theo Bộ GD-ĐT: được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/5-mon-hoc-sap-bien-mat-161212706093712586.htm
Theo ttvn.vn