8 "chữ vàng" giúp cha mẹ không nổi giận khi dạy bảo con cái

(lamchame.vn) - Đây là một bài chia sẻ nổi tiếng của chị Aki Nguyễn - tác giả cuốn 'Kỷ luật mềm trong gia đình'. 8 bí quyết này sẽ giúp cha mẹ không nổi giận với con cái mỗi khi chúng mè nheo, không nghe lời.

6. ĐẶT CÂU HỎI - Đặt câu hỏi để dẫn dụ ra câu trả lời từ trẻ

Bạn thử tưởng tượng khi bạn mắc lỗi cấp trên sẽ hỏi bạn “Vì sao lại để xảy ra lỗi như thế ”, “vì sao lời tôi nói mà cô/cậu không nghe..”. Nếu bạn chỉ xin lỗi và hứa sửa thì cũng không ổn, còn nếu bạn đưa ra lý do “vì…” thì lại bị cho là biện minh, và rồi bạn lại đưa ra lời phản kháng lại. 

Thông thường nếu như bạn bị người khác hỏi bằng những câu hỏi kiểu công kích thì lập tức trong đầu bạn sẽ nổi lên ý muốn phản kháng, hoặc là tìm cách né tránh.

Đối với những lỗi lầm của trẻ hay là khi cha mẹ muốn trẻ tự tìm ra nguyên nhân thì thay vì những câu hỏi kiểu công kích “vì sao lại thế” hãy hỏi trẻ bằng câu mà không bao hàm ý chỉ trích, phê phán “Vậy, nếu làm thế nào thì sẽ không….nhỉ”. Nó cũng chính là câu hỏi hiệu quả nhất để dẫn dụ ra câu trả lời từ trẻ mà trẻ không hề hay biết. 

Cũng đừng định sẵn những câu trả lời đôi khi mang kiểu châm biếm cho trẻ khi hỏi trẻ "có phải là tại... không", hay là "vì lười học chứ còn sao nữa".

7. IM LẶNG - Thi thoảng hãy im lặng và chờ đợi sự thay đổi từ trẻ

Khi hỏi trẻ và muốn có câu trả lời từ trẻ thường sẽ phải tốn thời gian nên cha mẹ cần phải hỏi thật nhẹ nhàng. Lý thuyết thì là thế nhưng thực tế không ít cha mẹ giữ được bình tĩnh, nhất là khi hỏi mà trẻ cứ im lặng và không nói. Những lúc ấy tâm trạng của người làm cha mẹ thường sẽ là bực mình, khó chịu và dễ dẫn đến nổi nóng. Nhìn khuôn mặt cau có, nổi giận của cha mẹ thì trẻ lại càng sợ hãi và không chịu mở miệng trả lời. Vậy thì nếu trẻ không nói và trước khi cơn nổi giận kéo đến cha mẹ hãy đếm từ 1 đến 3 rồi kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi ở trẻ. Thi thoảng nếu trẻ nhất quyết không trả lời thì hãy bỏ qua và chờ đến một thời điểm khác cùng nói chuyện lại với trẻ. 

8. TIN TƯỞNG - câu trả lời tự khắc sẽ xuất hiện ở chính bản thân trẻ

“Câu trả lời sẽ có ở bản thân trẻ” là điều mà cha mẹ nên tin tưởng khi thực hiện theo các bước lắng nghe, im lặng chờ đợi câu trả lời từ trẻ. Ở phần đặt câu hỏi để dẫn dụ câu trả lời ở trẻ chính là một cách cha mẹ giúp trẻ tự mình suy nghĩ, tự mình đưa ra câu trả lời. Có thể không phải lúc nào câu trả lời của trẻ cũng đúng, nhưng nó là đáp án mà bản thân trẻ suy nghĩ, nên giá trị của nó khác hoàn toàn với đáp án được đưa ra bởi cha mẹ. 

Khi này dù trẻ có đưa ra đáp án nào đi nữa thì cha mẹ cũng đừng dùng những từ phủ định như “không đúng” hay lắc đầu hay thờ ơ không chịu lắng nghe, thay vào đó hãy mỉm cười và xoa đầu khen trẻ “ồ, con của mẹ suy nghĩ như vậy à, thú vị đấy”, hay là “rất là chịu khó suy nghĩ…”. Sau bước tiếp nhận câu trả lời của trẻ này rồi, thì bước tiếp theo đó là hãy cùng trẻ tìm ra câu trả lời tốt nhất cho tình huống đó “nhưng mà nếu là như này thì sẽ tốt hơn”, hoặc “nếu làm như vậy thì sẽ… nên có cách nào khác không nhỉ…”. Điều quan trọng là hãy trao quyền quyết định cuối cùng cho trẻ để trẻ cảm thấy thuyết phục và tự mình đưa ra quyết định. Đó là ý nghĩa rất lớn vì nó là cách giúp trẻ tự tin và tự lập. 

"Phương pháp vẫn chỉ là lý thuyết được đúc kết còn thực tế trẻ có muôn vạn kiểu mè nheo, phản kháng nhưng nếu ba mẹ kiên nhẫn và quan sát, hiểu tâm lý con thì giải quyết được vấn đề nhẹ nhàng hơn mà không cần đến quát mắng hay roi vọt, và để việc nuôi con thực sự trở thành niềm vui mỗi ngày" - chị Aki Nguyễn chia sẻ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU