Dưới đây là những công thức nấu các món chè ngon hấp dẫn mà còn có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể.
1. Chè bí và đậu đỏ
|
Nguyên liệu:
Bí đỏ: 200g
Bột nếp: 100g
Đậu đỏ: 200g
Đường cát: 300g
Muối: 1/2 muỗng nhỏ
Thực hiện:
Bí đỏ gọt vỏ rửa sạch, hấp chín, tán nhuyễn.
Trộn bí đỏ tán nhuyễn với bột nếp và nhào tới khi có hỗn hợp dẻo min, vo thành từng viên nhỏ.
Luộc các viên bí tới khi các viên bí đỏ nổi lên, vớt ra thả vào nước lạnh.
Đâu đỏ ngâm nước, nấu chín mềm, cho thêm đường cát và một chút muối.
Dùng nóng mới ngon.
Yêu cầu món ăn:
Viên bí dẻo, không bị nát.
Đậu đỏ chín mềm nhưng còn nguyên hạt.
Vị ngọt vừa phải
2. Chè bưởi
|
Nguyên liệu:
Cùi bưởi (phần cùi trắng)
Đường: 500g
Bột năng: 100g
Đậu xanh: 250g
Nước cốt dừa: 1 hộp
Tinh dầu bưởi: 1 thìa con
Lá dứa
Cách làm:
Cùi bưởi cắt hạt lựu rồi ngâm qua nước muối đậm đặc, bóp và xả kỹ bằng nước lạnh cho hết vị đắng và mặn. Bạn cũng có thể nấu nước sôi với phèn chua rồi cho cùi bưởi vào luộc, để nguội vắt khô cũng được. Cùi bưởi sau khi vắt khô mang trộn với đường, rồi sên trên chảo đến khi dẻo.
Đậu xanh mang hấp chín trong chõ.
Đun nước và cho lá dứa vào nồi nước. Sau đó vớt lá dứa ra, cho đường vào đến độ ngọt vừa ăn.
Pha bột năng với ít nước rồi rót từ từ vào nồi đến khi sánh sệt, thì cho cùi bưởi, đậu xanh đã hấp chín vào nồi, ninh nhỏ lửa 15 phút là được chè.
Chè để nguội. Khi ăn, múc chè ra cốc, rót nước cốt dừa lên trên rồi cho thêm đá xay. Nếu thích có thể thêm lạc rang giã dối để có vị thơm của lạc.
Cốc chè bưởi đạt chuẩn phải keo dính, miếng cùi bưởi dai giòn sần sật, chè thơm vị bưởi và bùi của đậu xanh.
3. Chè ngô
|
Nguyên liệu:
Ngô tươi: 2 bắp
Nước cốt dừa
Bột ngô hoặc bột sắn dây: 2 thìa cafe
Lá nếp: 2 lá
Đường, muối.
Cách làm:
Ngô rửa sạch, để ráo nước, dùng dao vát theo chiều dài bắp ngô. Sau đó cho ngô đã thái vào nồi nước, cho lá nếp, thêm 2 thìa đường và đun đến khi chín. Nếu thích bạn có thể đun kèm cả lá ngô đã rửa sạch để nước ngô có vị thơm hơn.
Khi ngô đã chín, bạn vớt lá nếp ra. Hòa bột ngô với ít nước rồi vừa rót vào nồi chè, vừa khuấy đều tay để chè không bị vón cục, lúc nào thấy hỗn hợp sánh mịn thì là được.
Cho thêm đường vào đến độ ngọt vừa ăn rồi tiếp tục đun thêm 5 – 7 phút để nồi chè ngấm đường. Đừng quên cho vài hạt muối vào để có vị đậm. Tắt bếp rồi để nguội
Múc chè ra từng bát nhỏ, rót nước cốt dừa lên trên, xếp dừa nạo trên cùng rồi cho đá bào vào ăn cho mát. Nếu thích ăn nóng thì để ăn luôn không cần đá cũng rất ngon.
Một bát chè ngô đạt chuẩn khi thơm vị ngô, nước sánh mịn, có màu vàng nhạt
4. Chè hạt sen long nhãn
|
Nguyêu liệu:
Hạt sen đã bỏ tâm
Nhãn
Đường phèn
Cách làm:
Nhãn rửa sạch, để ráo rồi bóc vỏ.
Tách hạt và cùi nhãn nhẹ nhàng để nhãn giữ được nguyên quả.
Hạt sen rửa sạch, đun sôi nhỏ lửa cho têm đường phèn cho tới khi chín mềm. Cho thêm nước vào nồi vừa nấu sen, thêm đường phèn vừa khẩu vị.
Lồng hạt sen vừa nấu vào cùi nhãn đã bóc, rồi để vào ngăn mát tủ lạnh. Nên mua hạt sen dư ra so với nhãn, để có thể thừa sen trần ăn thêm cho khác vị.
5. Chè cốm ngô
|
Nguyên liệu:
200gr cốm tươi
100ml nước cốt dừa
100gr cơm dừa bào sợi
Bột năng
1 bó lá dứa
2 quả ngô (bắp) nếp
Cách thực hiện:
Ngô rửa sạch. Lót vỏ ngô (bắp) dưới đáy nồi để khi luộc ngô (bắp) không bị dính vào, giữ lại phần nước luộc.
Khi ngô (bắp) chín, dùng dao bào sắc xắt xuôi theo chiều dài trái ngô (bắp) thành từng lớp mỏng đến khi sát vào cùi.
Đun phần nước luộc ngô (bắp) bên trên với một phần lá dứa đã được rửa sạch cho đến khi sôi ước chừng 5 phút cho dậy mùi thơm. Cho ngô (bắp) đã bào và lượng đường vừa khẩu vị vào nồi rồi tiếp tục đun.
Khi ngô (bắp) mềm thì cho cốm tươi vào, tiếp tục đun sôi trở lại.
Phần lá dứa còn lại giã nhuyễn, lọc với ít nước để làm màu thực phẩm, khi cốm đã ra nhựa, hòa tan bột năng vào nước lá dứa rồi từ từ cho vào nồi, vừa khuấy đều cho đến khi chè đạt độ sánh mong muốn thì tắt bếp.
6. Chè Hoa Cau
|
Nguyên liệu:
Đậu xanh: 300g
Bột bắp: 200g
Đường phèn: 300g (tuỳ bạn thích ngọt nhiều hay ít mà gia giảm nhé)
Lá dứa: 10 cọng
Bột vani: 2 ống
Nước cốt dừa: 700g
Thực hiện:
Đậu xanh bạn nên chọn loại chưa cà vỏ và tách hạt nhé. Theo mình loại này là ngon nhất, những loại đậu đã cà vỏ thì mình thấy bị chai, ngâm đậu không nở đều và không thơm bằng. Bạn mua đậu về thì ngâm với nước để qua đêm, bỏ vào trong đậu ít muối cho hột đậu thêm bùi.
Sáng hôm sau bạn mang đậu ra đãi cho hết vỏ. Tuy hơi cực nhưng hột đậu nở đều và ngon cũng xứng đáng mà đúng không?
Sau đó bạn đem đậu đi hấp cách thuỷ, chú ý bạn canh đậu chín tới, nở bung thôi chứ không nên để mềm quá lúc nấu chè sẽ bị nát không đẹp mắt.
Cho 2 lít nước lọc vào nồi, cho thêm đường phèn vào. Bật bếp nấu cho nước đường tan hết. Khi nước đường đã tan hết bạn cho 150g bột bắp hoà tan cùng nửa chén nước lọc cho từ từ vào nồi nước đường. Bạn canh sao cho nước có độ sền sệt, khuấy thấy hơi nặng tay là được. Tắt lửa cho 2 ống vani vào để tạo mùi thơm. Khuấy đều cho bột vani tan đều trong nước đường.
Lấy dừa vắt thành 500ml nước cốt. Cho nước cốt vào nồi bật lửa lên, khuấy đều. Lá dứa rửa sạch bó lại thành bó và cho chung vào nồi nước cốt. Đun sôi nước cốt dừa trong 5 phút, sau đó cho 50g bột năng hoà với nước lọc từ từ vào để tạo độ sánh cho nước cốt dừa, nêm vào nước cốt ít muối cho nước cốt đậm đà hơn. Tắt lửa.
Đậu sau khi hấp chín thì đợi cho đậu nguội thì cho đậu vào nồi nước đường, khuấy nhẹ tay để hạt đậu không bị nát. Khi thấy đầu hoà đều trong nồi là được.
Cho chè ra chén, cho nước cốt dừa lên trên và thưởng thức nào.
7. Chè nha đam hạt sen
|
Nguyên liệu:
Hạt sen: 100g
Nha đam: 300g (hay có nơi gọi là lô hội)
Đường phèn: 100g
Muối
Thực hiện:
Hạt sen mua về rửa sạch, lấy hết tim sen, hoặc nếu bạn thích cái vị đắng nhẹ của nó thì để cũng chẳng sao.
Nha đam gọt bỏ hết vỏ xanh, thái hạt lựu.
Sau khi thái hạt lựu, bạn đem nha đam đi rửa sạch với ít muối, cũng không nhất thiết phải rửa sạch hết nhớt đâu nhé. Vớt ra để ráo.
Hạt sen đem nấu với 700ml nước lọc cho chín mềm, khi hạt sen chín mềm thì cho nha đam vào nấu chung. Bạn nấu với lửa nhỏ, vớt bọt nếu có để nước được trong nhé.
Cho đường vào nấu chung, đợi đến khi đường phèn tan hết thì tắt lửa.
Cho chè ra chén là có thể thưởng thức rồi.
Chè dừa non thạch lá nếp
Món chè dừa non thạch nếp cẩm đang vô cùng hấp dẫn nhờ vị thơm ngon không cưỡng lại được.
|
Nguyên liệu:
- 200g lá nếp tươi.
- 4 lá bột rau câu dẻo.
- Bột năng.
- 100g bột báng khô (bạn sẽ ngâm trước khi nấu khoảng 30 phút).
- Dừa cùi.
- 250g dừa non thái sợi hoặc cắt khúc.
- 500ml nước cốt dừa.
- 150ml sữa tươi.
- 30g sữa bột nguyên kem.
- Đường trắng.
Cách làm:
- Đầu tiên bạn làm thạch lá nếp. Bạn rửa sạch lá nếp, rồi cắt thành từng khúc. Sau đó bạn xay nhuyễn lá nếp và lọc lấy 400ml nước lá nếp. Bạn cho bột rau câu và đường vào nước lá nếp, trộn đều.
- Bạn mang hỗn hợp này lên đun sôi. Khuấy đều đến khi hỗn hợp sôi 3 phút thì tắt bếp, và đổ ra khay. Đợi nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh đến khi hỗn hợp đông thành thạch thì bỏ ra cắt thành từng miếng hoặc sợi vừa ăn.
- Tiếp đến, bạn làm chân chân châu dừa trắng. Đầu tiên bạn rửa sạch dừa, rồi cắt dừa thành từng miếng vuông nhỏ bằng hạt đỗ xanh. Cho bột năng vào bát to, từ từ đổ nước sôi vào để nhào bột. Nhào đến khi bột dẻo và quạnh lại.
- Chia bột thành những phần nhỏ, lấy bột nặn thành những viên tròn nhỏ bằng viên bi. Rồi đập dẹt ra, cho nhân dừa vào giữa rồi viên tròn lại.
- Sau khi đã nặn xong hết trân châu, bạn cho vào luộc trân châu. Đun sôi nồi nước và thả trân châu vào. Nấu đến khi thấy trân châu nổi lên thì tiếp tục đun thêm 3 phút nữa thì vớt trân châu ra. Cho ngay trân châu vào bát nước lạnh để chúng không bị dính vào nhau.
- Cuối cùng, nấu chè dừa non thạch lá nếp. Bạn sẽ cho tất cả các nguyên liệu: Nước cốt dừa, đường, lá nếp tươi, sữa tươi… vào nồi. Sau đó cho dừa non và bột báng vào để nấu cùng.
- Tiếp đến bạn cần đun sôi phần nước chè bằng lửa nhỏ và khuấy đều. Khi thấy nước chè sôi lăn tăn, và bột báng bắt đầu nổi lên cho trân châu vào. Đun thêm khoảng 5 đến 10 phút nữa thì sẽ tắt bếp.
- Vậy là bạn đã hoàn thành cách nấu chè dừa non thạch lá nếp rồi. Cuối cùng bạn múc chè ra bát và thêm thạch lá nếp vào là có thể thưởng thức.