Cùng một ngôi trường, cùng một xuất phát điểm, nhưng 10 năm sau, trạng thái cuộc sống của mỗi người đều có sự khác biệt. Có người sau khi tốt nghiệp thì về quê, làm công việc được người nhà chuẩn bị sẵn, mọi thứ ổn định và nhàm chán; có những người chọn ở lại thành phố lớn lập nghiệp; có người chỉ là nhân viên nhỏ với mức lương bèo bọt; có người chuyển hướng kinh doanh và trở thành sếp lớn.
Điều gì tạo ra sự khác biệt này?
01
Những gì diễn ra sau 8 giờ đi làm mới là điều quyết định cuộc đời
Đại học Harvard có một lý thuyết nổi tiếng rằng: Sự khác biệt giữa mọi người nằm ở thời gian rảnh rỗi của họ, và số phận của một người phụ thuộc vào khoảng thời gian 8-10 giờ tối. Thời gian là công bằng đối với tất cả mọi người, sử dụng thời gian như thế nào là tùy theo yêu cầu của từng cá nhân.
"Thuyết 3 giai đoạn" nổi tiếng lại chia 24 giờ của một người trưởng thành thành 3 mốc 8 giờ: 8 giờ làm việc, 8 giờ rảnh rỗi và 8 giờ nghỉ ngơi. Thời gian làm việc và nghỉ ngơi về cơ bản là giống nhau đối với tất cả và thứ thực sự tạo ra khoảng cách là thời gian rảnh rỗi.
Trương Triều Dương - người từng được Tạp chí Time của Mỹ mệnh danh là "anh hùng kỹ thuật số", cho biết: "Tôi là một người bình thường, tôi chưa nhận thấy sự khác biệt lớn nào giữa mình và những người khác. Nếu có sự khác biệt, vậy chỉ có việc trừ 7 tiếng để ngủ, tôi đều dành trọn thời gian còn lại mỗi ngày để làm việc và suy nghĩ".
Nhà văn Lỗ Tấn thì có câu: "Làm gì có thiên tài ở đời, bản thân tôi dành hết thời gian người khác uống cafe để sáng tác đấy chứ".
Marie Curie đã phát hiện ra nguyên tố phóng xạ radium trong thời gian rảnh rỗi với tư cách là một giảng viên, đặt nền móng cho ngành hóa học phóng xạ hiện đại.
8 tiếng tại nơi làm việc, ai nấy đều bận rộn và cố gắng như nhau. Nhưng sau khi tan tầm, một số nằm dài giải trí hoặc thức thâu đêm chơi bời bạn bè, một số khác lại tiếp tục làm việc, học tập. Bạn cố gắng 8 tiếng đã tạm ngưng, trong khi người khác cố gắng 12 tiếng và vẫn tiếp tục cố gắng. Sự khác biệt nảy sinh từ đây.
Nhìn chung, thời gian sau khi tan tầm sẽ quyết định tầm cao của cuộc đời bạn.
02
Vậy sau khi tan tầm, bạn có thể làm gì?
1. Tiếp tục làm tốt công việc của bạn
Làm tốt công việc của bản thân là điều kiện tiên quyết, dù muốn phát triển sự nghiệp thứ hai trong thời gian rảnh rỗi thì bạn vẫn phải nỗ lực cho công việc đầu tiên. Tận tụy là biểu hiện của đạo đức nghề nghiệp, công việc là nguồn thu nhập chính của bạn, không nên đối xử với công việc một cách cẩu thả chỉ bởi vì bạn đã qua 8 giờ làm việc chính thức.
Khi công việc của một ngày không thể hoàn thành trong vòng 8 giờ do sơ suất cá nhân và không hiệu quả, bạn cần phải làm thêm giờ để hoàn thành công việc. Với công việc thứ 2 cũng vậy, bạn phải không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. Quá trình tổng kết, rút kinh nghiệm, cố gắng hoàn thành công việc sẽ giúp bạn nâng cao năng lực, hiệu suất làm việc và điều này có ích cho mọi công việc sau này bạn sẽ làm.
2. Đọc sách
Đọc sách là khoản đầu tư với chi phí thấp nhất, nhưng nó có thể làm cho cuộc sống của bạn trở nên chất lượng hơn. Chính những trải nghiệm tưởng chừng như vô ích đó sẽ tạo nên sự khác biệt giữa chúng ta và những người khác.
Bạn luôn nói rằng bạn đang bận công việc và bạn không có thời gian để đọc, bạn phàn nàn rằng đọc lý thuyết suông không mang lại ích lợi gì. Đọc sách có thể không trực tiếp mang lại lợi ích cho bạn, nhưng nó sẽ thấm sâu và nuôi dưỡng bạn một cách tinh tế, giúp bạn có một tâm lý tốt hơn và tư duy khác biệt hơn.
Nếu bạn không có thời gian để đi hàng nghìn dặm, thì hãy buộc bản thân đọc hàng nghìn cuốn sách. Đọc sách luôn là cách tốt nhất để chúng ta tiếp cận thế giới. Sử dụng khoảng thời gian sau khi tan tầm để đọc và cải thiện bản thân, theo thời gian, bạn sẽ vươn tới một tương lai ngoài tầm với của người khác.
3. Tập thể dục
Kết quả nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau đã chỉ ra rằng mục đích của việc tập thể dục nói chung có thể là do 5 khía cạnh: tăng cường thể chất, cải thiện hình ảnh bên ngoài, tăng trải nghiệm xã hội, tìm kiếm niềm vui và nâng cao sức khỏe tinh thần.
Tham gia các hoạt động thể dục có thể mở rộng vòng kết nối xã hội của bạn. Sau khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao, bạn có thể gặp gỡ nhiều người hơn, kết bạn với nhiều người, chia sẻ niềm vui với họ và giãi bày những lo lắng của mình. Tham gia các hoạt động thể dục cũng có thể giúp bạn trút bỏ áp lực công việc và suy nhược tinh thần. Hãy chọn cho mình một môn thể thao yêu thích, chạy bộ hoặc đến gym, miễn là bạn vận động, mọi thứ đều có thể.
4. Học ngoại ngữ/ các kỹ năng khác
Với sự phát triển của toàn cầu hóa, nhu cầu về nhân sự biết ngoại ngữ trong nhiều ngành nghề càng trở nên cấp thiết. Trình độ ngoại ngữ cao hơn sẽ giúp gây ấn tượng với công ty nhiều hơn, từ đó giúp bạn có thêm cơ hội thăng tiến.
Ngoài việc học ngoại ngữ, bạn còn có thể học những gì mình thích, đừng quan tâm việc nó có thu lại gì được không, cứ học trước đã. Ví dụ, nếu bạn thích viết, bạn có thể tập viết nhật ký trước khi viết những gì chuyên nghiệp, sâu sắc hơn. Sau một thời gian dài luyện tập, bạn có thể làm công tác viên cho các tờ báo.
Nói chung, đừng tham lam làm nhiều việc ngay từ đầu, hãy bắt đầu từ việc dễ nhất trước, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời tốt nhất.
03
Cách sử dụng 8 tiếng rảnh rỗi sẽ thay đổi cuộc sống của bạn
8 tiếng sau khi tan tầm, bạn có thể làm tất cả những việc như đã liệt kê ở trên, nhưng bạn cũng cần chú ý đến 2 điểm sau:
1. Hạn chế sử dụng các sản phẩm điện tử (trừ khi chúng phục vụ cho công việc, học tập)
Sự phát triển của công nghệ giúp cuộc sống của chúng ta tiện lợi hơn nhưng đồng thời, chúng cũng ăn mòn cuộc sống của chúng ta. Thời gian rảnh của chúng ta về cơ bản đều dành cho MXH, game, các hoạt động giải trí khác... Bạn có thể nghĩ rằng chỉ chơi điện thoại 1-2 tiếng có đáng là bao nhưng nếu cộng dồn, bạn sẽ thấy mình đã lãng phí một lượng thời gian vô cùng lớn.
Thời gian là một thứ tài sản, để nó trôi qua vô nghĩa hay tận dụng nó một cách hiệu quả, quyền chủ động nằm trong tay chúng ta.
2. Bỏ thói quen trì hoãn và bao biện
Nếu bạn dự định học một kỹ năng, tốt nhất là nên bắt đầu ngay sau khi lập kế hoạch. Một số người rõ ràng đã có ý định làm gì đó nhưng thời gian chuẩn bị của họ quá dài và họ bắt đầu trì hoãn. Ngay khi chưa bắt đầu, họ đã lo sợ trước những trở ngại có thể gặp phải.
Việc trì hoãn lâu ngày sẽ khiến chúng ta không những ngày càng kém tự tin vào bản thân mà còn là nguyên nhân trực tiếp khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội. Và cách tốt nhất là tận dụng tốt các điều kiện hiện có để bắt đầu hành động và rồi vừa hành động, vừa tìm kiếm hoặc chờ đợi các điều kiện chín muồi hơn.
Những người kêu ca về việc "chưa sẵn sàng"/ "chưa phải lúc" làm việc gì đó thực chất đều là những người cứng đầu và buồn tẻ, hoặc chỉ đang cố viện cớ cho sự lười biếng của họ mà thôi.
Ảnh minh họa: Jeff Östberg
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/8-tieng-sau-khi-tan-tam-moi-thuc-su-quyet-dinh-cuoc-doi-nguoi-binh-thuong-lo-giai-tri-choi-boi-nguoi-thanh-cong-tiep-tuc-lam-viec-hoc-tap-162212411175046615.htm
Theo ttvn.vn