Tấm vải bẩn và ô cửa sổ bằng kính
Có một câu chuyện từng được kể đại ý như thế này:
Một đôi vợ chồng trẻ dọn đến ở nhà mới. Hôm sau cô vợ nhìn sang nhà hàng xóm rồi bảo: "Tấm vải bẩn quá. Bà ấy không biết giặt đồ kĩ càng hay sao?".
Ngày hôm sau, cô vợ lại nhìn sang nhà hàng xóm và vẫn chê trách chuyện bà hàng xóm giặt đồ bẩn cùng những lời bình luận khiếm nhã: "Phụ nữ giặt đồ không nên hồn thì làm sao làm được việc khác tử tế". Ông chồng vẫn im lặng.
Rồi 1 ngày như thói quen, cô vợ lại nhìn sang hàng xóm và định mở miệng về điệp khúc "giặt đồ bẩn" thì bất ngờ thấy tấm vải hôm nay trắng trẻo, không còn vết bẩn nữa.
Cô vợ vội nói với chồng: "Hóa ra bà ta cũng biết giặt tấm vải sạch, không biết ai đã dạy cho bà ấy anh nhỉ?".
Lúc này anh chồng mới thủng thẳng nói: "Anh đã lau kính cửa sổ nhà mình rồi đấy".
Cô vợ tím mặt ngượng ngùng.
Câu chuyện có dụng ý nói chung về con người, về những người đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính chủ quan với đầy thành kiến và sự hằn học. Họ trở nên dễ bực dọc, hay phán xét và thấy xung quanh ai cũng là người có lỗi... trừ mình.
Thế nhưng, người ta lại thấy sự tương đồng của câu chuyện các bà vợ. Hội bà tám nói xấu chồng càng ngày càng đông, trình nói đến mức buôn cả ngày kể tội các ông cũng không hết.
Những bà vợ lắm điều, cau có, nhìn đâu cũng thấy... rác
Anh Hoàng An, 40 tuổi, ở Vĩnh Phúc, đã từng nghe vợ nói xấu mình liên hồi từ gián tiếp đến trực tiếp tâm sự: "Có hôm tôi đi từ ngoài về và nghe lỏm được vợ tôi đang buôn như ngô rang với cô bạn qua điện thoại: 'Chồng mày thế còn đỡ, chứ lão nhà tao không thể ngửi nổi, người gì vừa lười vừa bẩn. Nhiều lúc tao cũng không hiểu sao ngày xưa lại yêu được lão ấy không biết'. Tôi nghe mà ngượng chín mặt, chắc sau này không dám gặp bạn vợ nữa. Không biết có lúc nào cô ấy tự hỏi giờ đây cô ấy có còn hay ho như thời mới yêu nữa hay không? Lúc nào cô ấy cũng có thể chê bai tôi không thương tiếc khiến nhiều lúc tôi thấy mình cố gắng thế nào cũng vô ích".
Một điều dễ thấy là khi vui vẻ, tâm trạng thoải mái, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ tha thứ và biết nhẫn nại. Nhưng nếu giữ tâm thế bới móc và hằn học thì đâu đâu cũng là rác.
Nhưng nhiều bà vợ vẫn luôn miệng chê: chồng thì lười bẩn, không biết làm việc nhà, con cái thì hư không nghe lời, lười học. Hàng xóm thì xấu tính, lại còn hóng chuyện anh kia cặp với chị này như thể ảnh hưởng đến nồi cơm nhà mình đầy hay vơi vậy... Vì thế các chị em phụ nữ hay cau có, hay thấy khổ, hay thấy xung quanh rặt 1 đống người xấu rồi tự than kém may mắn, số phận bất hạnh.
Rõ ràng cùng 1 hiện tượng sự vật nhưng cái nhìn của ta khác đi, ví dụ: "Đàn ông suy nghĩ không giống mình nên thôi không giận nữa, có gì nói thẳng", "Con trẻ nghịch 1 chút mới là trẻ con", "Chuyện hàng xóm là chuyện của hàng xóm bởi họ là người quyết định cuộc đời của chính họ, mình không phải người trong cuộc không hiểu được". Nếu những ý nghĩ tích cực như thế này hẳn phụ nữ đã có một "cái đầu" thông thoáng bớt đi những lo toan, giận hờn, trách móc.
Và nữa, nếu người đàn ông bạn từng rất yêu bỗng nhiên trở nên xấu tính như vậy hãy thử nhìn lại chính mình chút đi. Không loại trừ có những gã đàn ông tệ thật mà trong quá trình yêu đương bạn không nhận ra và anh ta chỉ "phơi bày" chúng khi bước vào đời sống hôn nhân. Nhưng ý tôi muốn nói nhiều chị em khác, những người phụ nữ luôn hằn học với chồng mình, với thế giới và gom rác về nhà rồi hậm hực rằng môi trường xung quanh quá ô nhiễm.
Phụ nữ khi thấy "thế giới có vấn đề" thì có lẽ bạn đừng soi người ta nữa, hãy tự soi chính mình, như cách bà vợ kia là đi lau chiếc kính trước mặt vậy.
Phụ nữ muốn hạnh phúc hãy "dọn sạch" tâm trí của mình trước
Khi mới yêu dù biết đối phương có nhược điểm đấy nhưng tự bạn vẫn biện hộ: "Anh ấy tuy khô khan nhưng hành động tốt". Lúc lấy nhau rồi vẫn là con người ấy bạn nhiếc móc: "Đàn ông gì mà 1 câu tình cảm không biết nói chứ đừng nói tặng quà cho vợ. Chẳng bù cho chồng người ta thì... ".
Một triết gia người Đức từng nói: "Vẻ đẹp không phải ở đôi má hồng thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình", từ lúc nào bạn đã bỏ đi cặp kính hồng và thay bằng chiếc kính đen u tối.
Liệu có phải cuộc sống với cơm áo gạo tiền, với hóa đơn và những phấn đấu đạt đến đích này đích kia đã khiến cái nhìn của bạn chỉ còn màu sắc thực dụng và tiêu cực. Bạn chăm chăm để chỉ trích người khác, để nhận phần thắng về mình hơn là ngợi khen, khích lệ để cùng nhau nắm tay về đích.
Khi bạn cảm thấy thiếu thốn về tài chính bạn sẽ dễ ghen tị với ai có vẻ giàu có. Khi bạn sân si sẽ thấy người khác như đang nói đểu, nói xấu mình. Cũng như việc tìm lỗi của người khác, là bạn tự mang rác của người khác và cất vào trong nhà mình. Cũng như để tâm đến những lời nói tiêu cực của người khác tức là bạn đang nhận rác từ người khác ném cho mình.
Phụ nữ luôn ước giá được vô lo, vô tư như lũ trẻ, nhưng nhiều lúc lại vô tình biến mình thành người phụ nữ cộc cằn, nóng nẩy và hay trách móc than phiền rồi tự cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình.
Có 1 cô vợ không ngừng chê bai chồng, 1 ngày cô bạn bảo: "Anh ta tệ như vậy sao cậu không ly hôn đi?". Người phụ nữ này ngượng ngùng không biết nói gì nữa. Rõ ràng là phụ nữ có quyền chọn và cũng có quyền hủy. Chồng bạn xấu thật như vậy, đúng là sao không ly hôn đi mà mất công ngày này qua ngày khác để nói xấu làm gì.
Hãy nhớ bản thân chúng ta cũng là những thực thể không hoàn hảo, vì vậy nếu bới móc và chê trách người khác quá nhiều cũng là 1 cách tự mãn vì cho rằng mình hoàn thiện. Hãy bao dung hơn với lỗi lầm của người khác, của chồng, của con và bớt soi xét chuyện thiên hạ, các cô vợ nhé. Bí quyết hạnh phúc có lẽ không ở tài khoản bao nhiêu con số, nhà lầu, xe hơi, chồng chiều thế nào mà chỉ đơn giản thế thôi!
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.