Nhóm trò chơi với cát và nước, hay trò chơi xếp hộp khối là hai trong rất nhiều hoạt động vui chơi quen thuộc của trẻ. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng những trò chơi tưởng chừng rất cơ bản và đơn giản này chính là nền tảng cho nhiều môn học mang tính học thuật như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Hơn hết, chúng còn có tác dụng giúp trẻ phát triển các kỹ năng tư duy logic ngay từ khi còn nhỏ.
1. Chơi với cát và nước
Có thể trẻ chỉ đang tận hưởng sự thú vị của hoạt động đổ nước, xây cát và phá vỡ mô hình cát, nhưng nhóm các trò chơi với cát và nước có thể cung cấp cho trẻ kiến thức về bài học khoa học đầu đời.
Khi đó, trẻ sẽ được tìm hiểu về đặc điểm, trọng lượng, hiện tượng phản ứng của chất rắn và chất lỏng: đó chính là lời mở đầu cho bộ môn vật lý cơ bản.
Hiệu quả giáo dục của các hoạt động với cát và nước có thể được nâng cao nếu trẻ được tiếp xúc với càng nhiều sự vật và hoạt động, như đổ đầy cát vào một cái bát hay thả một vật thể vào nước để kiểm tra trạng thái chìm - nổi của vật thể đó.
2. Học số
Các bậc phụ huynh nên dạy trẻ về những kỹ năng toán học cơ bản sớm nhất có thể bằng cách dạy trẻ qua những bài hát ngộ nghĩnh giới thiệu những con số, hoặc sách học đếm. Ngoài ra, các sản phẩm đồ chơi giáo dục cũng là một lựa chọn không tồi, từ món đồ chơi biết nói có thể đếm số để dạy trẻ đọc giờ đến trò chơi truyền thống như domino.
3. Xây và phá
Một phương pháp khác giúp trẻ phát triển tư duy logic là tạo điều kiện cho trẻ chơi với đồ chơi lắp ghép.
Với hoạt động này, trẻ không chỉ học được cách đếm số khối hộp, vòng tròn hay cốc xếp hình trong ngọn tháp trẻ đang xây, mà còn có cơ hội tiếp xúc với các khái niệm mới như nhiều hơn – ít hơn và cao hơn – thấp hơn.
Nhận thức của trẻ với trò chơi này sẽ dần được nâng cao, chẳng hạn, trẻ sẽ nhận thấy một tòa tháp cột đôi được xếp từ hai hộp khối có cùng số hộp khối với một tòa tháp bốn hộp khối, mặc dù một trong hai tòa tháp đó cao hơn tòa tháp còn lại rất nhiều.
4. Giải đố
Tất cả những gì trẻ cần là một cây bút chì và một vài câu đố. Câu đố dạng cờ ca-rô hoặc giải ô chữ buộc trẻ phải vận dụng khả năng tư duy logic để tìm ra bước đi tiếp theo và suy luận được chiến thuật của đối phương. Trong khi đó, trò chơi mê cung yêu cầu ở trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề và những câu đố phức tạp hơn như Sudoku sẽ là một thách thức không nhỏ với trí tuệ của trẻ.
5. Trò chơi đo đạc
Kích thước, hình dạng và khoảng cách là những khái niệm quan trọng mà mỗi đứa trẻ cần nắm vững. Những khái niệm đó cũng là một phần không thể thiếu trong mọi chương trình giảng dạy trẻ từ mẫu giáo.
Để giúp trẻ có được hiểu biết nhất định về những khái niệm này, các bậc phụ huynh có thể sáng tạo ra những trò chơi, hoạt động mà yêu cầu trẻ đo đạc và so sánh các hình khối, kích thước và khoảng cách khác nhau của sự vật. Chẳng hạn, hoạt động nấu ăn cho trẻ cơ hội cân đong các loại nguyên liệu; thực hiện một vài phép đo đơn giản bằng gang tay; hay đi dạo trong công viên và cùng trẻ sắp xếp các món đồ tìm được trong tự nhiên theo thứ tự kích thước. Tất cả những hoạt động này đều có tác dụng giúp hình thành các kỹ năng toán học cơ bản cho trẻ.
6. Ghép tranh, thả khối
Khả năng giải quyết vấn đề độc lập sẽ giúp ích rất nhiều khi trẻ bước vào bậc tiểu học và rèn luyện tính kiên trì ở trẻ thậm chí khi trẻ chưa tìm ra phương hướng giải quyết.
Những sản phẩm đồ chơi giáo dục như thả khối hình học và ghép tranh là một trong nhiều loại dụng cụ hỗ trợ trẻ phát triển khả năng giải quyết vấn đề bởi chúng đòi hỏi trẻ phải tìm ra vị trí ghép đúng cho các hình khối và mảnh ghép.
7. Trò chơi rút gỗ
Các loại trò chơi cờ bàn là sự lựa chọn không tồi cho các bậc phụ huynh muốn giúp trẻ phát triển khả năng tư duy logic.
Với điểm chung là yêu cầu người chơi cần tìm ra chiến thuật và “đọc” được kế hoạch hành động của đối phương, các loại trò chơi rút gỗ sẽ kích thích sự hoạt động của các tế bào thần kinh trong não bộ của trẻ.
8. Phân loại vật thể
Các trò chơi phân loại hình dạng, kích thước và màu sắc là một trong những bài kiểm tra khả năng tư duy logic của trẻ hiệu quả bởi chúng giúp trẻ hiểu được các khái niệm về sự tương đồng và sự khác biệt. Ví dụ, trẻ có thể nhận thấy sự khác nhau giữa hình dạng của một hình vuông và một hình tròn và sự tương đồng về màu sắc giữa hai hình đó nếu chúng đồng màu.
Các bậc phụ huynh hãy tạo mọi cơ hội cho trẻ tiếp xúc với loại hình trò chơi này: từ phân biệt các quả bóng, các khối hộp đến các loại tất.
9. Săn tìm kho báu
Tham gia trò chơi săn tìm kho báu sẽ là cơ hội tốt để trẻ được học về cách tuân thủ luật chơi, tìm lời giải cho các gợi ý, qua đó giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Các bậc phụ huynh có thể điều chỉnh độ khó của trò chơi căn cứ vào độ tuổi và nhận thức của trẻ: trẻ nhỏ có thể được nhận một gợi ý hình ảnh, trong khi trẻ lớn hơn phải thử sức với một câu đố phức tạp hơn.
Nguồn: Netmums