Không có thực phẩm nào gây tranh cãi sôi nổi trong một thời gian dài trong cả giới y học và ẩm thực như thịt đỏ.
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng hạn chế tiêu thụ thịt đỏ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một bản hướng dẫn gây tranh cãi trên tạp chí Biên niên sử về Y học Nội khoa tháng 10.2019 cho rằng những người ăn thịt hầu như không có khả năng thay đổi chế độ ăn uống và do đó nên được phép tiếp tục ăn một lượng protein không giống như bác sĩ khuyến cáo.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại thịt đã qua chế biến là chất gây ung thư và thịt đỏ có thể là chất gây ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra những tác hại lớn về sức khỏe liên quan đến xu hướng ăn quá nhiều thịt đỏ của người Mỹ.
Vậy chúng ta nên ăn bao nhiêu thịt đỏ mỗi ngày? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây của HuffPost.
Vì sao thịt đỏ không tốt cho sức khỏe?
Nhìn chung, các hợp chất được tìm thấy trong thịt đỏ gây viêm và kích ứng mô trong cơ thể của chúng ta.
Stephen Kopecky, bác sĩ tim mạch tại Phòng khám Mayo (Mỹ), giải thích: "Đó là một tác động nhỏ, nhưng nó tăng dần theo năm tháng và dẫn đến các loại tổn thương khác nhau". Những tổn thương này sau đó gây ra một loạt các vấn đề y tế.
"Sự tổn thương của niêm mạc động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ", Kopecky nói. "Tổn thương ở cách thức các protein được hình thành trong não gây ra bệnh Alzheimer và tổn thương ADN dẫn đến đột biến gây ung thư".
Jennifer Haythe, phó giáo sư y khoa/bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Chăm sóc Tim mạch Nâng cao tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cũng chắc chắn về các vấn đề liên quan đến việc ăn quá nhiều thịt đỏ.
Haythe nói: "Các nghiên cứu đã nhiều lần chứng minh rằng ăn nhiều thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Ngược lại, những người ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có ít rủi ro về sức khỏe hơn".
Một khía cạnh nguy hiểm khác của việc tiêu thụ thịt đỏ liên quan đến hàm lượng chất béo của nó, làm tắc nghẽn động mạch và có thể dẫn đến xơ vữa động mạch và một loạt các bệnh khác, theo Cassidy Gundersen, một huấn luyện viên sức khỏe và chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ.
Nhìn chung, các hợp chất được tìm thấy trong thịt đỏ gây viêm và kích ứng mô trong cơ thể của chúng ta.
Phân loại thịt đỏ
Bên cạnh thịt bò, thịt đỏ bao gồm thịt cừu, thịt bê, thịt nai và thịt dê. Thịt lợn cũng thường được coi là thịt đỏ về mặt dinh dưỡng, nhưng được coi là thịt trắng trong các công thức nấu ăn.
Theo Kopecky, có ba hạng mục thịt đỏ cần lưu ý.
Hạng mục thứ nhất là thịt xay, thường được làm bằng cách xay nguyên miếng bít tết có nhiều mỡ. Kopecky khuyên bạn nên tránh xa loại thịt này, hoặc ít nhất là cố gắng giảm thiểu.
Hạng mục thứ 2 là loại mà Kopocky tin rằng có tác động tiêu cực nhất đến sức khỏe của chúng ta: thịt đã qua chế biến. Bác sĩ nói: "Nhìn chung, các loại thịt đã qua chế biến - đặc biệt là những thứ chúng ta ăn từ các cửa hàng tiện lợi - không tốt vì chúng chứa nhiều muối và hóa chất".
[Đọc thêm: Nồi chiên không dầu có thực sự 'thần thánh' như lời đồn? Bất ngờ với những món không nên nấu bằng nồi chiên không dầu]
Hạng mục cuối cùng là toàn bộ miếng thịt ở dạng nguyên bản và tự nhiên nhất, ví dụ như một miếng bít tết. Bác sĩ Kopocky nói: "Nó không bị trộn lẫn tạp chất, chưa được nấu chín hoặc chế biến". Nếu bạn định thưởng thức thịt đỏ, Kopecky khuyến khích chọn hạng mục này.
Các nghiên cứu đã nhiều lần chứng minh rằng ăn nhiều thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và tiểu đường.
Nên ăn bao nhiêu thịt đỏ mỗi ngày?
Điều này còn phụ thuộc vào loại thịt đỏ. Theo Kopecky, bạn nên tránh tất cả thịt đã qua chế biến và một số loại thịt xay nhiều mỡ.
Haythe gợi ý chọn thịt gà, gà tây và cá thay vì thịt đỏ.
Đối với thịt đỏ "nguyên miếng", Kopecky khuyên bạn nên ăn không quá 85 gram một ngày, hoặc ít hơn 595 gram một tuần.
"Một bệnh nhân nói với tôi rằng họ chỉ ăn thịt hai hoặc ba lần một tuần - chẳng hạn như họ sẽ ăn bít tết", Kopecky nói. "Nhưng miếng bít tết đó to từng nào? Thường là 510 gram. Về cơ bản, đó là những gì bạn ăn trong cả tuần".
Lời khuyên của bác sĩ Kopecky cũng chính là lời khuyên của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, trong đó khuyên bạn nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ ở mức ba khẩu phần một tuần, tổng cộng khoảng 340-510 gram/tuần trọng lượng đã nấu chín.
Kopecky giải thích: "Chúng ta không quen ăn bít tết suất 85 gram. Khi chúng ta ăn một khẩu phần thịt đỏ, nó thường là 225-340 gram - và đó là quá nhiều".
Nhiều người thích ăn thịt có thể tranh luận rằng, trong lịch sử, con người đã tiêu thụ thịt đỏ làm cơ sở cho chế độ ăn uống của mình.
Kopecky nói: "Đúng vậy, chúng ta đã ăn thịt đỏ trong hàng triệu năm". Nhưng khi đó, có một khó khăn: "Chúng ta đã không có tủ lạnh và tủ đông và không thể ra ngoài giết một con nai cho bữa sáng, vì vậy chúng ta ăn thịt với lượng nhỏ, không liên tục và cùng với vô số rau, đậu, trái cây, ngũ cốc và thực vật. Bộ gen của chúng ta có bao gồm thói quen ăn thịt, nhưng không phải quá nhiều. Trong những năm gần đây, việc ăn thịt mang tính chất ăn mừng nhiều hơn".
(Nguồn: HuffPost)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/an-bao-nhieu-thit-do-moi-ngay-thi-khong-gay-hai-su-that-ve-loai-thuc-pham-gay-tranh-cai-bac-nhat-the-gioi-161212303143602576.htm
Theo ttvn.vn