Ăn uống lành mạnh liên quan đến 1/5 ca tử vong trên toàn thế giới?

Một báo cáo về Bệnh tật Toàn cầu mới đây đã đưa ra một kết luận gây sốc: “Chế độ ăn uống thiếu chất có liên quan đến 1/5 số ca tử vong trên toàn thế giới”. Lý do là gì vậy?


Chế độ ăn uống thiếu chất có liên quan đến 1/5 số ca tử vong trên toàn thế giới

Ăn để tàn sát hay ăn để sống sót?

Phát hiện này được công bố ngày hôm nay 18/9/2017, trong một phần báo cáo về Bệnh tật Toàn cầu. Đây cũng được coi là một nghiên cứu chuyên sâu nhất từ trước đến nay về tỷ lệ tử vong toàn thế giới được tiến hành bởi 2.500 chuyên gia tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington cho biết, vấn đề “ăn uống nghèo nàn” bao gồm 2 thái cực: một là, việc ăn uống thiếu dinh dưỡng ở các cộng đồng nghèo; hai là, việc ăn uống “không lành mạnh” hoặc ăn uống “quá lành mạnh” dẫn đến cắt giảm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể ở các cộng đồng “giàu có” hơn. Dù ở thái cực nào thì thói quen này cũng không tránh khỏi sự liên quan tới 1/5 cái chết của dân số toàn cầu.

Cũng theo các chuyên gia, hàng triệu người trên thế giới đang duy trì một chế độ ăn uống chứa quá nhiều muối và chất béo bão hòa nhưng lại không đủ trái cây, rau quả, omega 3 và ngũ cốc nguyên hạt.

“Trong tất cả các dạng suy dinh dưỡng, thói quen kén ăn và ăn thiếu những loại thực phẩm lành mạnh là yếu tố hàng đầu dẫn đến nguy cơ tử vong”. Chuyên gia chia sẻ.

Kết luận này có nhiều điểm tương đồng với nghiên cứu về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu ở 108 quốc gia, từ năm 1990 đến 2013. Nghiên cứu này cũng kết luận, 21% ca tử vong toàn cầu có liên quan đến chế độ ăn nhiều thịt đỏ và nước ngọt nhưng thiếu trái cây, rau và ngũ cốc. Thói quen ăn uống này dẫn đến các bệnh như đột quỵ, tiểu đường và tim mạch.

Ngoài thói quen ăn uống nghèo nàn kể trên, các chuyên gia cũng chỉ ra các nguyên nhân khác gây tử vong sớm cho dân số thế giới.

Theo nghiên cứu, thì hiện nay, 1/7 dân số toàn cầu tương đương 1,1 tỷ người đang sống với những rối loạn về sức khỏe tâm thần và có dấu hiệu sử dụng chất gây nghiện. Trầm cảm nặng là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tật thế giới.

Dân số bị ảnh hưởng bởi bệnh Alzheimer hoặc Parkinson đã lên tới 2,6 triệu người vào năm 2016, tăng hơn 40% so với một thập niên trước đó. Tuy nhiên, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần lại thường bị bỏ qua hoặc thiếu hụt ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt ở những nước đang phát triển.

Sử dụng rượu và ma túy cũng chiếm khoảng 320.000 ca tử vong, trong đó 86.000 chết vì lạm dụng chất gây nghiện. Christopher Murray, giám đốc của Viện về Đo lường và Đánh giá Sức khoẻ tại Đại học Washington ở Seattle, nói: "Chúng tôi đang phải đối mặt với bộ ba vấn đề khó khăn dẫn đến tử vong sớm mà nhiều quốc gia và cộng đồng đang phải gánh chịu. Bao gồm: bệnh béo phì, xung đột và bệnh tâm thần, trong đó có cả rối loạn do lạm dụng chất gây nghiện”.

Tử vong do xung đột và khủng bố - đặc biệt là ở Bắc Phi và Trung Đông - đã vượt quá 150.000 ca tử vong vào năm 2016, tăng 140% so với một thập niên trước đó.

Các quốc gia như Ethiopia, Maldives, Nepal, Niger, Bồ Đào Nha và Pêru đã có những cải tiến vượt bậc về y tế, bắt nguồn từ việc triển khai các phương pháp điều trị kháng virus cho bệnh HIV / AIDS.  

Ăn như thế nào là lành mạnh?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, đã đến lúc con người cần coi trọng việc chăm sóc sức khỏe của mình hơn trước. Một trong số đó là việc ngay lập tức thay đổi thói quen ăn uống. Nếu chỉ ăn để đáp ứng “ham muốn” của miệng thì sớm muộn cơ thể cũng sẽ sinh bệnh.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp, có lợi cho sức khỏe được các chuyên gia định nghĩa như sau.

1. Đầy đủ 5 nhóm thực phẩm lành mạnh với số lượng cân bằng

Không có một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Chính vì thế, chúng ta phải ăn nhiều nguyên liệu thức ăn khác nhau mỗi ngày. Không phải là ăn nhiều món cùng một nguyên liệu.

Một bữa ăn được xem là đủ chất dinh dưỡng phải bao gồm 5 nhóm thực phẩm sau: nhóm rau củ, nhóm đậu đỗ, nhóm thịt cá trứng sữa, nhóm ngũ cốc và các loại hạt. Tốt nhất mỗi ngày nên ăn từ 12-15 loại thực phẩm và mỗi tuần ăn khoảng 25-30 loại thức ăn khác nhau.


Nhóm rau củ, nhóm đậu đỗ, nhóm thịt cá trứng sữa, nhóm ngũ cốc và các loại hạt là 5 nhóm thực phẩm cần ăn mỗi ngày

2. Không nên loại bỏ hoàn toàn gạo, ngũ cốc, tinh bột ra khỏi bữa ăn hàng ngày

Nhiều người quan niệm rằng, ăn nhiều cơm, ngũ cốc và tinh bột tăng nguy cơ gây béo phì, tiểu đường và chúng không tốt cho sức khỏe. Cho nên họ xay xát gạo rất tinh mịn đến mức không còn nổi 1% chất xơ.

Nhưng nhiều nghiên cứu phản bác lại, ngũ cốc rất quan trọng cho sự cân bằng cơ thể và sức khỏe của vi khuẩn trong đường ruột, đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc thô. Với người có vấn đề đường huyết, ăn ngũ cốc thô còn giúp cải thiện và kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Nếu không thể ăn nhiều gạo thì chúng ta nên ăn thêm các loại khoai lang, khoai tây…để bổ sung lượng chất xơ cần thiết. Nhưng không ăn quá 400g/ngày.

3. Ăn 1 phần động vật + 3 phần thực vật

Chế độ ăn kết hợp 1 phần động vật và 3 phần thực vật được xem là tốt cho cơ thể con người. Chế độ ăn đủ thực vật có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc cân bằng lương vitamin, khoáng chất, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và tiểu đường…Chuyên gia cũng khuyên mỗi ngày con người nên ăn từ 300-500gr rau củ có màu xanh lá, đỏ, tím, da cam và uống thường xuyên nước ép trái cây.

4. Ít đường, ít muối, ít dầu ăn

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ăn mặn là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, ung thư dạ dày, tim mạch…Nhưng ăn quá ngọt lại dẫn đến tăng cân, béo phì. Nên duy trì thói quen ăn nhạt, ít đường, ít dầu ăn. Không nên ăn quá 8gr muối và 25gr đường mỗi ngày.

Ngoài ra, con người cần từ bỏ thói quen thức quá khuya, sử dụng rượu bia, đồ uống có ga thường xuyên. Nên cai nghiên thuốc lá và tập thể dục mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn.

Theo Dailymail và Lifetimes

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU