Hai anh em Tí lớn và Tí nhỏ.
2. Bố mẹ học cách quan sát, lắng nghe và thấu hiểu
Chia sẻ thêm về câu chuyện của các con, anh Phương Điền cho biết hai con trai của anh có tính cách hơi trái ngược nhau một chút. Trong khi Tí lớn hài hước, năng động, thích khám phá tìm tòi thì nhóc em lại hiền hoà hơn. Thực ra thường ngày các bé rất ngoan, anh lớn biết nhường nhịn em nhỏ, thời gian dịch này cũng là cơ hội để anh Điền và bà xã được ở bên và chăm sóc các con.
"Do nhóc lớn hơn em 5 tuổi nên bạn ấy cũng đã biết thương em, chia sẻ và chỉ em cách chơi, chỉ thi thoảng mới có tranh giành và đánh nhau. Thường thì mình không can thiệp ngay vào lúc ấy, mà sẽ gặp anh 2 để nói chuyện riêng. Theo quan điểm cá nhân mình, việc các bé cãi nhau cũng là rất bình thường vì người lớn cũng thường hay cãi nhau huống chi là các bé còn nhỏ, nhưng quan trọng là phải biết cách làm hòa với nhau.
Và mình hay chia sẻ với anh 2 rằng: khi chúng ta dùng bạo lực để giải quyết (đánh nhau, la mắng nhau…) thì vấn đề có thể được giải quyết ngay lúc ấy, nhưng kèm theo là con và em hoặc bạn đều bị tổn thương, giống như chiến tranh vậy cả 2 bên đều bị thiệt. Nên do đó, nếu ai đó trêu chọc, nói xấu con thì con hãy xem như họ đưa cho con món đồ ăn mà con không thích, con không nhận nó, thì món đồ đó vẫn thuộc về họ, đừng để bị mất kiềm chế bản thân", anh Điền tâm sự.
Trẻ em là những trang giấy trắng, lớn lên và ứng xử thế nào một phần là nhờ sự dạy bảo của bố mẹ, thầy cô và mọi người xung quanh. Bởi vậy các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con cần bình tĩnh, lắng nghe, quan sát và thấu hiểu, từ đó đưa ra phương pháp và cách xử lý phù hợp với từng tình huống. "Lửa không thể nào có thể dập được lửa mà chỉ có nước mới dập được lửa. Điều đó cũng giống như con vậy, giận dữ không thể dập tắt được giận dữ, chỉ có bình tĩnh mới giúp con dập tắt được ngọn lửa giận dữ trong mình", anh Phương Điền chia sẻ thêm.