Con trai chị Hà - bé Nam San (sinh năm 2015) nhưng đã có "kinh nghiệm" quản lý tài chính nhiều năm.
Ngày khai giảng, một trong những món quà Nam San được tặng chính là ví tiền. Mỗi ngày bé chính thức nhận khoản tiền tiêu vặt có giá trị 10 cent (tầm 2.500 VND) và được quyền sử dụng món tiền đó với bất kỳ mục đích nào mà bên B không có quyền can thiệp vào.
Mỗi khi làm được việc tốt trong ngày, Nam San được thưởng một trái tim hoặc một ngôi sao và sẽ được quy đổi thành tiền thưởng vào cuối ngày. Chị Hà sẽ đưa một loạt loại tiền khác nhau như: 1, 2, 5, 10, 20, 50 cent, rồi bảo con hãy tự tìm đúng số tiền ngày đó mình nhận được.
Về phương pháp, một số cách chị Hà dạy con như: Nhận biết giá trị thực phẩm qua giá tiền khi đi chợ; Khuyến khích con làm việc chăm chỉ để được thưởng tích lũy tiền; Cho con xem là con có thể làm cuộc sống của con tốt hơn nếu con chăm chỉ làm việc để nhiều tiền: Ví dụ đi máy bay VIP… Đặc biệt, chị rất tôn trọng quyền lựa chọn của con khi con muốn mua một đồ vật nào đó.
Bên cạnh đó, bà mẹ này không quên tận dụng các ví dụ con quan sát được trong cuộc sống để phân tích cho con về giá trị của làm việc, học tập chăm chỉ và chi tiêu đúng. Khuyến khích con dùng tiền của mình để giúp đỡ.
Khi con làm việc tốt, chị Hà hay nhờ người phụ trách của tổ chức nơi con gửi quà đến viết thư/tin nhắn cho con để con cảm thấy được ghi nhận, thấy ý nghĩa và tự hào. Chị cũng gợi ý con có kế hoạch sử dụng tiền: Sẽ dùng mua đồ chơi gì, mua quà tặng nào, đi ăn dịp nào. Khi con tích lũy đạt đến một mức nhất định, sẽ cho con thử đầu tư từ tiền con tích lũy.
Nhờ có tiền riêng nên Nam San cũng làm được nhiều việc tốt như gửi hỗ trợ cho các bạn bên Ukraine, tham gia một lớp hỗ trợ tiếng Đức cho các bạn nhỏ ở Việt Nam, ủng hộ quỹ "bữa ăn 0 đồng".
Được thưởng tiền khi làm việc, Nam San cũng sẽ chịu mất tiền nếu làm sai. Chẳng hạn, giờ ăn trưa ở trường, nếu bỏ thừa lại thức ăn sẽ bị trừ số tiền bỏ thừa. Mỗi bữa ăn là 4 EUR (khoảng 100 ngàn đồng), con tự chia ra số phần và tính. Nếu làm mất đồ, hư đồ, con sẽ phải tự đền lại. Tháng trước San bỏ mất cái mũ lúc đi chơi, bị mẹ trừ mất 8 EUR (khoảng 200 ngàn đồng). Quên tắt đèn phòng, xả nước phung phí cũng sẽ bị trừ tiền.
Riêng gia đình chị Hà có những quy tắc riêng. Chẳng hạn: Không thưởng tiền tùy ý, tùy hứng để tránh trẻ không quý trọng tiền bạc; Tuyệt đối không dùng tiền để mua công việc của con.
Việc được mẹ dạy về giá trị của tiền và quản lý tài chính từ sớm giúp Nam San hiểu được giá trị của vật chất và biết quý trọng vật chất: Con đi chợ biết một món ăn sẽ tốn bao nhiêu tiền, không phung phí thức ăn. Con biết tiết kiệm: Ví dụ biết tắt đèn khi không dùng, quan sát nhắc nhở ba mẹ nếu ai quên. Mở nước vòi rửa cũng nhẹ nhàng tránh gây lãng phí…
Con biết cân nhắc khi mua đồ và không vòi vĩnh đòi hỏi: Ví dụ mẹ giao ước hôm nay đi chơi, ba mẹ sẽ mời con kem và bữa trưa. Ngoài ra nếu con muốn gì thêm thì con tự sử dụng tiền của con. Muốn mua đồ chơi cũng vậy, nếu ba mẹ không tặng thì con tự bỏ tiền ra mua và sau đó biết tích lũy bằng làm việc chăm chỉ để có tiền.
Sau đó con hiểu được cần chăm chỉ trong các công việc để hoàn thành kế hoạch và được thưởng để tích lũy tiền và được sử dụng theo mong muốn của con. Cuối cùng con hiểu được ba mẹ cũng phải làm việc rất chăm chỉ hằng ngày để con có một cuộc sống tốt nên con luôn biết ơn, chứ không phải xem đó là điều hiển nhiên.