Dàn xe ít ỏi nhà chị Kim Anh nằm dài ngày trong bãi vì không có khách thuê.
Bà mẹ U50 thở dài ngao ngán: "Gia đình chị đang nợ vài tỷ ngân hàng, không biết xoay sở thế nào để trả hết món nợ ấy. Xe thì nằm bãi ngốn hàng bao nhiêu chi phí phát sinh: Nào tiền bến bãi, tiền đăng kiểm, tiền mua bảo hiểm. Đấy là chưa kể xe phải bảo dưỡng, bảo trì rồi hỏng hóc, va chạm tai nạn,… Trăm khoản đổ lên đầu, người ngoài nhìn vào tưởng sang giàu lắm, nhưng người trong "kẹt" mới thấu!".
Như bao người kinh doanh dịch vụ vận tải, trong những đợt dịch đầu, chị Kim Anh nghĩ rằng dịch bệnh chỉ kéo dài một vài tháng. Nhưng ròng rã hơn 2 năm qua, du lịch "chết" hoàn toàn, ngành vận tải đành chịu chung số phận hẩm hiu. Xe cứ chạy được vài ba hôm thì lại có thông báo dừng hoạt động, khiến lòng chị như lửa đốt.
Giờ 2 vợ chồng chị Kim Anh đã xác định "sống chung với lũ", xoay ra làm nghề khác kiếm sống. Nhiều gia đình góp vốn kinh doanh cùng chị cũng vội vàng rút tiền về, mang đi đầu tư chỗ khác. "Phải xoay sở chứ, cứ trông mỗi vào nghề này thì chết đói", chị tâm sự.
Để có tiền nuôi các con ăn học, chị Kim Anh phải bán hàng online để góp nhặt từng đồng. Mặt hàng kinh doanh chính của chị là yến, ngoài ra còn bán thêm nhiều sản phẩm khác. Khách hàng chủ yếu là người thân, bạn bè, hàng xóm quanh nhà. Ai có nhu cầu gì thì chị bán nấy, bán gì cũng được, miễn là có thêm đồng ra đồng vào.
Tuy vất vả nhưng chị Kim Anh vẫn luôn lạc quan, vui vẻ. Chị tâm sự rằng các con cũng đã lớn và hiểu chuyện, biết thương bố mẹ đang trong giai đoạn khó khăn. Vì thế, các con tự giác bảo ban nhau học tập, không để mẹ nhắc nhở nhiều. Đó cũng là động lực giúp chị Kim Anh nỗ lực kiếm tiền. Chị chỉ mong con cái học hành giỏi giang, ngoài giờ học thì biết phụ giúp mẹ làm việc nhà.
"Việc của chị là kiếm tiền, việc của con là học hành. Chị dặn con rằng chúng ta phải nỗ lực cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn", chị Kim Anh chia sẻ.