Bà mẹ nổi tiếng tiết lộ hậu trường nuôi dạy 2 con: 'Ở Úc, họ cho tôi 3 ngày suy nghĩ'

Câu nói của con trai đã khiến tôi sững người lại, vì không thể ngờ đứa trẻ mới 2 tuổi rưỡi lại có thể nói một câu như thế", Hà Trang chia sẻ.

Ngày nay, giữa guồng quay của công việc, của vô vàn những mối bận tâm trong cuộc sống, đôi khi các bậc cha mẹ đã "bỏ quên" rất nhiều khoảnh khắc được thật sự cùng con cái trưởng thành.

Nhiều người cũng nghĩ rằng, bố mẹ chỉ cần chăm chỉ làm việc, kiếm tiền và lo cho con cái đầy đủ vật chất hay vào được trường tốt đã là đủ. Thế nhưng, con trẻ liệu có thật sự chỉ cần những điều đó? Các con còn cần những gì hơn thế?

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang - một bà mẹ 2 con, một giáo viên dạy tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Úc, khá nổi tiếng với những bài viết chia sẻ cách dạy con trên mạng xã hội, sẽ chia sẻ những góc nhìn của chị về vấn đề này.

Làm sao để dạy con tự lập?

PV: Từ các bài đăng trên Facebook của chị, tôi được biết là chị đã có 2 con trai, và các bé rất tự lập, bé đầu 6 tuổi là có thể tự làm bữa sáng, tự dọn dẹp phòng của mình, thậm chí tự làm bài tập mà không cần bố mẹ kiểm tra. Chắc hẳn đây là niềm mơ ước của rất nhiều phụ huynh ở Việt Nam, trong đó có tôi. Vậy chị đã làm thế nào để có thể rèn con như vậy?

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang: Trong gia đình tôi, các con trai của tôi coi đây là những việc hết sức bình thường, giống như việc các con cần phải ăn cơm, uống nước vậy. Nhìn sâu vào bản chất thì sẽ thấy rõ là việc các con làm là cho chính các con mà thôi, và những việc như tự phết bơ hay cho giăm bông vào bánh mỳ, tự lấy sữa cho mình, tự dọn dẹp cái gối, cái chăn sau khi ngủ dậy cũng rất phù hợp với độ tuổi của các con và đâu có khó khăn gì đối với một đứa trẻ 6 tuổi.

Thế nhưng, lâu nay, chúng ta vẫn thường quen tự xử lý các việc này cho các con, với các lý do như "Con nhỏ quá, làm sao được", hay "Thôi để đấy mẹ làm cho nhanh, con làm rồi bầy bừa ra mẹ không dọn được", hoặc "Thôi con đi học đi, việc của con là học", chẳng hạn. Chính những lý do đó của người lớn đã tước đi các cơ hội được tự lập của trẻ. Thật ra, trẻ con nào cũng háo hức khi được khám phá những điều mới lạ, được xem "À cái việc này làm như thế nào nhỉ?". Ngay chính như 2 đứa trẻ nhà tôi cũng thường xuyên nói một câu là: "Mẹ để đấy, con tự làm được".

Subi và Subo - 2 con trai của Đoàn Phạm Hà Trang. (Ảnh: NVCC)

Trở lại câu hỏi của chị, "Làm sao để rèn con tự lập?", vấn đề là chúng ta có cho bọn trẻ cơ hội để làm những việc đó hay không, chúng ta có tạo ra môi trường để đánh thức cái bản năng háo hức, tò mò ấy của trẻ hay không mà thôi. Tất nhiên, trong vấn đề này có 2 điều rất quan trọng, đó là tính thời điểm và sự kiên trì, đều đặn của bố mẹ.

PV: Cụ thể trong gia đình của chị, chị đã dạy các con tự lập từ năm mấy tuổi?

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang: Tôi còn nhớ là khi bạn lớn nhà tôi, Subi mới chỉ biết bò, sau khi mẹ giúp bạn ấy cởi quần áo để tắm thì bạn ấy đã vừa cầm quần áo vừa bò đến chỗ giỏ đựng đồ giặt rồi. Hay là với việc phết bơ vào bánh mỳ, khi mẹ còn đang phết bơ vào bánh mỳ là bạn ấy đã thức dậy và ngồi nhìn mẹ làm, sau đó, tôi sẽ nói rằng: "Subi này, cùng mẹ làm không?" là cháu sẽ bắt chước làm theo. Subi rất thích cầm con dao nhựa để phết phết bơ lên bánh. 

Như vậy, mình tạo ra một môi trường an toàn cho con để con làm những việc đơn giản ở độ tuổi thích hợp, sau đó là động viên, khích lệ con để con tin mình làm được thì sẽ rất có ích trong việc giúp con dần từng bước tự lập về sau.

PV: Nhiều người sẽ nói điều này còn tùy thuộc vào sự nghe lời của từng đứa trẻ. Liệu có phải con trai chị là một cậu bé ngoan ngoãn, dễ bảo nên mình hướng dẫn cũng dễ hơn không? Vậy chị dạy con khó khăn hay không?

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang: Có lẽ chị cũng như nhiều độc giả khác sẽ phải đồng ý với tôi về điều này: Làm gì có đứa trẻ nào luôn luôn ngoan ngoãn và nghe lời mình? Mà nếu có một đứa trẻ đó thì có lẽ vấn đề lại đáng "báo động" hơn. Tại sao chúng ta lại yêu cầu trẻ luôn luôn ngoan và nghe lời bố mẹ? Mỗi đứa trẻ có một cá tính và nhờ cá tính đó mà các bạn ấy có màu sắc riêng. Cũng chính nhờ những điều chưa hoàn thiện, chưa phân biệt được tốt - xấu, đúng - sai mà các bạn ấy cần cha mẹ chỉ dẫn, nhắc nhở và quá trình này sẽ giúp các con trưởng thành.

Tất nhiên, quá trình dạy con của tôi, cũng như bất kỳ một phụ huynh nào khác, chưa bao giờ là dễ dàng cả.

"Câu nói của con đã kéo tôi lại"

PV: Vậy những giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình nuôi và dạy con của chị là gì?

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang: Câu hỏi của chị đã đưa tâm trí tôi trở về những ngày tháng khó khăn của việc làm mẹ, và có 2 giai đoạn mà tôi cảm thấy khó khăn nhất. 

Giai đoạn thứ nhất là lúc tôi mang bầu Subi được khoảng 20 tuần. Khi ấy, tôi đang theo học thạc sỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc còn chồng tôi thì vẫn đang ở bên Úc. Khi tôi đi khám thai, bác sĩ nói trên đầu con trai tôi có những bọng nước li ti và không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra với cháu. Các bọng nước có thể mất đi, nhưng cũng có thể lớn dần lên và ảnh hưởng đến cháu.

Với một người mẹ lần đầu mang thai, lại đang ở một mình ở một đất nước xa lạ, tôi đã rất sốc. Tôi đã khóc suốt một ngày và dằn vặt bản thân không thể cho con mình cuộc đời khỏe mạnh. Nhưng có lẽ cũng từ trải nghiệm đó đã giúp tôi hiểu được rằng, điều quý giá nhất chính là con mình có thể trưởng thành khỏe mạnh, mọi cái khác chỉ là thứ yếu mà thôi.

Còn khó khăn thứ 2 chính là khi tôi mới sang Úc, vừa lấy chứng chỉ dạy mầm non, đi làm toàn thời gian, Subi luôn là bạn nhỏ đi học sớm nhất trường và về muộn nhất trường. Hình ảnh mà tôi nhớ nhất luôn là cảnh cô giáo đứng trước cửa lớp học, nắm tay cháu và cả 2 cô trò đều hướng ánh mắt ra bên ngoài hàng rào của trường, khắc khoải mong chờ tôi từng giây từng phút.

Một buổi sáng, khi tôi đưa con đi học, Subi đã ngập ngừng hỏi tôi là: "Mẹ ơi, hôm nay mẹ có thể đón con sớm được không?". 

Tôi còn chưa biết nói sao, định trả lời theo cách "hoãn binh", kiểu như "Ừ, để mẹ thu xếp, mẹ sẽ cố gắng nhưng mẹ không dám hứa trước", thì Subi đã nói một câu khiến tôi sững người: "Mẹ ơi, nếu mẹ không đón con sớm được thì cũng không sao đâu. Mẹ cứ đi làm việc của mẹ như lúc trước đi".

Chính câu nói chứa đầy sự cảm thông, hiểu chuyện của đứa trẻ mới 2 tuổi rưỡi khi đó đã kéo tôi lại. Tôi tự nhận ra, "Mình có con để làm gì? Chẳng phải làm được những điều tốt nhất cho con mới khiến mình hạnh phúc ư? Tại sao bây giờ con chỉ có mong muốn nhỏ nhoi là được mẹ đón sớm mà mình cũng không làm được?".

Quyết định sau 3 ngày và kết quả ngoài mong đợi

PV: Vậy đó có phải là câu chuyện chị đã ở nhà 3 ngày để suy nghĩ xem có nên tiếp tục công việc toàn thời gian lúc đó hay không?

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang: Cảm ơn chị đã giúp tôi gợi nhớ lại câu chuyện khi mà tôi vừa mới sang Úc, còn đang chân ướt chân ráo và sau một thời gian ngắn, vừa mới tốt nghiệp chứng chỉ học mầm non và đang là giáo viên hợp đồng thì đã nhận được lời mời làm giáo viên chính thức của một ngôi trường lớn ở Úc với rất nhiều sự cạnh tranh. Đây là một cơ hội tốt mà không phải ai cũng có được. Bản thân tôi cũng rất vui vì nó chính là thành quả, là sự ghi nhận sau nhiều nỗ lực của mình.

Tuy nhiên, công việc mới này cũng khiến tôi cảm thấy giằng xé. Liệu rằng với một công việc toàn thời gian như vậy, tôi có thể thu xếp thời gian cho gia đình, cho con trai của mình hay không trong khi công việc của chồng tôi vốn cũng đã rất bận rộn. Chính vì thế, tôi đã quyết định làm thử một tháng để xem mọi chuyện sẽ ra sao. Và với câu nói phía trên của con trai, tôi đã biết mình phải làm gì. Công việc có thể chọn lại, nhưng nếu bây giờ mình không chọn con thì sẽ không bao giờ có cơ hội như vậy nữa. Các bạn ấy chỉ cần mình vào những giai đoạn còn bé thế này thôi, vì lớn chút nữa là các bạn ấy sẽ có bầu trời riêng của mình, các bạn ấy sẽ bay đi thật xa.

Công việc có thể chọn lại, nhưng nếu bây giờ mình không chọn con thì sẽ không bao giờ có cơ hội như vậy nữa".

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang

Ngay sau đó, tôi đã viết một email gửi cho Hiệu trưởng của ngôi trường đó, kể lại đúng câu chuyện ấy. Bà Hiệu trưởng cũng là một người mẹ và rất thông cảm với tôi, nhưng đồng thời bà ấy cũng thấy đáng tiếc vì vị trí đó nhiều người mong đợi, họ mong tôi cân nhắc thêm.

Chính vì thế, tôi đã xin nghỉ 3 ngày ở nhà với con, xem mình có thể làm gì với con trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong 3 ngày ấy, mọi việc diễn ra rất bình thường, không có gì kịch tính cả, 2 mẹ con cùng nhau ăn sáng rồi làm các việc nhà với nhau, chơi với nhau, nhưng tôi đã nhận ra niềm vui lấp lánh trong mắt của con trai mình. Subi là một cậu bé rất thích thể hiện tình cảm, khi cậu thấy vui, thấy yêu mẹ là cậu sẽ tặng mẹ một nụ hôn lên má mẹ rồi nói "Con yêu mẹ".

Khi nghe những lời nói ấy, tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ biết bao thời gian bên con, biết bao lời nói yêu thương ấy.

Nếu như trước kia, mỗi sáng, các bạn khác còn đang ngủ trong chăn ấm thì con mình đã phải dậy rồi, còn phải chạy vội vội vàng vàng, có hôm vừa chạy vừa ăn bánh mỳ và đến trường thậm chí trước cả giờ mở cửa. Rồi đến buổi chiều, các bạn đã về hết, cả trường chỉ còn mỗi con mình. Rồi buổi tối, chưa kịp chơi với con thì tôi lại phải giục con vội vội vàng đi ngủ sớm để hôm sau lại lặp lại cái guồng quay ấy.

Có thể nói, khoảng thời gian được ở bên con, tôi thấy người đầu tiên nhận được món quà hạnh phúc là tôi, chứ không phải là Subi. Nếu tôi cứ quay cuồng trong cái guồng quay ấy, tôi sẽ đánh mất chính mình và đánh mất cả thời gian của tôi với con.

Chính vì thế, vào buổi tối của ngày thứ 3, tôi đã viết thư cho bà Hiệu trưởng của trường để xin từ chối lời mời làm giáo viên chính thức của trường.

Sau khi tôi nói cho Subi rằng "mẹ sẽ ở nhà, mẹ sẽ không đi làm nữa, từ nay con cũng không còn phải vội vội vàng vàng hoặc phải ở lại muộn nhất trường nữa, vì mẹ muốn được nghe Bi nói Bi yêu mẹ nhiều hơn", bạn ấy đã rất ngạc nhiên, nhưng ánh mắt long lanh thì nói lên tất cả và nó cứ in mãi trong tâm trí của tôi.

PV: Từ chối một lời mời công việc là mơ ước của nhiều người, sau đó có bao giờ chị cảm thấy hơi "lăn tăn" một chút không?

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang: Thực sự, cuộc sống của mình có chậm lại đôi chút để đổi lại được khoảng thời gian quý báu với con, thì nó rất đáng, và nó không thể nào so sánh được.

Sau khi tôi đã ở nhà với con, một thời gian dài sau đó, nhiều lần bà Hiệu trưởng đã liên lạc với tôi, hỏi xem tôi đã thu xếp được việc gia đình và sẵn sàng trở lại với công việc hay chưa. Thế nhưng, lúc đó, tôi đã không còn muốn đi làm cho người khác nữa, mà muốn tự phát triển các dự án của bản thân, tự làm cho chính mình. Có một công việc mà bản thân yêu thích chưa đủ, nó còn phải cho phép tôi dành thời gian cho gia đình, cho con cái của mình nữa.

Và nói thật ra, chính việc đồng hành cùng con đã giúp tôi được hưởng trái ngọt, giúp tôi có được công việc của hiện tại - một giáo viên dạy tiếng Việt và kỹ năng sống cho các bạn nhỏ người Việt sinh ra và lớn lên ở Úc. Tôi dạy cả trực tiếp và online. Tôi cũng từng là nhân viên hỗ trợ cộng đồng và giúp nhiều bà mẹ người Việt giải quyết những khó khăn trong việc nuôi dạy con hay trong việc thích ứng với môi trường mới sau khi sang Úc.

Công việc này không chỉ giúp tôi ổn định cuộc sống, gặt hái được những thành tựu trong sự nghiệp, mà còn cho tôi được chủ động thời gian để ở bên và chăm sóc con. Tôi có thể phải dạy rất sớm, từ lúc 4 giờ để bắt đầu việc dạy học vào lúc 5 giờ sáng (do học sinh ở khác múi giờ), nhưng đến giờ đưa đón con hay dẫn con đến các lớp học nghệ thuật, thể thao, tôi vẫn có thể tự thu xếp được. Sau giờ tan học, trở về nhà, luôn là quãng thời gian mấy mẹ con cùng ăn hoa quả, cùng tâm sự về một ngày của mẹ, của con. Luôn là mẹ và bố cùng các con đọc sách. Con trở về là mẹ không bận bịu nữa mà sẽ ở bên con.

Như vậy là nhiều năm sau quyết định ở nhà từ ngày ấy, tôi thấy biết ơn và may mắn vì mình đã làm đúng.

PV: Cảm ơn những chia sẻ rất tuyệt vời của chị và chúc chị cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành công!

 

Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc, dạy tiếng Việt và kỹ năng cho các trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên tại nước ngoài.

Trước đây, cô là một giáo viên mầm non và đã được cấp chứng chỉ tại Úc.

Với sở thích là nghiên cứu về trẻ nhỏ, Hà Trang đã chọn nghề nghiệp là một lĩnh vực hoàn toàn khác so với chuyên ngành được đào tạo ở Đại học, đó là Quan hệ Quốc tế.

Năm 2021, Hà Trang cũng tham gia vào SOV (Stories of Vietnam) - dự án làm sách song ngữ phi lợi nhuận tặng cho các gia đình có con nhỏ người Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ.

Dự án đã xuất bản được 3 đầu sách, gửi tặng hơn 3000 bản in, tới 382 thành phố tại 46 bang ở Mỹ. Năm nay, dự án dự định sẽ được mở rộng sang Úc.

Hà Trang cũng là mẹ của 2 bé trai, một bé 8 tuổi tên là Subi và một bé 4 tuổi rưỡi tên là Subo.

 

https://soha.vn/ba-me-noi-tieng-tiet-lo-hau-truong-nuoi-day-2-con-o-uc-ho-cho-toi-3-ngay-suy-nghi-20220618160813184.htm

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU