Những khó khăn của bệnh viện dã chiến
Những ngày này, làn sóng dịch Covid-19 đang khiến TP.HCM và nhiều tỉnh miền nam phải căng mình chống dịch. Do lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, lực lượng y tế quá mỏng nên xảy ra tình trạng quá tải.
BS CK I Tống Hồ Tứ Phương – BV Nhi đồng thành phố đang thực hiện công tác tại Bệnh viện Dã chiến số 4 chia sẻ về sự vất vả của các bác sĩ.
Những ngày qua, các bác sĩ đều mang trên người bộ đồ kín như ninja suốt mấy giờ đồng hồ.
BS Phương cho biết hàng ngày, sau ca trực, các bác sĩ lại họp online qua Zoom, trình bày góp ý trao đổi để cải thiện hoạt động điều trị, sinh hoạt mỗi ngày.
Buổi trưa khi ra khỏi trực, họ tự cắt tóc cho nhau. Đêm về, họ cùng tổ chức những buổi sinh hoạt tập thể ngắn ngủi, những buổi liên hoan sinh nhật xa nhà, an ủi, động viên nhau đỡ nhớ gia đình, cùng nhau cố gắng..
BS Phương cho biết stress, khó chịu, cáu gắt... là những phản ứng tiêu cực của khá nhiều bệnh nhân khi mới nhập viện BV dã chiến.
Một vấn đề khó khăn với bệnh nhân điều trị đó là điều kiện sinh hoạt, thời tiết nắng nóng, phòng bức bí, bất tiện về ăn uống, giải trí.... dễ tạo những cảm xúc tiêu cực cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, tất cả lực lượng chống dịch cũng đang cố gắng hết mình để hoàn thành trách nhiệm và sứ mệnh, để mọi thứ tốt hơn trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Các bác sĩ tranh thủ cắt tóc cho nhau lúc hết ca trực.
Những vấn đề mang tính khách quan như điện, nước, BS Phương cho biết đã được xử lý. Những sự cố sai sót chủ quan trong cung cấp khẩu phần ăn xảy ra là do số lượng tăng đột biến. Nhà cung cấp suất ăn không cung cấp kịp, điều này dẫn đến phiền hà, không thoải mái cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, BS Phương cho biết tất cả đã là sự cố gắng liên tục, không ngừng nghỉ của cả một tập thể tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 04.
Hàng ngày, các lãnh đạo bệnh viện dã chiến, các bộ phận hậu cần đều giao ban buổi sáng để nắm bắt tình hình, tiếp thu ý kiến, ghi nhận những khó khăn của bệnh nhân, của cả nhân viên y tế. Lãnh đạo luôn xem xét những vấn đề tồn đọng để giải quyết một cách sớm nhất có thể.
Nên bình tĩnh, cảm thông
Bác sĩ Phương chỉ mong bệnh nhân đồng cảm để hiểu được những khó khăn thực tế của nhân viên y tế cũng như bệnh viện.
"Vậy nên thay vì khó chịu và biểu hiện tiêu cực ra bên ngoài, chúng ta hãy chấp nhận rằng dịch Covid-19 đang huỷ hoại sức lực, bào mòn thanh xuân của rất nhiều người, để lại những tổn thất to lớn về kinh tế, đời sống xã hội không chỉ ở Việt Nam ta, mà trên toàn thế giới" – BS Phương chia sẻ.
Bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại TP HCM.
BS Phương cũng mong muốn bệnh nhân lạc quan hơn, thời gian này những bạn đang điều trị trong bệnh viện dã chiến hãy sống chậm và sống chất hơn.
Có những bệnh nhân khi vào bệnh viện đưa theo cả những em bé nhỏ theo cùng, thấy vậy bác sĩ cũng thương lắm. Nhưng đây là tinh thần chung, là phương án chung - phải khống chế cho bằng được dịch bệnh, hạn chế tối đa số ca nhiễm mới, hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, hạn chế tối đa số ca tử vong...
Quan trọng nhất khi bước chân vào bệnh viện dã chiến, mọi người cần giữ tinh thần lạc quan, tránh tối đa stress, chỉ có như vậy mới vượt qua được dịch bệnh.
Theo soha.vn