Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức gửi gắm thông tin sức khỏe đến bà con miền Trung, nhấn mạnh các loại bệnh dễ mắc và cách cộng đồng chung tay giúp đỡ hiệu quả

Bác sĩ Trần Quốc Khánh đã gửi gắm đến bà con miền Trung những thông tin hữu ích về sức khỏe, mong rằng qua kiến thức của mình bà con sẽ có được biện pháp phòng chống bệnh tật hữu hiệu, sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ và trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Miền Trung đang phải trải qua đợt mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ đối với vật chất mà còn với cả tính mạng và sức khỏe của người dân. Hiện nay tại nhiều địa phương nước lũ đã rút, tuy nhiên người dân nơi đây vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong số đó quan trọng nhất chính là nguy cơ nhiễm bệnh.

Trước tình hình này, bác sĩ Trần Quốc Khánh (khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã có những chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, gửi gắm những thông tin hữu ích về vấn đề y tế, sức khỏe đến bà con miền Trung đang chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trong bài viết của mình, bác sĩ Khánh đưa ra kiến thức về những loại bệnh mà bà con vùng lũ thường sẽ gặp phải khi nước rút, các phòng chống bệnh tật cũng như cách mà người dân cả nước có thể hỗ trợ, giúp đỡ bà con miền Trung về y tế.

Những chia sẻ rất hữu ích, ý nghĩa từ bác sĩ Khánh nhận nhiều ủng hộ cùng ý kiến tích cực từ cộng đồng mạng. Chúng tôi xin được trích dẫn bài viết của bác sĩ Khánh để lan truyền kiến thức, thông tin đến bà con và những người quan tâm.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh

1. Mùa lũ, bà con dễ mắc bệnh gì?

Trong và sau lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải, đặc biệt là chất thải bệnh viện, nhà vệ sinh, xác chết động vật... sẽ hòa vào dòng nước để phát tán khắp nơi và nguy cơ lây lan bệnh tật. Thực tế đã chứng minh rằng ở các vùng sau mưa lũ, bà con bị rất nhiều các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, bệnh ngoài da và bệnh đau mắt, thậm chí một số nơi => thành dịch => khó khăn chồng chất khó khăn.

- Bệnh đường ruột hay gặp nhất trong - sau mưa lũ chính là tiêu chảy cấp tính với nguyên nhân đầu bảng là vi khuẩn tả (Vibrio cholera), rồi đến nguyên nhân do vi khuẩn thương hàn, lỵ amip, lỵ Shigella, Rota virút...

- Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường => trôi vào dòng nước => chúng ta ngâm mình và chân tay lâu trong nước => vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể rồi gây bệnh.

- Bệnh đau mắt đỏ (Viêm kết mạc) do vi rút nhóm Adeno gây ra, thường do nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm cũng thường xuất hiện sau lũ lụt. Vi rút gây bệnh này có thể tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình tới 35 ngày. Con đường lây bệnh chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với gỉ mắt của bệnh nhân thông qua bàn tay hoặc các vật dụng trung gian như khăn mặt, chậu rửa, cốc chén, đồ chơi, chăn gối... chưa được vệ sinh sạch sẽ => mọi người dự phòng bằng nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hằng ngày, dùng khăn mặt riêng, không dụi mắt khi tay bẩn, khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm => người dân cần sử dụng kháng sinh tra mắt để chống nhiễm khuẩn như dung dịch Cloroxit 0,4%.

Người dân Quảng Bình phải lội nước nhiều ngày qua, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh sau lũ

2. 10 giải pháp phòng bệnh mùa mưa lũ

1. Vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt là ưu tiên số 1 với nguyên tắc "Nước rút đến đâu vệ sinh đến đó" và nguồn nước sinh hoạt ăn uống là quan trọng nhất.

2. Luôn ĂN CHÍN - UỐNG SÔI & mắc màn khi ngủ.

3. Luôn rửa tay, đặc biệt các kẽ ngón tay chân với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

4. Không ngâm mình dưới nước lũ thời gian lâu.

5. Đi vệ sinh vào nhà vệ sinh hoặc một khu lưu giữ nhất định có nắp đậy để tránh chúng phân tán ra môi trường.

6. Sớm thực hiện việc chôn xác chết động vật vào một khu vực xa dân cư và nguồn nước.

7. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước với phèn chua và clopheramine B theo hướng dẫn phía dưới.

8. Những ao tù, nước đọng quanh nhà cần được khơi thông và tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể - thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

9. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh như tiêu chảy, sốt, đau ngứa mắt... => cần đi khám ngay để tránh bệnh diễn biến nặng cũng như lây lan cho người khác.

10. Các trạm y tế cố gắng có đủ các loại thuốc thiết yếu cho bà con vùng lũ giúp người dân phòng tránh bệnh đường ruột, bệnh ngoài da và bệnh đau mắt. Nếu thiếu => cần đề xuất/kêu gọi ngay để chính quyền - các mạnh thường quân được biết và hỗ trợ kịp thời.

Người dân Quảng Bình giặt quần áo bên sông, nơi nguồn nước đã có nguy cơ ô nhiễm

3. Cách làm sạch nguồn nước vùng lũ lụt

Theo hướng dẫn của Cục quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

- Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

- Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cốt tông để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Lưu ý: Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Nước rút, nhiều khu vực tồn đọng rác thải khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

a) Khử trùng nước bằng hóa chất:

- Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

- Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Cách khử trùng:

- Viên Cloramine B 0,25g:

Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.

- Viên Aquatab 67mg:

Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20 lít nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

- Khử trùng bằng hóa chất bột: Thường được sử dụng khử trùng lượng nước cấp lớn. Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramine hoạt tính trong l lít nước.

Đối với bột Cloramine B 27%, để khử trùng khoảng 300 lít nước cần tiến hành như sau: Hòa tan 3g bột Cloramine B 27% (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa 300 lít nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.

Lưu ý:

- Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được.

- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo.

- Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

- Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.

Người đàn ông di chuyển giữa dòng nước lũ, rác thải nổi lềnh bềnh

b) Đun sôi nước

- Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi.

- Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

- Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

c) Sử dụng các thiết bị lọc nước

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng… Hiện nay, có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước.

Lưu ý: Nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Nhiều khu vực rác ứ đọng lại từng đống, người dân chèo thuyền đi nhận hàng cứu trợ phải rất vất vả mới đi qua được

4. Những giải pháp giúp đỡ miền Trung

Sau khi đưa các thông tin, kiến thức về phương pháp phòng chống bệnh tật tại vùng ảnh hưởng do mưa lũ, bác sĩ Trần Quốc Khánh tiếp tục chia sẻ những ý kiến cá nhân về giải pháp để người dân cả nước chung tay giúp đỡ bà con miền Trung, đặc biệt trong vấn đề y tế:

- Mỗi người, mỗi tổ chức đoàn thể sẽ lựa chọn cho mình một cách riêng để giúp đỡ bà con miền Trung, dù cách nào đi nữa thì những hành động đó đều vô cùng nhân văn và đáng quý. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", phải không anh chị?

- Việc cứu trợ - giúp đỡ bà con vùng lũ có thể tạm chia thành 4 giai đoạn, và mọi người có thể lựa chọn cho mình giải pháp phù hợp nhất:

• Giai đoạn trước mắt: Như cứu người trên nóc nhà, cứu gia súc gia cầm, cung cấp đồ ăn nước uống cho bà con vùng bị cô lập…=> việc này thường sẽ được thực hiện bởi chính quyền địa phương và bà con ở ngay vùng lân cận (Do nước xa khó cứu được lửa gần).

• Giai đoạn ngắn hạn: Hỗ trợ áo quần - sách vở - bàn ghế cho trẻ sớm trở lại trường học, cung cấp dược phẩm để xử lý môi trường và dự phòng - chữa bệnh mùa lũ, sửa chữa trang thiết bị - máy móc, nhà cửa... để mọi người có chỗ ăn ở, đi lại, canh tác lao động…

• Giai đoạn lâu dài: Hỗ trợ con giống, cây trồng, vốn… để bà con tái làm ăn kinh tế.

• Giai đoạn dự phòng: cần sự phối hợp của nhiều tổ chức đoàn thể và chính quyền sở tại như dạy bơi cho tất cả trẻ em vùng dễ bị lũ ngập, trang bị cho mỗi gia đình áo phao - can nhựa dự phòng trong mỗi nhà dân, thuyền ca-nô cho từng thôn xóm cũng như một hộp "Không thấm nước" để mọi người cất giữ giấy tờ quan trọng, làm nhà phao chống lũ, trồng rừng thượng nguồn, kiểm soát việc làm thuỷ điện…

Rác chất đống trước cửa nhà, chị Liên (32 tuổi) dọn dẹp gần một giờ đồng hồ nhưng sau đó rác lại từ đâu trôi đến

- Tại thời điểm này, nếu các đoàn có dự định vào miền Trung, xin hãy lưu tâm những vật dụng sau giúp bác sĩ:

1. Nước muối sinh lý nhỏ mắt, kháng sinh nhỏ mắt, kháng sinh mỡ bôi ngoài da, viên multivitamin để nâng cao sức đề kháng...(nên tham khảo dược sĩ và bác sĩ bạn quen nhé).

2. Hoá chất xửu lý nước ô nhiễm như phèn chua, Cloramine B, viên Aquatabs (Cách xử lý nước bác sĩ đã viết ở trên)

3. Xà bông sát khuẩn, xà phòng giặt, nước rẻ chén bát.

4. Gạo, nước mắm, muối, cá khô và nước suối đóng chai.

5. Quần áo, chăn ấm, giầy dép và băng vệ sinh cho chị em phụ nữ.

6. Nến, bật lửa, đèn pin, sạc điện thoại.

7. Áo phao, mũ bảo hộ, găng tay, áo mưa.

8. Sách vở cho các em sớm được đi học trở lại.

9. Bộ lọc hoặc tặng máy lọc nước cho trường học - thôn xóm (Tuyệt vời nhất).

10. Tiền mặt để bà con chủ động mua sắm những vật dụng cần kíp nhất.

11. Và điều rất quan trọng bác sĩ mong muốn được chia sẻ đó chính là việc trước khi đoàn thiện nguyện vào miền Trung hỗ trợ nên tìm hiểu và liên hệ trước với chính quyền/hoặc người quen sở tại để mọi việc được sắp xếp - phân bổ một cách hợp lý nhất.

Cục Y tế dự phòng hướng dẫn, sau mưa lũ, ngập lụt cần phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó

Cuối bài viết, bác sĩ Khánh mong muốn đây sẽ là thông tin cần thiết đối với bà con miền Trung cũng như những đoàn thiện nguyện đang và sẽ có hoạt động hỗ trợ tại miền Trung. Hiện bài viết của bác sĩ Khánh đang được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, lan tỏa thông điệp và kiến thức hữu ích, chung tay giúp đỡ miền Trung vượt qua khó khăn.

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bac-si-benh-vien-viet-duc-gui-gam-thong-tin-suc-khoe-den-ba-con-mien-trung-nhan-manh-cac-loai-benh-de-mac-va-cach-cong-dong-chung-tay-giup-do-hieu-qua-162202610171356962.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU