Cạo trọc đầu để bé cai hẳn được thói quen nhổ tóc
Đó là một ca bệnh khó được bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM chia sẻ. BS Hiển cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho một bé gái học lớp 9, ở TPHCM. Bé đến gặp bác sĩ mà vẫn đội nón.
Mẹ bé cho biết phát hiện cháu hay nhổ tóc từ 2 năm trước, gia đình ngăn cấm cách nào cũng không được kể cả đánh. Bé ý thức được nhổ tóc sẽ làm mình xấu đi và rất mắc cỡ nên luôn đội nói để che đi phần tóc bị sói. Nhưng không hiểu vì sao, cô bé vẫn không thể cưỡng lại được cảm giác khoan khoái khi kéo căng và nhổ từng cọng tóc.
Nghiện cảm giác khoan khoái khi kéo căng và nhổ tóc được xem là chứng bệnh tâm thần (ảnh minh họa) |
Sau 3 tuần điều trị không thuyên giảm, bác sĩ đã đề nghị bà mẹ cho cạo trọc đầu bệnh nhân và duy trì trong 1 năm, nếu cần thì tạm cho bé nghỉ học. Bà mẹ vô cùng sửng sốt, nhưng sau đó bình tĩnh khi nghe bác sĩ giải thích rằng thà chấp nhận cạo trọc liên tục trong 1 năm. Tóc cạo còn mọc ra được nhưng nếu cháu tiếp tục nhổ tóc như vậy thì sau này trước sau gì đầu cháu cũng càng ngày càng sói và tật nhổ tóc không cai được. Cạo trọc để bé không thể nhổ tóc, qua đó mất cảm giác khoan khoái khi bứt từng cọng tóc. Một thời gian dài cháu sẽ cai hẳn được thói quen này.
Nghiện nhổ tóc có khi còn khó từ bỏ hơn nghiện ma túy
Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, nghiện nhổ tóc là hành vi tương tự như nghiện cờ bạc, thuộc nhóm nghiện phi vật chất có khi còn khó từ bỏ hơn nghiện ma túy.
Theo các chuyên gia, chứng nghiện nhổ tóc hay còn gọi là bệnh Trichotillomania. Đây thực chất là căn bệnh tâm thần nghiêm trọng. Trichotillomania là một dạng rối loạn đặc trưng bởi sự thôi thúc không thể kiềm chế được phải kéo đứt lông, tóc trên cơ thể mới thấy dễ chịu. Vì vậy, nó cũng được xếp vào dạng bệnh nghiện và tiến triển liên tục.
Tỉ lệ lưu hành tật nhổ tóc dao động trong khoảng 0,6-13%. Tật nhổ tóc này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, tuổi thanh thiếu niên, nữ giới mắc nhiều hơn nam. Nhiều trẻ em mắc chứng nhổ tóc này nhưng lành tính nên tự khỏi. Tuổi khởi phát trung bình từ 9-13, gặp nhiều ở những người hay lo âu và dễ xúc động.
Khi đến cữ, người bệnh thường xoắn tóc vào ngón tay rồi nhổ cho được hoặc chà xát cho đến khi làm đứt sợi tóc đó. Họ có thể nhổ tóc ở bất kỳ vị trí nào tay với tới được, thường là tóc vùng trán, thái dương. Có người còn nhổ cả lông mi, lông mày như một “thú vui tao nhã”.
Theo các bác sĩ, tật nhổ tóc không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây chứng viêm nhiễm da và rối loạn cấp tính, làm cho người bệnh cảm thấy xấu hổ về hình thức, ngại tiếp xúc và dẫn đến xa lánh cộng đồng và thậm chí là làm tăng tỷ lệ tự sát.
Do vậy, với những trẻ có biểu hiện nhẹ, cha mẹ nên đánh lạc hướng sự tập trung của trẻ khi nhổ tóc. Chẳng hạn như cho trẻ chơi trò chơi, kể chuyện vui hay đưa đi chơi. Đồng thời, cha mẹ phải chấp nhận cũng như hỗ trợ hơn là có thái độ phê phán hoặc trừng phạt. Có nhiều trường hợp khỏi bệnh một cách tự nhiên. Những trường hợp không tự cai được, có tổn thương lan rộng hoặc hành vi đó kéo dài. Với các trường hợp này bác sĩ khuyên gia đình nên đưa bé đến gặp bác sĩ tâm thần để có biện pháp điều trị.