Theo ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 1/2019 đã có 65 ca sởi nhập viện, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Dự báo, con số sẽ không dừng lại ở đó. Tại phía nam, BV Nhi đồng 2 cũng đang điều trị cho 61 ca mắc sởi, trong đó có 5 ca đang phải thở ôxy vì biến chứng nặng. Hầu hết các ca bệnh đều là trẻ em hoặc phụ nữ đang mang thai nhưng chưa tiêm ngừa vacxin.
Với những con số này các bác sĩ đặt ra lo ngại có thể dịch sởi sẽ bùng phát. Thực tế từ những ngày đầu năm 2019, số ca bệnh đã tăng cao. Hầu hết các bệnh nhân đều có chung triệu chứng ho, sốt cao tiếp đó là xuất hiện các nốt phát ban trên mặt và người. Kết quả xét nghiệm đều cho thấy các chị đã bị lây sởi.
Xuất hiện nhiều thai phụ bị sởi ở Hà Nội |
Thai phụ bị mắc sởi hầu hết đều xuất phát từ tâm lý chủ quan nghĩ rằng mình đã từng bị thì sẽ không bị lại. Cũng có người lại nghĩ rằng đây là bệnh của trẻ con nên không tiến hành tiêm phòng.
Trong khi đó sởi chính là nguyên nhân thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, viêm gan, viêm não… Phụ nữ mang thai nhiễm sởi có nguy cơ sảy thai, đẻ non thậm chí là dị tật thai nhi. Quá trình điều trị sởi của người đang mang thai cũng phức tạp hơn người bình thường, theo các bác sĩ người bệnh không cần phải kiêng tắm rửa vì như thế sẽ có nguy cơ bị bội nhiễm, nhiễm trùng rất nguy hiểm tới tính mạng. Cần bổ sung ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng giúp nhanh khỏi bệnh hơn.
Những chị em đang mang thai cần lưu ý nếu xuất hiện tình trạng sốt cao , phát ban ở các vị trí sau tai, sau gáy, mặt, cổ, ngực, tay chân; Bệnh nhân có kèm theo có dấu hiệu viêm long như ho, chảy nước mắt, nước mũi thì cần tiến hành xét nghiệm thăm khám để có được những điều trị hợp lý tránh bệnh tiến triển nặng, khó khắc phục.
Theo sohuutritue.net.vn