Bé bao nhiêu tuổi thì phù hợp để học bơi?

(lamchame.vn) - Cho bé học bơi khi nào thì tốt nhất là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Có người cho rằng độ tuổi thích hợp có thể từ 0 - 1 tuổi, có người thì cho rằng nên cho con học bơi lúc 5-6 tuổi. Vậy chính xác thì độ tuổi nào là thích hợp nhất cho con tập bơi?

Tìm hiểu việc bé học bơi ở nhiều nước khác thì bạn sẽ thấy họ cho con học bơi lúc mới lọt lòng mẹ, khi mới chỉ từ 7-10 ngày tuổi. Bạn sẽ thấy các bé bơi thật mềm mại, uyển chuyển, mắt mở to, miệng cười tươi, sảng khoái mà không hề lo bị sặc nước. Nhưng việc bơi của Trẻ sơ sinh ở đây là một kiểu bơi đặc thù mang tính bản năng được di truyền từ động vật có vú. Việc của chúng ta là kích hoạt và duy trì những phản xạ bơi lội này mà thôi.

Khi còn ở trong bụng mẹ trẻ đã sống trong môi trường nước. Khi ra đời, Trẻ sơ sinh vẫn ưa nước và phản xạ bơi lội vẫn tồn tại và tiềm ẩn tới 18 tháng tuổi. Nếu không kích hoạt trở lại thì bản năng quý báu trên sẽ hoàn toàn mất hẳn, khiến trẻ từ ưa nước sẽ trở nên sợ nước.



Trẻ dưới 18 tháng tuổi vẫn tồn tại phản xạ bơi lội tự nhiên

Có ý kiến cho rằng "thời điểm vàng" để dạy bơi là khi trẻ dưới 18 tháng tuổi. Ở nước ngoài, nhất là những nước phát triển, việc cho Trẻ sơ sinh học bơi đã phổ biến từ lâu.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, cha mẹ không nhất thiết phải đưa con đi học bơi, mà chỉ cần kích hoạt 2 phản xạ bẩm sinh bơi lội quan trọng của trẻ là nín thở và quẫy đạp bằng cách thức đơn giản tại nhà. Khi tắm cho trẻ, bố mẹ nhỏ nước từ từ lên đầu, lên mặt, tiếp đó tiến tới tắm sen, tắm trong bồn, thùng, chậu to… để phần đầu – phần quan trọng nhất – được tiếp xúc với nước, để trẻ quen không sợ bị nước rớt vào mặt, mắt.

Vậy độ tuổi nào thích hợp cho trẻ học bơi

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kì (AAP), trẻ em không nên học bơi trước 4 tuổi vì không đủ các kĩ năng cần thiết. Bởi vậy, cha mẹ có thể cho trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở lên làm quen với nước, sau đó bắt đầu học bơi.




Các lứa tuổi khác nhau có sự phát triển trí óc và thể chất khác nhau nên việc học bơi ở từng lứa tuổi cũng khác.

Ở lứa tuổi mẫu giáo, trí óc và thể chất của trẻ đã phát triển hơn so với Trẻ sơ sinh. Các bé có thể sợ nước hoặc quá hiếu động, khó tập trung để học những gì được dạy. Ở các bé mẫu giáo, trí óc phát triển lại chưa đủ để các bé có thể điều khiển hành vi cơ thể làm theo những điều giáo viên muốn. Bởi vậy, nếu được dạy, kiểu bơi mà trẻ mẫu giáo nên học là bơi tự cứu, bơi chó chìm đầu trong nước, thả nổi… như Trẻ sơ sinh, chứ không phải là học bơi ếch và bơi sải.

Tới tiểu học thì việc học bơi của trẻ đã dễ hơn nhiều. Thể chất và trí óc đã đủ để trẻ học bơi ếch, bơi sải… Tuy nhiên, cha mẹ cần kiên nhẫn để trẻ học dần dần từng kĩ năng. Để trẻ thành thạo những kiểu bơi khá khó này có thể mất thời gian từ 5 - 20 buổi.

Phần lớn các giáo viên dạy bơi cho rằng, dạy trẻ học bơi từ 6 tuổi là thích hợp nhất, lúc này trẻ đã có ý thức và tiếp thu được bài học, làm theo được các động tác của giáo viên.

Trung bình dạy trẻ học bơi từ 6 tuổi sẽ mất khoảng 3-5 tháng là trẻ sẽ biết bơi thạo. Khi trẻ thuần thục các động tác thì mới học các kiểu bơi khác.

Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem đây có phải là hoạt động phù hợp với điều kiện sức khỏe của con hay không. Bé bị các bệnh về da hoặc bệnh lây nhiễm không nên đi bơi để tránh ảnh hưởng đến người khác đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh của mình.

Những vật dụng cần chuẩn bị khi cho bé đi bơi:

Quần áo bơi vừa vặn, mũ, kính bơi, nút bịt lỗ tai, kem chống nắng (do da trẻ con nhạy cảm nên bạn cần lưu ý chọn mua đúng loại kem dành cho trẻ nhỏ, với các thành phần tự nhiên, nếu bé tập bơi trong nhà thì không cần mua kem chống nắng)…
Hạn chế để con đi bơi trong khoảng thời gian nắng gắt. Nếu có thể bố mẹ cũng mua luôn một bể bơi cho bé để bé làm quen với môi trường nhiều nước ngay từ ở nhà để bé nhanh thích nghi khi đến bể bơi.

Những yếu tố đảm bảo an toàn khi cho bé bơi
- Yếu tố an toàn của bể bơi: Bố mẹ nên đưa con đến những bể bơi có xác nhận Vệ sinh và An toàn hoạt động, có công khai rõ ràng thông tin về trình độ và kỹ năng của các huấn luyện viên. Bố mẹ cũng nên đến thăm quan cơ sở vật chất, ghi nhận những thông tin cần thiết, quan sát thái độ của huấn luyện viên, nhân viên, thái độ của các bé khác… trước khi đăng ký lớp cho con mình.

- Lớp học: Đối với lớp dạy bơi dành cho các bé nhỏ, một huấn luyện viên chỉ nên dạy cho khoảng bốn bé, với lớp dành cho các bé lớn hơn cũng không nên quá sáu bé một lớp.

- Đối với các bậc phụ huynh cần: Tìm hiểu, nắm rõ và dạy con những nguyên tắc an toàn cơ bản như không được chạy nhảy ở gần hồ bơi, không xuống nước hoặc lại gần hồ bơi khi không có người lớn đi kèm…bố mẹ cũng nên học các biện pháp sơ cấp cứu cơ bản.

Trong khi bơi Luôn để mắt canh chừng bé, kể cả khi có huấn luyện viên và nhân viên cứu hộ ở đó.

- Các nhân viên cứu hộ phải trông chừng rất nhiều người cùng một lúc nên bạn không thể mong họ không rời mắt khỏi con bạn. Một đứa trẻ dưới 5 tuổi dù bơi giỏi đến đâu cũng vẫn luôn phải ở trong tầm tay với của người lớn.
- Sử dụng phao bơi tạo cảm giác an toàn gỉa cho bé khi bơi
- Tuyệt đối bố mẹ không cưỡng ép đem con xuống nước. Những đứa trẻ dưới 3 tuổi có thể sẽ bị sặc nước, không chỉ gây nguy hiểm mà còn gây ra những ấn tượng không hay và làm trẻ càng sợ nước, sợ bơi. Trong quá trình tập bơi không nên cho bé dùng phao như vậy sẽ tạo ra cảm giác an toàn giả tạo và rất dễ lơ đãng, bất cẩn.
- Sau khi bơi bố mẹ cần cho bé tắm gội lại sạch sẽ, vệ sinh và nhỏ thuốc mắt, mũi, tai. Trong trường hợp có bất cứ điều gì bất thường như viêm tai, đau mắt… bạn hãy tạm ngưng cho bé đến hồ bơi, thay vào đó là đến khám bác sĩ để điều trị khỏi mới được đi bơi tiếp.

Lời khuyên dành cho bố mẹ

- Không cần phải kiêng nước cho bé quá kỹ như sợ nước rơi vào mắt, lọt vào tai...như vậy vô tình sẽ tạo ra cho trẻ thói quen sợ nước và học bơi sẽ khó khăn hơn.
- Trong quá trình bé tắm nên cho con chơi đồ chơi cho bé dành riêng cho tắm gội, bé sẽ nhanh thích nghi với môi trường nước và thích nước hơn, sẽ tạo ra cảm giác an toàn khi bé được xuống nước.
- Nên cho bé làm quen với môi trường nhiều nước trước khi tập bơi Để giúp trẻ không hoảng loạn khi rơi xuống nước, cha mẹ nên tập luêỵ cho bé các động tác như: xả nước lên đầu, mặt, tai, miệng để bé cảm nhận được nước bắn vào mặt, mắt như vậy bé sẽ không bị giật mình.
- Cho bé tắm trong bồn nhiều nước để bé cảm nhận được sự nổi của cơ thể và khi ra bể bơi bé sẽ nhanh thích nghi hơn.
- Hãy tập luyện cho con ngay trên cạn, mọi lúc, mọi nơi để bé vượt qua nỗi sợ nước và tập bơi nhanh chóng dễ dàng.

Theo Tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU