Bé gái bị liệt khi chơi cùng bố: Những trò chơi 'chết người' hầu như cha mẹ nào cũng làm với trẻ

Những trò chơi tưởng chừng khiến trẻ vui cười, sung sướng nhưng lại tiềm ẩn nguy hiểm tai hại, có thể khiến trẻ bại não, bị liệt, thậm chí là tử vong...-

Hồi tháng 4 vừa qua, trường hợp bé Phi Phi 2 tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc gặp nạn trong lúc chơi đùa cùng bố là bài học cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ nên thận trọng khi chơi cùng trẻ.

Theo đó, bố của Phi Phi tình cờ xem được một đoạn video tương tác với trẻ nhỏ khá vui nhộn trên mạng xã hội. Sau đó, bố đã thử trò chơi này với con gái của mình. Tuy nhiên, bi kịch xảy đến khi bố cô bé thực hiện động tác trò chơi không thành công, em lộn ngược 180 độ và bị ngã xuống đất.

Mặc dù gia đình kịp thời đưa Phi Phi đến bệnh viện nhưng cô bé được chẩn đoán ảnh hưởng tủy sống nghiêm trọng, em có thể bị liệt và mãi mãi không thể hoạt động được.

Làm cha mẹ, hầu như ai cũng muốn con mình được vui vẻ trong sự quan tâm, đùm bọc của gia đình. Với các bậc phụ huynh, việc chơi đùa mỗi ngày cũng là cách lưu giữ tuổi thơ của những đứa trẻ. Vừa tạo thời gian thư giãn lại thêm sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh khoảnh khắc vui vẻ ấy, không ít lần trẻ gặp nạn dẫn tới chấn thương thậm chí nguy hiểm tới tính mạng vì những trò đùa của người lớn.

Dưới đây là những trò chơi nguy hiểm cha mẹ cần bỏ ngay:

Chơi trò tung con lên cao

Chơi trò tung trẻ lên cao là một trò chơi có nhiều ông bố bà mẹ đã làm đối với trẻ nhỏ. Khi làm vậy các bé đều cười rất tươi và tỏ ra vô cùng thích thú.Tuy nhiên, đây là một trò chơi được khuyến cáo là rất nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Khi ném trẻ lên cao, mặc dù trọng lượng của trẻ tương đối nhẹ nhưng nếu chẳng may bạn sẩy tay thì những thương tật gây ra cho trẻ thật khó mà tưởng tượng. Đã có trường hợp trẻ bị chấn thương não hoặc nguy hiểm hơn là bị tử vong.

Nếu bạn có đỡ trúng em bé thì trọng lực của trẻ tác động vào đôi tay người lớn cũng dễ khiến bạn bị bong gân tay hay trật khớp. Đó là còn chưa kể tới trường hợp đôi tay của người lớn có thể chọc vào mắt hay các bộ phận khác trên cơ thể gây tổn thương cho trẻ.

Kiệu trẻ trên vai

Những ông bố thường rất thích kiệu con trên vai cho bé thử cảm giác như bay trên không trung. Thế nhưng việc làm này rất dễ gặp sự cố khiến trẻ nhỏ rơi xuống, hoặc trường hợp em bé quá nặng sẽ làm người lớn tổn thương phần xương gáy, xương vai.

Cha mẹ hãy nhớ, không áp dụng trò chơi với trẻ đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi vì bé quá nhỏ không thể nào bám chặt. Ngược lại, với trẻ lớn hơn rất dễ nghịch ngợm hiếu động nhún nhảy gây nguy hiểm.

Trò tung đồ ăn vào miệng trẻ

Có nhiều trẻ biếng ăn nên các ông bố, bà mẹ lại dùng cách dụ bé cười rồi thả đồ ăn vào miệng trẻ. Thực sự đây là hành động gây nguy hiểm tới tính mạng cho bé. Đo khi trẻ cười mà đồ ăn vào miệng, trẻ sẽ phản ứng đột ngột là hít vào để lấy không khí nên dễ bị nghẹn, sặc. Chính vì thế, người lớn tuyệt đối không nên cho trẻ ăn khi đang khóc hoặc đang cười.

Trò cù nôn trẻ

Các ông bố, bà mẹ phải nhớ trò cù nôn bé thực sự rất hại. Nếu để bé cười quá nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng trẻ bị ngạt thở do thiếu oxy. Cười to do bị cù làm cho áp lực trong bụng trẻ tăng cao, không có lợi ích cho sức khỏe.

"Nhổ củ cải"

Trò chơi “nhổ củ cải” được mô phỏng bằng cách bé ngồi xuống giơ hai tay qua đầu, sau đó người lớn sẽ kéo tay nhấc khỏi mặt đất. Đây cũng là hành động gây nguy hiểm cho trẻ bởi hệ thống xương còn non yếu, chưa phát triển toàn diện.

Không ít người lớn cho rằng kéo hai tay bé để chân rời mặt đất sẽ không có nguy hiểm gì, thậm chí còn cho rằng làm vậy có thể "đốt cháy giai đoạn" khiến bé cao lên nhanh chóng.

Thực tế, việc đột ngột lôi kéo trẻ có nguy cơ bị bong gân, trật khớp hoặc gãy tay. Nghiêm trọng hơn là bại liệt, tổn thương xương cột sống, ảnh hưởng tới dây thần kinh tại xương cổ dẫn tới bại liệt.

Trước đó, tại Trung Quốc từng có trường hợp bé trai tên Lượng 10 tuổi gặp nạn khi cùng chú chơi trò “nhổ củ cải”. Trong lúc vui vẻ bé đột nhiên khóc to không ngớt và nói rằng cổ rất đau. Sau khi tới bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán Lượng bị tổn thương đốt sống gáy, rất có thể những tháng ngày sau em sẽ phải sống gắn liền với xe lăn.

Theo emdep.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU