Bé trai 3 tháng tuổi nổi hạch tấy đỏ vì tiêm phòng lao

Mới đây một bà mẹ đã đăng thông tin cầu cứu kinh nghiệm của những người mẹ khác vì con bị nổi hạch phản ứng do tiêm phòng lao.

Theo người mẹ này, cậu con trai mới 3 tháng tuổi sau khi tiêm phòng lao đã phải phản ứng nổi hạch to, hạch đỏ và cứng. Đưa con vào viện khám, người mẹ được các bác sĩ khuyên nên làm phẫu thuật bóc tách, nhưng vì con còn quá nhỏ, nên người mẹ này rất lăn tăn về việc cho bé làm phẫu thuật, vì sẽ phải gây mê và dùng kháng sinh. Nhưng nếu để hạch tự vỡ thì dễ bị bội nhiễm. Quá băn khoăn nên người mẹ đã lên tiếng cầu cứu kinh nghiệm của những bà mẹ khác.

Bài đăng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bà mẹ, bởi tiêm phòng lao là mũi tiêm không thể bỏ qua ở trẻ. Tình trạng nổi hạch sau tiêm cũng rất dễ gặp và có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách. Bên dưới bài viết, rất nhiều người đã để lại lời khuyên cho bà mẹ này.

Theo nickname Mỹ Bình: “Nên cho bé phẫu thuật. Bác sĩ sẽ bóc tách hết nhân hạch. Trẻ con ngưỡng chịu đau cao, hơn nữa vết mổ rất nhanh lành. Con không quấy khóc. Mẹ đỡ vất vả. Con mình cũng phẫu thuật, mất khoảng 1 tuần nằm viện nhưng hoàn toàn yên tâm. Sau mổ 1 ngày con đã có thể chơi đùa như bình thường. Để lâu hạch sẽ tự vỡ. Nếu không kiêng kị tốt sẽ bị bội nhiễm. Vẫn phải dùng kháng sinh. Nhân hạch nếu vẫn còn cứ đùn dần lên hết ngày này qua ngày khác. Con đau còn mẹ thì mệt mỏi, chưa kể đến nguy cơ nhiễm trùng, bạn nên cân nhắc.”

Hạch phản ứng có thể sưng to, tấy đỏ 

Nickme Bùi Quế Hương lại đưa ra một lời khuyên khác: “Con mình hồi 4 tháng tuổi cũng bị như này, to bằng quả chanh, rỉ mủ dai dẳng mấy tháng trời, mình thấy vỡ ra nặn cho con thấy có nhân như bã đậu, con đau lắm khóc quá trời. Thương con lắm, mình dại dột tự ý cho con uống kháng sinh, ông cũng từng là y sĩ cứ đòi rạch ra lấy hết nhân ra nhưng mình không đồng ý. Con cứ tưởng lành hẳn xong lại rỉ mủ, ngày nào cũng phải vệ sinh bằng cồn đỏ, khổ nhất là mùa đông mặc kín quá có hôm còn bốc mùi. Thấy con không quấy khóc nên mình cũng không đưa đi khám vì nhiều người bảo không sao đâu sẽ tự khỏi. Đến khi con được 6 tháng mình đưa con đi khám ở Viện Nhi Trung ương, bác sĩ bảo không lo đâu rồi kê đơn thuốc uống và thuốc rắc. Mỗi ngày mình rắc cho con 2 đợt là lành, nhưng vẫn còn cục nhỏ dưới da. Vài tháng sau thì cục đó tự biến mất lúc nào mình không biết nữa. Bác sĩ bảo không cần thiết phải mổ vì mổ rất phức tạp, nách cho nhiều dây thần kinh. Không được tự ý nặn hay cho con uống thuốc. Mổ không phải là cách tốt nhất đâu, bạn đừng lo lắng quá nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để chữa trị cho bé.”

Hạch phản ứng sau tiêm phòng lao có nguy hiểm không?

Sau sinh, trẻ cần được tiêm ngừa vắc xin phòng lao tại vùng bắp tay trái. Hầu hết trẻ không gặp phải phản ứng phụ đáng lo nào. Tuy nhiên, một số ít trẻ vẫn có thể gặp phải biến chứng, trong đó có hai biến chứng cần lưu ý là:

- Viêm loét tại chỗ tiêm kéo dài 4 - 6 tháng, chiếm tỉ lệ 0,63%. Loét tự lành dần nếu không có bội nhiễm.

- Sưng hạch dưới nách trái, chiếm tỉ lệ 0,6-1,33%. Hạch xuất hiện sau khi trẻ tiêm vắc xin BCG từ 2 tháng đến 1 tuổi. Sự phát hiện này do tình cờ bà mẹ tắm cho con. Lúc đầu hạch nhỏ, sau đó to dần. Hạch biểu hiện hai hình thức:

+ Một, hai hoặc ba hạch dính lại với nhau, không đỏ, không đau và không sốt. Sờ vào có cảm giác cứng và chắc.

+ Hạch viêm tấy đỏ, nếu để lâu ngày hạch có thể vỡ và rò mủ.

Hạch phản ứng sau tiêm phòng lao là tình trạng không hiếm gặp (Ánh: Internet)

Khi thấy trẻ bị nổi hạch, các bà mẹ thường rất lo sợ. Tuy nhiên, hạch này không phải là hạch lao mà chỉ là hạch phản ứng sau tiêm chủng. Hạch này nếu được xử lý đúng cách thường không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng nếu tự ý chích, hút hay dùng các loại thuốc không có chỉ dẫn của bác sĩ, để hạch tự vỡ mà không được vệ sinh đúng cách dễ dẫn tới bội nhiễm, nhiễm trùng, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Trả lời trên báo chí, BS. Đinh Thị Thu Hương (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết: "Biến chứng hay gặp sau tiêm vắc xin BCG là nổi hạch (hay còn gọi là viêm hạch lympho – viêm hạch mủ), tỷ lệ dưới 1%. Ở những trường hợp này, một hạch sẽ nổi lên ở nách trái trong 1 hay vài tháng, vì thường tiêm ở vai trái hoặc ở hố trên đòn. Hạch này mềm, di động, tiến triển chậm, sau đó vỡ, có thể rò kéo dài trong vài tháng rồi lành tự nhiên. Một số hạch to bác sỹ có chỉ định dùng thuốc kháng viêm, hoặc chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hạch (vì hạch không thể teo nhỏ lại). Đối với hạch mủ, thì phải rạch tháo mủ rồi rắc bột INH tại chỗ."

Điều trị hạch phản ứng sau tiêm BCG như thế nào?

- Điều trị bằng kháng sinh: Một vài kháng sinh như (Erythromycin) và thuốc kháng lao (isoniazid, rifampicin) đã được sử dụng cho thấy thuốc không thể dự phòng viêm hạch mủ, không làm rút ngắn thời gian lành bệnh. Kháng sinh được chỉ định điều trị viêm hạch mủ do  bội nhiễm vi khuẩn sinh mủ thông thường như tụ cầu vàng, liên cầu… hoặc điều trị phối hợp với phẫu thuật

- Chọc hút bằng kim: Dùng bơm tiêm gắn kim đưa kim qua da vào vùng tổn thương, hút với áp lực âm để các tế bào từ mô hạch đi vào trong kim. Phương pháp này có thể dự phòng biến chứng này và rút ngắn thời gian lành bệnh, ngoài ra nó còn cung cấp thêm thông tin để chẩn đoán bệnh.

- Phẫu thuật cắt bỏ hạch: đây là phương pháp cuối cùng để lấy hạch một cách hiệu quả, trọn vẹn, mau lành bệnh. Tuy nhiên bệnh nhi phải chịu nguy cơ của cuộc phẫu thuật và nguy cơ của cuộc gây mê. Thường thực hiện ở trẻ lớn, nhiều hạch tạo thành cụm, thất bại với phương pháp chọc hút bằng kim.

Hạch phản ứng sau tiêm phòng lao dù không nguy hiểm, nhưng nếu không xử lý đúng gây bội nhiễm sẽ rất có hại. Do đó, trường hợp trẻ gặp phải biến chứng này, tốt nhất phụ huynh nên đưa con đi khám tại bệnh viện để bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp nhất.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU