Bé trai suýt mất mạng vì hóc đầu chiếc kèn nhựa

(lamchame.vn) - Bé trai 6 tuổi bị hóc dị vật đường thở là một bộ phận của chiếc kèn nhựa được mua trên thị trường. Rất may là bệnh nhi được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh nhi là bé trai 6 tuổi (ngụ tỉnh Đồng Nai) bị mắc dị vật là đầu chiếc kèn nhựa được mua trên thị trường.

Khi mắc dị vật, bé bị sặc sụa, tím tái nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Định Quán (Đồng Nai), sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng tím tái, thở mệt. Tại khoa Cấp cứu, vừa đặt lên giường thì bé không thở được, tim rời rạc. Các bác sĩ xử lý tim đập lại, cơ thể hồng hơn. Nhưng chỉ vài phút sau thì bé tím tái trở lại, bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản. Sau khi cấp cứu thì tim bệnh nhi có nhịp trở lại.

Rất may là bệnh nhi được đưa đến bệnh viện kịp thời, chỉ cần đến chậm chừng 5 phút là sẽ khó giữ được tính mạng

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chuyển lên khoa Tai Mũi Họng để nội soi gắp dị vật ra. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, việc đặt nội khí quản cũng đã giúp đẩy được dị vật qua một bên phổi. Các bác sĩ sau đó đã tiến hành nội soi gắp dị vật nằm trong khí quản cho bệnh nhi. Đến ngày 18/1 thì bé đã tự thở, nói được, tự ngồi dậy để chơi.

Theo bác sĩ, rất may là bệnh nhi được đưa đến bệnh viện kịp thời, chỉ cần đến chậm chừng 5 phút là sẽ khó giữ được tính mạng.

Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên cho trẻ chơi đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, không ép trẻ ăn uống vì khi trẻ khóc thì rất dễ dẫn đến hóc dị vật đường thở.

Bác sỹ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không ép trẻ ăn uống vì khi trẻ khóc thì rất dễ dẫn đến hóc dị vật đường thở.

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Khi trẻ có dị vật đường thở thì sẽ có các triệu chứng đột ngột ho tím tái, khó thở. Trong tình huống này, nếu trẻ còn tự thở được, hồng hào thì nên đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất. Còn nếu trẻ tím tái thì cần phải vỗ lưng, ấn ngực, hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Sau đó đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám, kiểm tra đường hô hấp.

Mỗi năm khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện nội soi kiểm tra dị vật đường thở khoảng 100 ca, trong đó có hơn 50 ca là có dị vật. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán thì có nhiều trẻ bị học dị vật là hạt dưa, bí, hạt hướng dương.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU