Bánh chưng vốn được làm từ 2 nguyên liệu chính là gạo nếp, đỗ xanh điểm thêm chút thịt lợn làm nhân. Chỉ có bấy nhiêu nhưng cũng đủ làm nên 1 phần hương vị đặc trưng của ngày Tết. Từ góc nhìn dinh dưỡng thì bánh chưng chưa nhiều tinh bột, là món ăn thách thức rất lớn với người tiểu đường. Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra 1 chiếc bánh chưng thông thường được làm từ 1,5 đến 2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh. Trong khi đó, gạo nếp là loại gạo có chỉ số đường huyết của thực phẩm nằm trong nhóm cao nhất (GI=85).
Hơn nữa, thời gian luộc bánh chưng từ 8-12 tiếng, khoảng thời gian tương đối dài so với việc chế biến các món ăn. Tinh bột càng được nấu kỹ, càng làm cho tốc độ tăng đường máu nhanh hơn khi ăn vào cơ thể . Vì vậy nhiều bệnh nhân tiểu đường sau khi ăn bánh chưng đã “ biết tay nhau “ ngay lập tức khi đường huyết lập tức tăng.
Người tiểu đường cần thận trọng khi ăn bánh chưng để không bị tăng đường huyết |
Vì thế các bác sĩ đã đưa ra cách ăn bánh chưng khoa học không làm đường huyết tăng cao dành cho những bệnh nhân tiểu đường và những người có nguy cơ mắc tiểu đường đó là hãy lựa chọn bánh chưng gói ít thịt mỡ. Mỗi lần ăn nên kiểm soát lượng bánh của mình, trong đó tối đa nhất chỉ nên ăn 150g bánh chưng / lần, tức là tương đương với 1/8 chiếc bánh. Mỗi lần ăn nên cách nhau 8 giờ đồng hồ. Trước khi ăn bánh chưng, nên ăn salat rau, canh rau, măng, dưa hành… để tăng cường chất xơ, giảm khả năng hấp thu đường từ ruột.
Nếu đã ăn bánh chưng thì bạn cũng nên có ý thức cắt bỏ bớt phần xôi (non nửa bát xôi), cơm, miến, hoa quả và các loại thức ăn chứa bột đường tương ứng để đảm bảo sự cân bằng. Nên ăn thêm nhiều rau xanh để đảm bảo tốt cho sức khỏe. Điều quan trọng là bạn cần đo đường huyết trước và sau khi ăn bánh chưng để điều chỉnh phần bánh cho lần ăn tiếp theo từ đó tìm ra liều lượng phù hợp nhất cho chính mình.
Theo sohuutritue.net.vn