Khi bám vào người, ấu trùng mò thường đốt trong 2 - 3 ngày, sau đó quay trở về mặt đất, trưởng thành và sinh sản ra thế hệ sau. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sốt mò sang người khác. Mò đỏ thường sinh sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Con người có thể bị mò nhiễm bệnh đốt khi sinh hoạt hoặc lao động ở khu vực có ổ dịch, đi qua vùng ven sông, ven suối, vào các hang đá, nằm nghỉ trên bãi cỏ...
Ở Việt Nam, bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 10, đây là những tháng mưa có độ ẩm cao, điều kiện để ấu trùng mò phát triển.
Bệnh sốt mò có thể gây biến chứng ở tim (nhịp nhanh, ngoại tâm thu, huyết áp thụt), viêm phổi cấp, gan to lách to (chỉ lấp ló bờ sườn, ít đau), viêm màng não…
Bệnh sốt mò có thể nhầm lẫn với bệnh gì?
Dấu hiệu ban đầu là sốt cao và một số triệu chứng khác có thể nhầm với các bệnh sốt thông thường, sốt xuất huyết dengue, sốt phát ban (sởi), bệnh sốt rét. Hoặc do mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, đi lại lảo đảo, ù tai, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều như trong bệnh sốt vàng da chảy máu. Có những trường hợp biểu hiện li bì, thờ thẫn, u ám như bệnh thương hàn. Thậm chí, bệnh dễ nhầm lẫn với viêm cầu thận cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu... Chẩn đoán cần dựa vào nốt loét điển hình và triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, chẩn đoán xác định cần phải làm kháng thể đặc hiệu trong máu.
ThS.BS Lê Thị Thu cho biết: Bệnh sốt mò nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp, có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng, trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong.
Hiện chưa có vaccine phòng sốt mò, do đó, để phòng bệnh, ThS.BS Lê Thị Thu khuyến cáo: Những người sống trong vùng có bệnh sốt mò lưu hành cần áp dụng những biện pháp phòng chống ấu trùng mò đốt như: tránh đi vào khu vực có lùm cây cỏ, mặc quần áo kín, mặc quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng, bôi các hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở...