Thông tin nhân vật Chị Vũ Thu Thủy Tuổi: 29 Địa chỉ: Phú Thọ |
Khoe ông nội, chỉ viết vài dòng ngắn ngủi đi kèm với một hình ảnh rất đỗi giản dị nhưng bài viết của chị Thủy đã hút ngay nghìn like.
Ngay dưới bài viết của chị là hàng loạt comment xuýt xoa, ghen tị với bà mẹ 8X vì có một người bố chồng tuyệt vời.
Bạn H.N cũng chia sẻ về bố chồng của mình: “ Mình đẻ mổ nằm viện một tuần , bố chồng cũng xin nghỉ làm một tuần phục vụ cơm nước, nghiện cháu nặng cứ muốn ôm cháu cả ngày”.
Bạn B.T.H.T bình luận: “Ôi, riêng khoản giặt quần áo, tã lót là đủ ngưỡng mộ rồi ý”.
Rất nhiều bạn khác thì vào chúc mừng chị Thủy: “Bạn thật may mắn! Chúc mừng bạn”.
Một số ít bạn khác thì có chút chạnh lòng và tủi thân khi nghĩ tới hoàn cảnh của mình như T.P: “Nhìn bố chồng mom mà thèm thế. Chả bù cho mình”.
Hội chị em bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho ông nội số 1
Nói về bố mẹ chồng của mình, chị Thủy không giấu vẻ tự hào: “Ai cũng bảo mình may mắn, cả bố mẹ đẻ mình cũng nói vậy. Tất nhiên, bản thân mình là người ý thức về điều này hơn ai hết. Đi làm dâu, mình được bố mẹ chồng thương yêu, bảo vệ. Khi có cháu, ông bà đỡ đần cho rất nhiều để mình yên tâm công tác. Có lẽ vì sức khỏe của mình không được tốt, thế nên ông trời bù đắp cho mình một gia đình chồng tuyệt vời như thế. ”.
Chia sẻ của chị Thủy về ông nội số 1 nhanh chóng hút nghìn like
Bố chồng của chị Thủy làm công an nên thuở mới yêu, chị khá sợ ông. Chị chia sẻ: “Trước chưa về làm dâu thì mình sợ ông lắm. Khi tới nhà chơi, chẳng bao giờ ông nói chuyện gì, ít nói cực kì. Bây giờ, ông cũng vẫn ít nói nhưng mà việc làm thì ấm áp. Nhà mình bậc thềm cao, sáng mình đi làm sớm, chồng mình thì đi làm xa, tuần về có một lần, ông luôn là người dậy dắt xe máy ra cho mình, tối thì chờ mình về cất vào. Thỉnh thoảng, ông đi tập thể dục buổi sáng về còn mua xôi cho mình mang tới chỗ làm ăn. Có đợt, mình hay phải ở lại tập văn nghệ khuya, ông đều xung phong đưa đón vì sợ con dâu đi đường không an toàn”.
Chị Thủy và cô con gái đầu lòng
Quả thực, hiếm có ông nội nào làm được như ông của bé gà nhà chị: “Hồi mình mang bầu bé đầu vào năm 2011, được 8 tuần thì mình bị bệnh basedown (một bệnh về tuyến giáp), phải nằm viện cả tháng, tưởng chừng phải bỏ thai ấy. Lúc ấy, bố mẹ chồng mình vẫn đang công tác nên không ở viện chăm mình được, chỉ chạy đi chạy lại thôi, còn chồng mình chăm sóc mình. Vì mình có uống thuốc nên ai cũng sợ bị ảnh hưởng đến thai, mình cũng sợ lắm, may mà có bố mẹ chồng mình động viên nhiều. Ông bảo rằng cứ giữ lại bé để đẻ, nếu không may làm sao thì cùng chạy chữa cho cháu. Mình cảm thấy được bố mẹ chồng mình tiếp sức rất nhiều trong những ngày ở viện ấy”.
Không chỉ động viên con dâu bằng lời nói, bố mẹ chồng của chị Thủy quả thực đã chứng minh được rằng không phải cứ bố mẹ chồng thì sẽ coi con dâu chỉ là người khác máu, tanh lòng: “Bên nhà chồng mình vốn hiếm con gái, mỗi đời chỉ được một cô nên khi biết mình mang bầu bé đầu là con gái thì ông bà cưng lắm. Nhưng mình lại yếu ớt nên cả nhà đều bảp về Hà Nội đẻ cho yên tâm. Thế nên, gần ngày sinh thì hai vợ chồng mình xuống Hà Nội chờ nhập viện.
Hôm ấy, là ngày 30 tháng 12, chiều mình và chồng vẫn lượn đường ăn uống tới 9h mới về. 11h đêm hôm ấy mình có dấu hiệu chuyển dạ. Hai vợ chồng gọi điện về báo cho ông bà nội ngoại. Cả bố mẹ chồng mình và bố mẹ đẻ mình đều bắt taxi đi ngay trong đêm, 3h sáng thì về đến Hà Nội. 6h sáng, cả nhà rồng rắn kéo nhau vào viện. 1h chiều mình mổ, 8 tiếng sau thì được về phòng. Do cơ địa mình không ăn thuốc tê nên rất đau. Thậm chí, lúc bác sĩ rạch để lấy con ra, mình cảm giác như mình đang bị mổ sống luôn, tủi thân kinh khủng. Khi được đưa về phòng, mình nhìn thấy chồng, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, cứ thế mình khóc thôi. Mẹ chồng thương mình quá, cũng ôm mình khóc. Bố chồng mình thì lo, không thể hiện, cứ ra ngoài đốt thuốc. Đêm hôm đó, cả nhà ở lại với mình”.
Bà nội luôn xí bế cháu khi đi ăn vì muốn con dâu được ngồi ăn cho thoải mái
Vì ở viện nên đông đúc, chật chội, nhà lại đông người đi theo nên cả nhà khó sắp xếp nơi ăn chốn ngủ. Bố chồng và chồng của chị Thủy nằm ngủ ngoài hành lang. Mẹ chồng và chị chồng của chị thì nằm trong phòng với chị. Còn bố mẹ đẻ chị thì về nhà thu xếp cơm nước mang vào cho mọi người. Vì tháng 12 trời mưa rét nên ai cũng bảo ông về nhà nghỉ nhưng ông không chịu,kêu ở lại cùng cả nhà, có gì xử lý cho nhanh. Chị Thủy nhớ lại: “May mắn là chẳng có chuyện gì cả nên việc duy nhất ông được làm là cháu khóc cái thì ông chạy ngay vào bế”.
Vốn là người cẩn thận, sạch sẽ nên cả hai đứa con của chị Thủy, một tay ông nội giặt tã. “Ông bảo rằng quần áo trẻ con cần giặt riêng cho sạch, không giặt chung với quần áo của người lớn vì bẩn. Thế nên, ông giặt tay hết cho các cháu chứ không có vứt vào máy giặt”, chị Thủy nói.
Khi chị Thủy sinh bé đầu, bố mẹ chồng chị vẫn đang công tác nhưng chẳng nề hà việc thức đêm trông cháu. Chị kể “Bố mẹ mình bằng tuổi nhau, năm nay 60 tuổi rồi. Khi mình sinh bé đầu, bố mẹ chồng mình còn trẻ, ông bà giúp hết, mình chỉ cho con bú thôi, đêm được ngủ đủ giấc. Cháu khóc thì ông bà dỗ, ướt bỉm thì ông bà thay. Chỉ khi nào đói, ông bà mới mang bé vào để mẹ cho bú”.
Tới khi sinh bé thứ hai, sợ bố mẹ đã có tuổi, đêm mà dậy thì khó ngủ lại, không đảm bảo sức khỏe nên chị chủ động bảo với mẹ chồng không cần ngủ cùng mình nhưng bà nhất quyết đòi ngủ cùng chị một tuần để đỡ đần khi chị còn yếu. “Mẹ chồng mình thương mình lắm. Bốn năm đầu kết hôn là quãng thời gian hay xảy ra bất đồng, nhưng lần nào mẹ cũng là người đứng ra hòa giải, phân tích đúng sai cho vợ chồng mình. Mẹ lúc nào cũng bênh vực mình tới nỗi chồng mình còn ghen tị ấy. Đi ăn uống, lúc nào bà cũng đòi bế cháu cho con dâu ngồi ăn cho thoải mái”.
Bố chồng của chị Thủy từng nói: “Trước đây, còn trẻ, ông chuyên tâm phục vụ tổ quốc rồi. Bây giờ, về hưu thì ông phục vụ các cháu để các con yên tâm công tác”. Vì thế mà hàng ngày, chị Thủy đi làm sớm, ông bà ở nhà là người lo cho cháu. Bé lớn nhà chị, một tay ông nội cho ăn sáng, đưa đón bé đi lớp.
Nếu đi lấy chồng, cô gái nào cũng may mắn có bố mẹ chồng như chị Thủy thì thật tốt biết bao, các mẹ nhỉ?