Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), mỗi tháng, đơn vị này tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ mắc hội chứng này hiện chiếm khoảng 20% trong tổng số trẻ mắc các bệnh liên quan đến tâm lý, thần kinh khám tại bệnh viện.
|
Bệnh tăng động giảm chú ý
Trẻ mắc tăng động giảm chú ý được chia theo 3 loại là: Rối loạn phối hợp tăng động và giảm chú ý; rối loạn trội về giảm chú ý; rối loạn trội về tăng động/xung động.
Trong đó, rối loạn giảm chú ý thường biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động khi chưa hoàn thành; rối loạn tăng động thường gặp ở những trẻ chạy nhảy liên tục, nói nhiều quá mức và không ngừng cựa quậy chân tay trong khi ngồi. Còn rối loạn phối hợp tăng động và giảm chú ý thường biểu hiện bằng sự thiếu kiểm soát trong các hành vi, sự thay đổi đột ngột trong tính cách và gây ra những hành động bất ngờ, có thể đe dọa đến người xung quanh.
Các biểu hiện của tình trạng rối loạn này có thể kéo dài tới tuổi vị thành niên hoặc tới khi trưởng thành. Tuy nhiên, do những biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý gần giống với biểu hiện của một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm tuổi mới lớn nên gây ra không ít khó khăn đối với các bậc phụ huynh trong việc nhận diện hội chứng này. Do đó, các chuyên gia tư vấn, cha mẹ cần dành thời gian để quan sát và chơi đùa cùng con để kịp thời nhận ra sự khác biệt trong các hoạt động hàng ngày của trẻ.
|
Cách phân biệt
Để kiểm tra xem con chỉ hiếu động hay bị mắc bệnh tăng động giảm chú ý, bố mẹ có thể dùng phép thử đơn giản như quan sát biểu hiện của trẻ khi ngồi chơi đồ chơi. Nếu trẻ tập trung ngồi một chỗ để chơi các trò chơi (vẽ tranh, tô tượng, lắp ráp bộ xếp hình...) trong khoảng thời gian trên 10 phút mà không bị phân tâm bởi các yếu tố ngoại cảnh hay kể cả trong trường hợp trẻ có chạy nhảy nhưng lại nhanh chóng quay lại với trò chơi của mình, bố mẹ có thể yên tâm rằng trẻ phát triển một cách bình thường. Còn trong trường hợp, trẻ vừa bắt đầu chơi đã cảm thấy chán, không tập trung chơi bất cứ trò gì được quá 5 phút hoặc thường xuyên đứng lên, ngồi xuống để tìm kiếm trò chơi mới thì bố mẹ phải chú ý đến trẻ, vì rất có thể trẻ đã mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.
Tương tự, bố mẹ có thể quan sát trong khi trẻ ngồi học bài. Nếu thấy trẻ ngồi học bài trong tư thế vặn vẹo, hay uốn mình, chốc chốc lại đứng lên đi ra ngoài, kém tập trung và hay làm sai yêu cầu của đề bài, bố mẹ cũng nên nghĩ đến trường hợp cho con đi khám vì có khả năng trẻ đã mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, trong đó chủ yếu là rối loạn trội về giảm chú ý.
Theo các bác sĩ, để phòng hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ, phụ huynh cần tránh cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, màn hình tivi trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con cũng như tránh gây các cú sốc tâm lý ảnh hưởng đến hành vi của trẻ nhỏ.
Theo sohuutritue.net.vn