BS Trương Hữu Khanh: Dấu hiệu báo F0 sắp hết bệnh

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, khi mất vị giác, khứu giác thì F0 bước vào giai đoạn cuối của bệnh, đang hồi phục.

Những ngày qua, bác sĩ Khanh chia sẻ F0 đã bình tĩnh hơn, họ đã không còn hoảng loạn như trước và có nhiều thông tin về dịch bệnh hơn, bác sĩ cũng "nhàn" hơn 1 chút. Hi vọng đây là những tín hiệu đáng mừng trong dịch Covid-19 ở TP.HCM.

Bác sĩ Khanh chia sẻ lo lắng hay gặp của F0:

Thứ nhất, mất vị giác, khứu giác – lẽ ra nên mừng thì người bệnh lại lo

Theo BS Khanh, virus làm tổn thương tạm thời các tế bào thần kinh nên bệnh nhân xuất hiện mất khứu giác, vị giác. Dấu hiệu này thường xuất hiện về sau của giai đoạn bệnh. Nhiều người lo lắng mất khứu giác, vị giác ở giai đoạn này có phải là bệnh nặng lên không?

BS Khanh cho rằng khi có dấu hiệu này người bệnh cần bình tĩnh. Các dấu hiệu mất vị giác, khứu giác có thể hết trong 7 đến 10 ngày hoặc một số người lâu hơn. Nhưng chắc chắn khi mất vị giác, khứu giác thì F0 bước vào giai đoạn cuối của bệnh, đang hồi phục.

Mất khứu giác, vị giác không có hại là tín hiệu mừng nhưng gây cho F0 mất cảm giác ăn ngon. Khi đó, người bệnh vẫn cần ăn để đáp ứng dinh dưỡng cho cơ thể của mình. Cố gắng ăn đề hồi phục sức khoẻ. Khi mất vị giác khó ăn có thể thay đổi thức ăn sang dạng lỏng như súp, cháo để dễ ăn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia BV Nhi đồng 1.

Thứ hai, lo vì mãi không thấy triệu chứng

Mỗi ngày, bác sĩ Khanh đều nhận được các thông tin của F0 hỏi về việc chưa có triệu chứng, có nên uống thuốc hạ sốt trước để phòng triệu chứng không. Thực tế bác sĩ Khanh cho rằng người nhiễm virus Sars-CoV-2 không cần thiết sử dụng các loại thuốc khi không có triệu chứng. Người bệnh không nên chờ triệu chứng tới mà có thể bạn rơi vào nhóm không có triệu chứng.

Thực tế, bác sĩ Khanh cho biết có tới 50 – 60 bệnh nhân không có triệu chứng. Họ có thể lây cho người khác và khi xét nghiệm mới biết mình dương tính. Nếu không xét nghiệm, họ cũng tự hết bệnh.

Vì vậy, có những gia đình còn sót 1 người không dương tính, bác sĩ Khanh cho rằng khả năng cao người đó là F0 đầu tiên và đã khỏi bệnh nên xét nghiệm nhanh đã âm tính, còn các thành viên khác lây sau nên xuất hiện triệu chứng.

Thứ ba, lo bệnh của mình sẽ diễn tiến như thế nào?

Khi bạn trở thành F0 cần bình tĩnh. Theo BS Khanh nếu bạn có triệu chứng đau mình mẩy, xương khớp rã rời, không ngủ được có thể uống thuốc giảm đau để giảm các triệu chứng đó.

BS Khanh cho biết có nhiều người là F0, cả đêm thức trắng chỉ để suy nghĩ về bệnh Covid-19, mình đang ở giai đoạn nào, mình có nặng lên không rồi mình sẽ vào bệnh viện như thế nào. Nếu trong đầu F0 chỉ có bệnh tật thì không thể ngủ được. Khi đó ảnh hưởng tới sức khoẻ nhiều hơn, mệt mỏi hơn.

Tốt nhất, F0 hãy bình tĩnh, xem các thông tin tích cực, bỏ qua tin Covid-19 và luôn nghĩ đến những gì hài hước để ngủ ngon hơn, bớt lo lắng hơn. Nếu vẫn khó ngủ thì có thể uống thuốc ngủ hỗ trợ hoặc uống các thuốc ngủ thảo dược.

Thông thường khi dương tính với Covid-19 có rất nhiều nhóm:

Nhóm 1: không có triệu chứng gì cứ vậy lướt qua, không xét nghiệm không biết mình có virus.

Nhóm 2: Nhiều người đến khi mất mùi mất vị mới xét nghiệm thì ra dương tính.

Nhóm 3: Một số nhóm gai sốt, ho.

Nhóm 4: Có người thì sốt cao từ 48 - 72 tiếng ho tức ngực, nặng hơn, khó thở.

Nhóm 5: Đáng lưu tâm đó là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người béo phì thường rơi vào triệu chứng sốt, biếng ăn, đau đầu, ho, khó thở, giảm oxy máu… Triệu chứng bệnh nhiều nhất thường ở ngày thứ 5 – 8 khi mắc Covid-19. Nhưng có một số người sau thời gian này thì sẽ nặng lên phải can thiệp nhiều biện pháp khác nhau.

Còn những người đã hết sốt, chỉ còn ho lai rai thì cũng không nên lo sợ vì sau khi mắc sốt siêu vi thông thường thì mọi người sẽ thường có triệu chứng ho, vướng vướng ở cổ. Triệu chứng này lâu hết nhất, Covid-19 cũng tương tự như vậy. Người bệnh sẽ ho kéo dài 5, 7 ngày sau mới hết nên không cần lo lắng quá – BS Khanh khuyến cáo.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU