Khác với trẻ em Việt Nam, trẻ em sống ở một số quốc gia khác trên thế giới thường được dạy về tiền bạc từ rất sớm. Theo đó, để giúp trẻ hiểu hơn về giá trị của đồng tiền và sức lao động, cha mẹ sẽ hướng dẫn con cách lập kế hoạch chi tiêu, quản lý tiền bạc…
Hãy cũng xem các bà mẹ trên thế giới dạy con tiêu tiền như thế nào
Mẹ Nhật: Dạy con tiết kiệm tiền bạc
Các trẻ em ở Nhật thường được bố mẹ cho tiền tiêu vặt vào ngày đầu tiên của tháng mới. Mức tiền tiêu vặt trẻ được nhận sau khi cha mẹ đã tính toán chi tiết mức chi tiêu, các khoản cần mua sắm cũng như mức sống tại khu vực họ đang sống.
Trẻ phải tự lên kế hoạch chi tiêu trong khoản tiền bố mẹ cho. Nếu muốn mua những món đồ có giá trị, trẻ sẽ phải tiết kiệm và cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được rằng: tiền không phải là vô hạn, mỗi chúng ta cần phải biết tự chi tiêu trong khả năng của mình và hài lòng với nó.
Mẹ Mỹ: Những chiếc lọ thần kỳ
Những người mẹ Mỹ có cách dạy con chi tiêu tiền bạc rất độc đáo. Họ dạy con thông qua những chiếc lọ đựng tiền
Sẽ có 4 chiếc lọ và mỗi chiếc lọ sẽ được dán nhãn và mang ý nghĩa nhất đinh:
Lọ “save” - để dành: Khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích cụ thể
Lọ “invest” – đầu tư: Khoản tiền để mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó
Lọ “donate” – cho đi: Khoản tiền dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình
Lọ “spend” – tiêu: Khoản tiền được tiêu tùy ý bé.
Theo đó, mỗi tuần các bé sẽ được cha mẹ cấp cho một khoản tiền. Số tiền này sẽ được chia đều vào 4 chiếc lọ hoặc dựa theo một tỷ lệ nào đó. Trẻ sẽ phải tự giữ và quản lý số tiền này. Khi trẻ muốn mua thứ gì đó, mẹ sẽ cùng bé xem giá tiền của món đồ bé định mua. Nếu món đồ ấy phù hợp với số tiền bé có, mẹ có thể để bé mua. Ngược lại, nếu món đồ đó có giá trị cao hơn số tiền bé đang có, mẹ cần giải thích cho con món đồ đó có thực sự cần thiết hay không và vạch ra cho con một kế hoạch tiết kiệm tiền để mua được món đồ đó.
Mẹ Đức: Chi tiêu có giới hạn
Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Và con sẽ chỉ được mua trong phạm vi giới hạn số tiền này. Khi đó, mẹ sẽ phải giải thích cho trẻ biết giá của đồ vật mà bé muốn là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không rồi gợi ý bé có nên mua nó hay không.
Ngoài ra, mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo "Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp". Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: “À phải trả tiền trước khi mang đồ đi”. Một điểm nữa trong cách dạy con tiêu tiền của mẹ Đức là không dạy con theo kiểu "Có tiền là mua được tất cả". Điều này sẽ tạo cho trẻ sớm có tính coi thường, hiểu sai về giá trị đồng tiền.
Mẹ Singapore: Cùng con lập kế hoạch mua sắm những thứ mà con thích
Tại Singapore, thay vì mua cho con những thứ mà con thích thì các bà mẹ lại cùng con lập một danh sách những thứ mà con thích và tính toán từng khoản tiền cho từng hạng mục. Theo đó, mỗi tuần các con sẽ được trích 1/2 số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho kế hoạch lớn. Số còn lại các bé sẽ được tự quyết định để mua sắm những thứ mà mình thích. Bằng cách này, trẻ sẽ có trách nhiệm hơn khi sử dụng số tiền mà mình có được. Mặt khác, thông qua việc lập kế hoạch chi tiêu, các mẹ Singapore muốn con phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn để không rơi vào tình trạng lãng phí.
Ngoài ra, để dạy con biết tiêu tiền một cách tiết kiệm thì những bậc làm cha, làm mẹ tại Singapore luôn luôn hỏi ý kiến con khi mua sắm: nên mua và không nên mua đồ gì? Cái gì thực sự cần thiết và hữu ích?
Mẹ Do Thái: Dạy con về tiền theo từng giai đoạn
Khi mới bi bô tập nói, các bà mẹ Do Thái sẽ dạy trẻ cách phân biệt tiền xu và tiền giấy, nguồn gốc tiền từ đâu mà có và tiền có thể mua được những gì.
Khi trẻ lớn hơn một chút, các bà mẹ ở đây sẽ giao cho con một khoản tiền để con tự quản lý. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách mua sắm như thế nào cho đúng và cách tự chịu trách nhiệm về hành vi tiêu sài của mình.
Bước vào giai đoạn thứ ba, cha mẹ cần bồi dưỡng cho con cách kiếm tiền. Đây cũng chính là giai đoạn giúp con hiểu về giá trị đồng tiền, về những quy tắc kinh doanh như quay vòng vốn, lấy công làm lãi… Từ đó, trẻ sẽ hình thành tư duy tài chính linh hoạt.
Giai đoạn tiếp theo là dạy con cách quản lý tài sản thông qua các lựa chọn như gửi tiền vào ngân hàng để có lãi hay đầu tư vào một việc gì đó.
Cuối cùng, mẹ Do Thái không quên việc giáo dục quản lý tài sản cho con. Mục đích của việc này là giúp con hiểu được giá trị của sức lao động, biết được những kỹ năng cần thiết phục vụ cuộc sống tương lai.