Cách đo các chỉ số sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà: Chỉ số như thế nào là nguy hiểm?

Các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, huyết áp, mạch, nhịp thở, SPO2 cần được theo dõi chặt chẽ và đo đúng cách đối với F0 điều trị tại nhà.

Làm gì khi cách ly tại nhà

Trong buổi tư vấn trực tuyến Hướng dẫn F0 tự quản lý và chăm sóc tại nhà của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh – Giám đốc Trung tâm Y học Gia đình & Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đã chia sẻ rất nhiều kiến thức hữu ích. Theo đó, vị PGS đã hướng dẫn cách đo chỉ số SPO2, huyết áp, nhịp tim và nhấn mạnh thời điểm cần cấp cứu.

PGS Thanh cho biết hầu hết các F0 đều có tâm lý hoảng loạn khi biết mình bị dương tính và vội vàng hỏi bác sĩ mình cần phải làm gì hay uống thuốc gì. Tuy nhiên, PGS Thanh khuyến cáo người bệnh cần bình tĩnh, theo dõi và xin tư vấn xem tình hình sức khoẻ của mình có đủ điều kiện được chăm sóc tại nhà hay không. 

Khi bạn trở thành F0 nhưng chưa có kết quả PCR cũng cần báo cho tổ Covid-19 cộng đồng để được chính quyền xác nhận nhiễm bệnh và xét duyệt điều kiện theo dõi, điều trị tại nhà. 

F0 theo dõi tại nhà.

Trong thời gian cách ly tại nhà, F0 cố gắng không làm lây nhiễm cho người thân trong gia đình và cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho công tác điều trị.

Các vật dụng tối thiểu cần có là: nhiệt kế theo dõi thân nhiệt, máy đo bão hoà oxy trong máu, máy đo huyết áp, khăn giấy dùng 1 lần, dung dịch vệ sinh khử trùng, khẩu trang y tế, gang tay sạch, túi rác và thùng rác có nắp đậy để xả rác riêng cho F0.

Những người đã có xét nghiệm nhanh dương tính, trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm PCR vẫn cần tự cách ly tại nhà, không tiếp xúc với mọi người trong gia đình, vật nuôi; không dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân với các thành viên khác trong gia đình. Đồng thời, tự cách ly trong phòng riêng, sử dụng giấy tẩm cồn lau vệ sinh bề mặt, tay nắm cửa, điện thoại và các vật dụng hay sờ tay vào. Các vật dụng đưa từ phòng người nhiễm ra ngoài cũng cần phun khử trùng cồn 70 độ, để 15 phút sau đó chuyển ra ngoài bằng túi rác chuyên dụng. Lưu ý, túi rác của người nhiễm bệnh vẫn cần được phun khử khuẩn trước khi chuyển đi. 

Các thông số sức khoẻ

Theo PGS Thanh, F0 được cách ly, điều trị tại nhà phải tự theo dõi các thông số sức khoẻ và báo lại cho các nhân viên y tế. 

Cách chỉ số sinh tồn cần theo dõi:

Mạch: Bạn có thể nhìn chỉ số mạch trên máy đo huyết áp điện tử hoặc tự bắt mạch bằng tay. 

Cách bắt mạch bằng tay: Dùng hai ngón tay đặt ở mạch cổ tay và đếm đủ trong 1 phút. 

Chỉ số mạch thường khác nhau ở những lứa tuổi khác nhau. Nhưng nếu mạch trên 120 nhịp/phút và dưới 50 nhịp/phút là chỉ số nguy hiểm, cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Nhiệt độ: Nếu đo nhiệt kế kẹp nách, khi nhiệt độ lên 37,5 độ C, F0 nên mặc thoáng nhưng không để cơ thể bị lạnh, đặc biệt với khí hậu miền Bắc đang là mùa đông. Nhiệt độ trên 38,5 độ C sẽ uống thuốc hạ sốt.

Chỉ số SPO2: Được đo bằng máy SPO2 cá nhân. Trước khi đo nên xoa tay cho ấm, đặt tay trên mặt bàn, sau đó kẹp thiết bị đo vào ngón tay. Máy sẽ thông báo hai chỉ số là SPO2 và nhịp tim. Để kết quả đo chính xác nên giữ sạch móng tay, không nên sơn móng. Có thể kẹp ngón chân để đo chỉ số này. Khi đo nên ngồi im, duỗi thẳng và thả lỏng bàn tay, có thể kê gối dưới tay để kết quả được chính xác.

Huyết áp: Hàng ngày cần đo huyết áp bằng các loại máy huyết áp sẵn có tại nhà. Khi đo người bệnh lưu ý ngồi trên mặt phẳng, độ cao cánh tay ngang mức tim, cuốn băng trên cánh tay vừa phải (không quá chặt và không quá lỏng), mép dưới của băng đo huyết áp cách nếp gấp khuỷ từ 2 – 3 cm và đo bằng tay trần (không qua áo). Huyết áp dưới 90 – 60mmHg là bất thường và cần báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

Nhịp thở: Có thể quan sát bằng sự nhấp nhô lên xuống của lồng ngực ở trẻ em, người lớn cũng có thể cảm nhận được nếu thấy khó thở. Nhịp thở tăng khi:  ≥ 21 lần/phút (người lớn);  ≥ 40 lần/phút (trẻ từ 1 - 5 tuổi);  ≥ 30 lần/phút (trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi). Lúc này cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Khi đo nhịp thở, PGS Thanh lưu ý người bệnh không nên có các vận động mạnh làm tăng hô hấp. Khi ngồi ở trạng thái tĩnh mà vẫn thấy mệt mỏi, khó thở thì cần báo ngay nhân viên y tế.

Ngoài ra, cần báo nhân viên y tế nếu có các triệu chứng:

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, quấy khóc (trẻ em), ngủ li bì khó đánh thức, co giật. 

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân.

- Da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân. 

- Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn. 

- Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay/chân sưng phù, nổi ban đỏ/nốt hoặc mảng xuất huyết bất thường.

Bên cạnh việc theo dõi các chỉ số sinh tồn, F0 điều trị tại nhà nên: 

1. Giữ tâm lý thoải mái, bình tĩnh.

2. Đảm bảo ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Duy trì ăn uống đều đặn trong ngày, không bỏ bữa. Ở giai đoạn có viêm với các triệu chứng như hắt hơi, ho, mất vị giác có thể ăn thức ăn được chế biến ở dạng mềm, lỏng. Nên uống đủ nước để làm mềm niêm mạc hô hấp, dễ long đờm. Uống thêm bù điện giải (oresol hoặc nước ép trái cây) nếu bị sốt.

3. Tập luyện thường xuyên. Có thể chọn cách đi bộ quanh phòng hoặc đứng lên ngồi xuống và quan trọng nhất là tập thở.

4. Báo ngay bác sĩ điều trị khi có các dấu hiệu bất thường.

Các chỉ số sinh tồn cần nắm rõ khi chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/cach-do-cac-chi-so-suc-khoe-cho-f0-dieu-tri-tai-nha-chi-so-nhu-the-nao-la-nguy-hiem-161212612204145062.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU