Cái khó của nhà tuyển dụng khi livestream giờ kiếm bạc tỷ, người trẻ sẵn sàng "xếp xó" bằng ĐH, từ bỏ công việc văn phòng

(lamchame.vn) - Trước sự phát triển như vũ bão của nghề livestream, liệu tư duy lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ có bị ảnh hưởng?

Phương Thảo nhấn mạnh không phải ai cũng sẽ phù hợp và lựa chọn làm nghề livestream

Có nên coi livestream là một nghề?

Công việc livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng nở rộ và được coi là "cách kiếm tiền hiệu quả". Chính vì lẽ đó, nhiều bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, quyết định "bỏ ngang" tấm bằng của mình, thậm chí còn bỏ học giữa chừng để làm công việc livestream. Bạn nghĩ sao về hiện tượng này?

Việc này do các bạn lựa chọn và quyết định tương lai của chính mình.

Nghề livestream bán hàng thực chất là một hình thức mới có sự kết hợp của công nghệ, đồng thời tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm của cả người bán và người mua. giúp 2 bên trở nên dễ dàng tiếp cận, tương tác với nhau.

Nên bản chất công việc này nếu có tìm hiểu, đầu tư và làm bài bản chắc chắn kết quả xứng đáng tương xứng với những gì bạn đầu tư và thái độ "làm nghề" của mỗi người.

Tuy nhiên, trước khi quyết định "bỏ ngang" hay không học đại học để chạy theo xu hướng thì các bạn sẽ cần cân nhắc nhiều yếu tố khác về: tương lai của nghề (nếu nghề này trong tương lai cũng sẽ được thay thế bởi một nghề khác thì bạn sẽ làm gì tiếp theo)? Bạn có những chuyên môn gì, kỹ năng gì riêng của mình để có hơn một lựa chọn nghề nghiệp? Tuổi đời của nghề sẽ kéo dài đến bao giờ? Với việc nhà nhà livestream như vậy thì khi bạn làm, đâu là lợi thế cạnh tranh nổi bật bạn có? Giá trị của nghề nghiệp này có đồng bộ và tương xứng với giá trị cá nhân của bạn không?

Mỗi người sẽ chọn cho mình những giá trị nghề nghiệp khác nhau. Do vậy việc lựa chọn nghề nghiệp cũng cần được cân nhắc và có chiến lược rõ ràng để phù hợp với thị trường, đồng thời phù hợp với bản thân nhất.

Khi một bạn trẻ đứng giữa 2 lựa chọn công việc: Làm công việc tự do như bán hàng online, xây kênh TikTok để rồi livestream bán hàng với giờ giấc làm việc tự do, thu nhập cao và Làm công việc hành chính 8 tiếng/ngày, thu nhập hàng tháng đều như nhau. Dường như các bạn trẻ đều có xu hướng lựa chọn công việc tự do. Còn với những bạn trẻ chọn công việc hành chính, điều gì níu kéo họ ở lại?

Cá nhân mình nghĩ người lao động luôn có sự lựa chọn phù hợp với bản thân và biết mình đang ưu tiên điều gì ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, dù là lựa chọn nào sẽ luôn có 2 mặt : Tích cực và Hạn chế. Không có một lựa chọn hoàn hảo dành cho người lao động.  Với những bạn trẻ chọn công việc hành chính 8 tiếng/ngày, các bạn sẽ có những giá trị nghề nghiệp, mục tiêu cá nhân,  và sự ưu tiên, mong đợi ở một công việc:

Ví dụ :

- Sự ổn định về thu nhập, giúp người làm công việc này an tâm về khía cạnh tài chính.

- Các quyền lợi như bảo hiểm y tế, nghỉ phép, và các lợi ích xã hội, điều này có thể làm cho người làm việc cảm thấy an tâm hơn về an sinh xã hội.

- Môi trường làm việc ổn định và có lịch trình rõ ràng, giúp họ dễ dàng quản lý cuộc sống cá nhân và công việc.

- Công việc hành chính thường mang lại môi trường làm việc chuyên nghiệp và cơ hội để học hỏi từ đồng nghiệp.

- Có cơ hội tiến thân sự nghiệp và phát triển kỹ năng chuyên môn.

So với 1 công việc tưởng chừng ổn định nhưng lương ba cọc ba đồng, nhiều người sẵn sàng nghỉ việc ở nhà livestream bán hàng online, vừa tự do vừa kiếm được nhiều tiền hơn, khi ấy nhà tuyển dụng phải làm thế nào để thu hút nhân sự?

Mình thấy mọi thứ vẫn dừng ở một nhóm đối tượng phù hợp có mong muốn nghỉ việc ở nhà livestream bán hàng chứ chưa phải tất cả. Vì thực tế công việc này cũng đòi hỏi những kỹ năng đặc thù, cả những đầu tư và sự sáng tạo nữa. Do vậy mặc dù ai cũng có thể làm, nhưng để thành  công thì không phải tất cả sẽ thành công và kiếm được số tiền khổng lồ như những hiện tượng được share rầm rộ trong thời gian vừa qua.

Nhà tuyển dụng thì vẫn nên luôn cập nhật xu hướng để hiểu được thị trường lao động đang thay đổi như thế nào, nắm bắt và hiểu được hành vi, insight của tập ứng viên từ đó có những quy trình, hình thức, chính sách phù hợp để thu hút nhân sự bằng những cách truyền thông sáng tạo, nêu bật được những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và vị trí tuyển dụng.

Nhiều người hay nói rằng livestream là một "nghề" nhưng theo tìm hiểu, livestream hiện vẫn chưa được công nhận là một nghề vì nó chưa được quy định từ hệ thống lý thuyết, trường đào tạo, đội ngũ đào tạo và mã nghề. Tóm lại, chúng ta có nên "bình thường hóa" việc livestream bán hàng online là một "nghề" trước sự nở rộ như vũ bão của nó hiện nay không?

Quyết định "bình thường hóa" việc livestream bán hàng online là một "nghề" hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần được xem xét cẩn thận từ góc độ và nhu cầu của các doanh nghiệp hay thị trường. Livestream bán hàng online bắt nguồn từ Trung Quốc từ năm 2016 và đã nhanh chóng trở thành một kênh bán hàng hữu hiệu mang lại doanh thu lớn cho ngành thương mại điện tử.

Bên cạnh đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng có những ông lớn áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến này để giới thiệu và bán những sản phẩm công nghệ mới ra mắt. Và hiện nay, xu hướng này đang được đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với các ngành nghề: Làm đẹp, thời trang, thương mại điện tử….

Điều đó cho thấy rằng đây là công việc tiềm năng với sự kết hợp giữa công nghệ và bán hàng. Cá nhân hóa trải nghiệm của người mua và người bán. Do vậy nếu thị trường có cầu thì ắt hẳn sẽ có cung. Và công việc này dần sẽ được định vị rõ ràng và trở thành một ngành nghề mới để các doanh nghiệp/ nhà tuyển dụng đầu tư xây dựng và chuẩn hoá Mô tả công việc (job decription) và khung năng lực cho vị trí này như những vị trí truyền thống trước đó.

Tuy nhiên, mình nghĩ rằng nhân sự không phải là người quyết định cho việc có bình thường hoá một xu hướng để trở thành một nghề hay không. Mà là người dựa trên tình hình kinh doanh và nhu cầu của công ty để cập nhật, chuẩn hoá các vị trí theo nhu cầu thực tế.

Ảnh: NVCC

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU