Căn bệnh trẻ dễ mắc phải vào dịp hè, bố mẹ nên biết

Thời tiết nóng bức làm cơ thể bé tiết ra nhiều mồ hôi. Đây là yếu tố thuận lợi để bụi bẩn và khuẩn bám vào da khiến cho da trẻ bị tổn thương.

Bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh bệnh viện nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, thời gian qua, số lượng các bé bị nhiễm trùng da đến khám tăng lên đáng kể. Đây là căn bệnh ngoài da mà các bé dễ mắc nhất vào dịp hè.

Nhiễm trùng da có thể gây thương tổn da ở nông hay sâu hay chỉ khu trú ở 1 bộ phận của da như nang lông, tuyến mồ hôi. Các nhiễm trùng da do các vi trùng thông thường còn gọi là viêm da mủ.

Nhiễm trùng da thường gặp ở trẻ

Tác nhân gây bệnh hay thường gặp nhất là liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A, nhưng đa số các trường hợp là có sự hỗn hợp của cả liên cầu và tụ cầu khuẩn.

Viêm da mủ thường gặp ở trẻ có vệ sinh kém, nếu không được điều trị và chăm sóc tốt thì có thể lan nhanh sang các vùng da lành khác và có thể chốc hóa, viêm nang lông, nhọt và chuyển thành viêm mô tế bào rất nguy hiểm.

Chốc lở là bệnh nhiễm trùng da thường gặp ở trẻ em với biểu hiện nổi mụn nước hay bóng nước gây đau, có thể ở mặt, cổ, tay chân và vùng mặc tã.

Bệnh này thường do 2 loại vi trùng là Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes. Khi da trẻ đã bị tổn thương do những bệnh khác như chàm, côn trùng đốt, trầy xước hoặc ghẻ ngứa sẽ càng dễ mắc bệnh chốc.

Chốc thường biểu hiện dưới 2 dạng:

- Chốc không bóng nước còn gọi là chốc có vảy cứng là dạng thường gặp nhất. Thường do S.aureus nhưng cũng có thể do S.pyogenes.

Biểu hiện đầu tiên là những mụn nước nhỏ li ti nhanh chóng vỡ ra, để lại nhiều vảy nhỏ có dịch, mủ trên nền da viêm đỏ. Dần dần chuyển thành những vảy màu vàng nâu che phủ vùng da bị tổn thương.

- Chốc bóng nước luôn luôn do S.aureus gây ra. Độc tố của vi trùng này tạo ra những bóng nước to, lúc đầu trong sau đó đục dần. Những bóng nước này thường lâu vỡ.

Chốc dễ lây lan khi tiếp xúc với vùng da bị nhiễm trùng hoặc khi sử dùng chung quần áo, khăn tắm, ra giường.

Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ là cách phòng bệnh nhiễm trùng da

Nếu bệnh chỉ ảnh hướng đến một vùng da nhỏ và không phải là loại chốc bóng nước, thì có thể điều trị bằng kháng sinh thoa da. Nhưng nếu ảnh hưởng trên diện rộng cần dùng kháng sinh uống.

Cần cắt ngắn móng tay của trẻ để tránh cào gãi gây nhiễm trùng lây lan ra những vùng da khác.

Tắm rửa nhẹ nhàng mỗi ngày với nước xà phòng ấm để lấy đi những lớp vảy chốc.

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh chốc, hoặc trẻ đang điều trị chốc nhưng bị sốt hoặc vùng da xung quanh bị sưng, nóng đỏ... cần đưa trẻ đến khám bệnh ngay.

Theo vietnamnet.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU