Cán bộ có con gian lận điểm: Chức vụ càng cao thì càng phải xử nặng!

Theo bà Bùi Thị An, cần làm thật nghiêm vụ gian lận điểm thi, với các cán bộ, quan chức có con được nâng điểm, chức vụ càng cao thì càng phải xử nặng.

Những ngày gần đây, vụ sai phạm thi THPT quốc gia 2018 tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La "nóng" hơn bao giờ hết, khi nhiều phụ huynh là quan chức địa phương được "điểm danh", có con được nâng từ vài điểm đến vài chục điểm để lọt vào các trường đại học danh tiếng.

Một số vị lãnh đạo địa phương được "gọi tên" đã lên tiếng trên báo chí rằng cảm thấy "buồn, mất hết danh dự, uy tín", có vị khẳng định rằng "gia đình không có tác động gì vào điểm số của con" và các cháu có đủ năng lực vì học trường chuyên, lớp chọn.

Một số khác lại chọn cách im lặng, hoặc né tránh. Sở GD-ĐT địa phương xảy ra sự việc cũng chưa có thêm bất cứ động thái nào khi danh sách các phụ huynh "VIP" có con được nâng điểm hé lộ trên báo chí.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu quốc hội khóa XIII đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.

PV: Thưa bà, danh tính các phụ huynh có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đang dần lộ diện. Đáng chú ý, trong đó có nhiều người là cán bộ, quan chức địa phương khiến dư luận bất bình. Theo bà, chúng ta cần xử lý như thế nào với những cán bộ sai phạm?

Bà Bùi Thị An: Những số điểm "khủng", phù phép những thí sinh không đủ điều kiện thành thủ khoa, á khoa các trường khiến tôi thực sự đau lòng. Đây là hình thức đút lót, tham nhũng, dùng tiền, quyền mua những cái mà anh không có. Tham nhũng này tinh vi hơn bất kỳ hình thức tham nhũng nào khác. Tôi nhấn mạnh rằng tham nhũng trong giáo dục sẽ để lại hậu họa khôn lường, đẩy các em học sinh trong sáng vào vòng sai trái.

Việc chạy điểm là rất đáng trách. Theo tôi, cần làm thật nghiêm vụ này, nhất là các cán bộ, quan chức có liên quan, chức vụ càng cao thì càng cần xử nặng.

Tôi thấy rất buồn vì những người là cán bộ chủ chốt mà coi việc chạy điểm là rất bình thường, như vậy phải chăng chúng ta đã bổ nhiệm sai quy trình những cán bộ này? Các anh đáng ra phải nắm luật rõ hơn dân. Tôi cho rằng qua đây cũng cần phải xem lại quá trình bổ nhiệm cán bộ tại các địa phương.

Cũng có những đồng chí trong những ngày gần đây đã lên báo chí nói rằng không xin điểm cho con, còn ai nâng thì không biết. Nếu vậy thì cần làm rõ, ai nâng điểm, vì sao gia đình không chạy mà vẫn tự ý nâng?

Đề nghị cơ quan chức năng chỉ đích danh người tự ý nâng điểm, họ nâng điểm vì mục đích gì, để nịnh bợ, được lợi lộc hay vì mục đích gì khác thì cần làm rõ.

Đề nghị Bộ Công an và Bộ GD-ĐT vào cuộc để làm rõ những trường hợp khẳng định không nhờ nhưng con vẫn được nâng điểm.

PV: Sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương đã lấy đi cơ hội của hàng trăm thí sinh đáng ra có đủ điều kiện đỗ vào các trường đại học. Còn các thí sinh được nâng điểm, cũng vừa bị một "cú ngã" đau đớn. Bà có bình luận gì về những hậu quả của sự việc lần này?

Bà Buif Thij An: Việc bố mẹ tác động nâng điểm đã khiến các em học sinh phát triển trên sự không trung thực, gian lận, dối trá. Nếu sau này các em ra trường trót lọt thì sẽ ra sao, ai dám chắc sẽ lại không có sự mua chức, mua quyền? Tôi cho rằng, cách tốt nhất là để các em nhìn thẳng vào sự thật, vào lỗi lầm của mình để sửa chữa. Những em có bản lĩnh sẽ biết vươn lên, các em vẫn sẽ được công nhận. Còn nếu cứ bao che, để các em trưởng thành trên sự dối trá thì không ổn.

Còn hàng nghìn em con em nông dân, công nhân lao động dù học rất giỏi mất đi cơ hội thì sao? Trong trường hợp đó phải công bằng. Chỉ khi công bằng, ngành giáo dục mới lấy được lòng tin của nhân dân. Chỉ có làm như vậy thì ngành giáo dục mới đào tạo ra những con người theo đúng triết lý giáo dục, đào tạo các em thành con người khỏe khoắn về thể chất, trí tuệ, tâm hồn.

PV: Sau khi danh sách các phụ huynh là quan chức có con được nâng điểm, ngành giáo dục tại các địa phương này chưa có một phát ngôn chính thức nào trước công luận. Theo bà lãnh đạo đứng đầu các địa phương có trách nhiệm ra sao trong sự việc này?

Bà Bùi Thị An: Tôi nghĩ rằng dư luận đang quan tâm, lãnh đạo các tỉnh và Bộ GD-ĐT nên có sự chỉ đạo để các đồng chí đứng đầu địa phương cần phải có ý kiến và vào cuộc điều tra một cách quyết liệt, làm rõ và có câu trả lời cho công chúng sớm nhất.PV: Sau sai phạm trầm trọng tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, theo bà, ngành giáo dục cần làm gì để lấy lại lòng tin của xã hội khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến rất gần?Bà Bùi Thị An: Ngành giáo dục phải làm ngay, hành động ngay, rà soát lại xem còn hiện tượng sai phạm ở các tỉnh khác hay không. Đề nghị xem lại toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục từ Bộ đến địa phương xem có đảm bảo chất lượng để xứng đáng ở trong ngành giáo dục hay không?Công tác cán bộ có làm tốt thì tổ chức kỳ thi năm 2019 mới tốt. Nếu phát hiện ra sai phạm phải xử lý thật nghiêm, nếu cần thì thay đổi cán bộ. Chỉ khi có đội ngũ cán bộ giáo dục thật trong sạch, có phẩm cách thì ngành giáo dục mới tốt lên được.Chính phủ chỉ đạo rất rõ, ngành giáo dục không cần nói nhiều, không xin lỗi xuông, nhân dân đang chờ hành động cụ thể, thể hiện bằng kết quả trong kỳ thi tới đây. Bộ phải làm sao cho chặt chẽ, trong sáng, công bằng, đảm bảo, nghiêm túc.Dù trong thời gian qua ngành giáo dục cũng đã có những bước tiến nhất định, nhưng vụ việc lần này xảy ra quả thực đáng tiếc, đáng phê phán.Cử tri cả nước, nhân dân đang mong chờ những hành động cụ thể, thiết thực của Bộ GD-ĐT để sửa những lỗi lầm đã qua và tổ chức kỳ thi năm 2019 cho đúng với những yêu cầu của Chính phủ và của nhân dân, là một kỳ thi nghiêm túc, công bằngPV: Xin cảm ơn bà./.

 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU