12 năm sòn sòn 8 đứa, chưa kịp "ăn mừng" hết thời con mọn đã lại mang thai
Tới thôn Phú Hạ, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội hỏi thăm, người trong làng chẳng ai không biết gia đình anh Đỗ Công Trường (sinh năm 1985) và chị Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1988). Gia đình anh Cường nổi tiếng trong thôn vì một điều rất tế nhị: hai vợ chồng chỉ mới kết hôn 12 năm nay, nhưng đã có đến 8 đứa con.
Căn nhà chật chội lại đông trẻ con nên lúc nào cũng bừa bộn và ầm ĩ.
Những đứa trẻ, đứa lớn nhất mới 12, đứa bé nhất chưa tròn tháng, trứng gà trứng vịt nô nghịch với nhau trong căn nhà nhỏ. Thấy người lạ, chúng nép vào cửa, thò đầu trông ra với đôi mắt tò mò.
Những đứa con của anh Trường, chị Hồng tuy nhỏ nhưng đã biết đỡ đần cha mẹ việc nhà.
Anh Trường "thú nhận", cái sự đông con của gia đình nhà mình bắt nguồn từ việc anh cứ cố sinh bằng được một thằng cu, và cố mãi, cố mãi và vẫn thấy toàn các công chúa lần lượt ra đời. Đến bé thứ năm, anh chị đã toại nguyện săn được hoàng tử, nhưng những em bé sau đó vẫn cứ đến với bố mẹ, như một cái duyên kỳ lạ.
Về phần mình, chị Hồng cười ngượng, chị không ngờ được rằng mình mắn đến thế, vì tính ra cứ sòn sòn năm một, chị cứ chửa đẻ liên miên, đứa lớn vừa chào đời được chẳng bao lâu, đứa bé đã hình thành trong bụng.
Vừa hít hà cặp má của đứa con gái (hy vọng là) út, chị vừa phân trần: "Mọi người thấy em đẻ nhiều con quá cũng nói ra nói vào, hỏi han các thứ, nhiều khi em cũng ngượng lắm. Nhưng thú thật là em có uống thuốc tránh thai, thậm chí đã cắt một bên vòi trứng vì hồi xưa bị u nang, thế mà thai vẫn nằm ổ. Tránh đủ kiểu mà con vẫn cứ đến, thì em đành để đẻ, chứ ai nỡ lòng bỏ chúng đi".
Đứa con nhỏ nhất của anh chị vẫn chưa đầy 1 tháng tuổi.
Chị thật thà kể, tiếng là có 8 đứa con, nhưng có đứa mang bầu mà chị chẳng biết, vì chưa thấy "bà dì" quay trở lại, và vì yên tâm là đã có các biện pháp tránh thai. Bụng to dần, chị cũng nghĩ mình béo, chứ không tin rằng có con.
Căn nhà luôn rộn ràng tiếng nói cười, khóc mếu của trẻ nhỏ.
Chị cũng chẳng thấy mỏi mệt hay ốm nghén gì. Chỉ đến khi thai nhi tầm 6 - 7 tháng, bụng to quá nên chị đi siêu âm thử, thì bác sĩ thông báo đã có bầu. Lần nào cũng như lần nào, sợ phải tội, lại thương con có duyên đến với mình, anh chị đều quyết định giữ thai lại để sinh, dầu biết, thêm một lần gật đầu là một gánh nặng mới sẽ đè lên gia đình.
12 năm hôn nhân của người phụ nữ này quay cuồng trong chửa đẻ và kiếm tiền nuôi các con.
Thú vị nhất là lần chị Hồng đến ngày đẻ đứa con thứ 7, vợ đau bụng mà không kịp đưa đến trạm y tế xã, anh tự tay đỡ đẻ luôn cho vợ tại nhà, rồi mới đưa chị ra trạm lấy nhau, cắt rốn cho con. Em bé đó chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, tuy nhiên, sau đó bé bị đột tử trong khi ngủ, rời bỏ thế gian khi mới 20 ngày tuổi.
Những niềm vui bé xinh trong gia đình đông con
Gia đình không phải hộ có của ăn của để, nếu không muốn nói là khá nghèo, lại có 7 đứa nhóc cách nhau cứ đều đều chừng 1 tuổi, 1 tuổi rưỡi, lo hết cho ngần ấy đứa ăn học là cả một cố gắng mưu sinh cả hai vợ chồng trẻ. Những đứa trẻ càng lớn, nỗi lo về kinh tế lại đè nặng hơn.
Bởi thế, khái niệm ở cữ với chị Hồng rất ư xa xỉ. Từ lâu, chị đã quen với việc đẻ xong ít ngày là đi làm kiếm tiền. Chậm thì 20 ngày, nhanh thì 11 ngày ở nhà hồi phục sức khỏe, rồi chị đi làm luôn, vì ngơi tay nghĩa là các con sẽ chẳng có gì ăn.
Bà nội là người chăm sóc các cháu khi cha mẹ chúng vắng nhà
Hằng ngày, anh Trường và chị Hồng cứ đi làm lụng tới nhá nhem tối mới về. Những ngày mưa, chị gia đình anh Trường lại ăn độc cơm trắng với cơm, còn ngày khô ráo thì dăm món ăn đơn giản rẻ tiền cũng xong bữa.
Chị Hồng buồn buồn bảo, thường ngày đi làm, bà nội và những bé lớn thay phiên nhau chăm bé nhỏ, thương lắm mà hoàn cảnh thế nên cũng đành. Con bé vừa sinh vẫn còn đỏ hỏn mà mẹ đã đi làm cả ngày, chẳng về dỗ dành những lúc con khát sữa, chị xót con buốt ruột, nhưng cũng chẳng dám nghỉ ở nhà. Khi mẹ đi làm, bà và các chị sẽ cho bé ăn sữa bột, đến tối về, mẹ lại ôm em cho ti.
Bữa cơm cho gia đình 11 người chẳng có mấy thức ăn, nhưng nhà đông con, của không ngon cũng hết.
Vất vả là thế mà trong ngôi nhà nhỏ có phần lụp xụp và bừa bộn của anh chị, chẳng khi nào ngớt tiếng cười, tiếng trẻ thơ bi bô tập nói. Đi học về, ba cô chị lớn lại giúp bố mẹ việc nhà, bé nấu cơm, bé quét nhà, bé trông em.
Hỏi cậu nhóc duy nhất trong gia đình có thích em không, nó tít mắt cười bảo: "Con thích chứ, con thích có nhiều chị em lắm, vui lắm vì có bạn chơi cùng". Còn cô chị lớn chưa đến 12 tuổi, sớm phải cơm nước, lo lắng chuyện nhà chuyện cửa thì có phần già dặn hơn tuổi, nhưng vẫn giữ được vẻ bẽn lẽn trẻ thơ, khoe con có nhiều em nhất lớp, và rất yêu em. Cô bé cũng huấn luyện các em thứ hai và thứ ba làm việc nhà, trông em.
Tiếng cười ngập tràn trong ngôi nhà đông con.
Cứ thế, chúng lớn lên trong những tiếng cười, cả những chí chóe, nhưng không có mấy sự tị nạnh nhau như nhiều gia đình khác. Khái niệm "mẹ có em là con sẽ ra rìa" dường như không có trong cuộc sống của chúng, bởi đứa nào cũng quen với việc cùng sẻ chia quần áo, cơm ăn với nhau.
Anh Trường hạnh phúc kể, cả ngày làm lụng mệt nhọc, chiều muộn đi làm về thấy những đứa nhỏ là bao nỗi vất vả tan biến hết. Chúng xúm quanh cha mẹ, đứa bóp chân, đứa bóp tay, hạnh phúc lắm. Nhiều lúc ngẫm cuộc sống vất vả, các con lại không đủ đầy như các bạn, cũng thương, nhưng cứ nhìn mấy anh chị em tíu tít yêu thương nhau, ngày mai lại phải bội phần cố gắng.
Con lớn đỡ đần việc nhà, con nhỏ trông nom, chơi với các em.
Nhà đông con, bố mẹ chẳng chăm bẵm được nhiều như các nhà khác, nhưng trời phú cho bọn nhóc ăn no, ngủ ngoan, bao bọc lẫn nhau, đó là hạnh phúc, mà cũng là niềm an ủi của anh chị.
Anh ngượng nghịu bảo, sắp tới chắc anh chị sẽ có biện pháp triệt sản, để dành thời gian và sức khỏe chăm sóc mấy đứa nhỏ, chứ với kiểu "đi lướt qua đầu giường cũng chửa" thế này, nhỡ lại có thêm đứa nữa, chắc anh chị chẳng nuôi nổi.