Cha mẹ ly hôn: Vết thương khó lành

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em gặp nhiều khó khăn nhất trong một hoặc hai năm đầu tiên sau khi cha mẹ ly hôn. Trẻ có thể đau khổ, tức giận, lo lắng và không tin tưởng.

Điều quan trọng là giúp trẻ được giao tiếp tích cực, cảm nhận thấy sự ấm áp của cha mẹ.

Tỷ lệ trầm cảm cao

Theo Tiến sĩ Carly Snyder - bác sĩ tâm thần tại New York, cha mẹ ly hôn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Bất kể tuổi tác, giới tính và văn hóa, trẻ có cha mẹ ly hôn đều gặp nhiều vấn đề tâm lý.

Cụ thể, ly hôn có thể gây ra chứng rối loạn điều chỉnh ở trẻ em. Song, vấn đề có thể tự hết trong vài tháng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng phát hiện ra tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn ở trẻ em có cha mẹ ly hôn. Ngoài ra, trẻ em từ các gia đình ly hôn có thể gặp nhiều vấn đề bên ngoài hơn, như rối loạn hành vi, phạm pháp và bốc đồng. Trẻ cũng có thể gặp nhiều xung đột hơn với bạn bè cùng lứa sau khi phụ huynh ly hôn.

“Trẻ em từ các gia đình ly hôn không phải lúc nào cũng có kết quả học tập tốt. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy, trẻ em từ các gia đình ly hôn có xu hướng gặp rắc rối với việc học nếu cha mẹ ly hôn bất ngờ”, bà Snyder dẫn chứng.

Thanh, thiếu niên có cha mẹ ly hôn nhiều khả năng sẽ có các hành vi như sử dụng chất kích thích và quan hệ tình dục sớm. Tại Mỹ, thanh, thiếu niên có cha mẹ ly hôn uống rượu sớm hơn. Những người này cũng sử dụng rượu, cần sa, thuốc lá và ma túy nhiều hơn so với các bạn cùng lứa. Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2010, thanh, thiếu niên có cha mẹ ly hôn khi trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao quan hệ tình dục trước 16 tuổi.

“Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong cách con thích nghi với việc ly hôn. Xung đột gay gắt giữa cha mẹ và con đã được chứng minh là có thể làm tăng sự đau khổ ở trẻ. Xung đột thái quá, như la hét và đe dọa lẫn nhau có liên quan đến các vấn đề về hành vi ở trẻ em. Song, căng thẳng nhỏ cũng có thể làm tăng cảm giác đau khổ của trẻ. Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc con với chồng/vợ cũ, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia”, bà Snyder gợi ý.

Duy trì mối quan hệ lành mạnh

Bên cạnh đó, chuyên gia này cảnh báo, những đứa trẻ bị kẹt ở giữa cha mẹ có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo lắng. Vì vậy, điều quan trọng là giúp trẻ được giao tiếp tích cực, cảm nhận được sự ấm áp của cha mẹ. Điều đó có thể giúp trẻ điều chỉnh tốt hơn sau khi cha mẹ ly hôn. Mối quan hệ cha mẹ - con lành mạnh đã được chứng minh là giúp trẻ phát triển lòng tự trọng cao hơn và có kết quả học tập tốt sau khi phụ huynh ly hôn.

Cha mẹ cũng được khuyến khích thiết lập các quy tắc phù hợp với lứa tuổi của con. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 cho thấy, phương pháp kỷ luật hiệu quả sau khi cha mẹ ly hôn làm giảm tỷ lệ trẻ phạm pháp và cải thiện kết quả học tập. Phụ huynh cũng cần chú ý đến những gì con đang làm, cũng như việc trẻ dành thời gian cho ai. Việc trao quyền cho trẻ cũng là điều vô cùng cần thiết. Bởi, những đứa trẻ nghi ngờ khả năng đối phó với thay đổi và coi mình là nạn nhân có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn. Vì vậy, phụ huynh hãy dạy con rằng, việc ly hôn rất khó khăn. Song, trẻ có đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua.

“Những đứa trẻ có các chiến lược đối phó tích cực, như giải quyết vấn đề và nhận thức, sẽ thích nghi tốt hơn với việc cha mẹ ly hôn. Hãy dạy con cách quản lý suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình một cách lành mạnh. Việc giúp con cảm thấy được yêu thương, an toàn có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ”, bà Snyder nhấn mạnh.

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU