Chăm sóc và vệ sinh rốn cho bé sơ sinh

(lamchame.vn) - Tuy là một bộ phận không còn chức năng nữa, song phần rốn của Trẻ sơ sinh vẫn là một vết thương hở. Nếu không được chăm sóc đúng cách và khoa học, những nguy cơ nhiễm trùng rốn sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Thai nhi trong bụng mẹ nhận dưỡng chất và oxy qua nhau thai và dây rốn. Khi hết nhiệm vụ của nó (lúc Trẻ sơ sinh chào đời), dây rốn sẽ được kẹp và cắt đi để tách Trẻ sơ sinh khỏi nhau thai. Tuy là một bộ phận không còn chức năng nữa, song phần rốn của Trẻ sơ sinh vẫn là một vết thương hở. Bản thân các Bác sĩ khi cắt và kẹp rốn cho Trẻ sơ sinh cũng rất cẩn thận, bất kỳ một vật dụng nào tiếp xúc với rốn đều phải vô trùng để tránh nhiễm trùng rốn cho thai nhi. Dây rốn được kẹp và cắt gần cơ thể của bé để lại một gốc rốn. Gốc rốn sẽ khô và rụng sau khoảng 7 – 14 ngày để lại một vết thương nhỏ, đôi khi rỉ ít máu hoặc một ít dịch vàng.




Tuy không phải là bộ phận mang đến những cơn đau trực tiếp cho trẻ, song nếu không được chăm sóc đúng cách và khoa học, những nguy cơ nhiễm trùng rốn sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng. Nếu nhiễm trùng rốn thật sự xảy ra, phạm vi nhiễm trùng có thể chỉ tại rốn hoặc có thể đã lan rộng vào bên trong cơ thể trẻ dẫn đến nhiễm trùng máu và các cơ quan khác, trong đó nguy hiểm nhất là tạo cục máu đông làm tắc mạch máu của các cơ quan quan trọng. Vì vậy cần thiết phải chăm sóc rốn đúng cách cho trẻ.

Đặc biệt đối với những người làm mẹ đầu tiên thì việc chăm sóc rốn cho Trẻ sơ sinh còn lúng túng và thiếu nhiều kinh nghiệm. Hy vọng bài viết này sẽ có ích giúp mẹ chăm sóc tốt sức khỏe của bé yêu trong những ngày đầu tiên chào đời.


CÁCH CHĂM SÓC RỐN
- Vệ sinh rốn sạch sẽ

Trước khi làm vệ sinh rốn cho bé, mẹ cần rửa tay bằng xà phòng. Tháo băng rốn quan sát xem có bất cứ điều gì bất thường không (rốn có mùi lạ, dịch mủ, có sưng đỏ hay có chảy máu không..) Nếu như không có gì bất thường, mẹ nhẹ nhàng nâng phần kẹp dây rốn lên, tay kia dùng tăm bông thấm nước muối sinh lí loãng lau nhẹ nhành theo trình tự từ chân rốn đến phần cuống rốn và lau lại xung quanh rốn. Sau đó, dùng tăm bông khác thấm nước muối sinh lý và lau lại xung quang rốn.

Trường hợp, mẹ thấy rốn của trẻ hơi có màu hồng hồng hoặc ướt là có thể bé bị viêm nhẹ, mẹ cần dùng cồn 70 độ (đừng dùng loại 90 độ) chấm vào tăm bông, lau sạch quanh rốn và lau hết những vẩy bẩn có thể bong ra, sau khi lau xong, mẹ hãy 1 cái gạc mỏng che lại. Nếu không yên tâm, mẹ có thể nhờ hộ lý đến chăm sóc rốn cho Trẻ sơ sinh tại nhà. Lưu ý rằng, khi còn nằm viện, nếu mẹ có bất cứ thắc mắc nào về việc chăm sóc bé, hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ hoặc hộ lý vì chỉ có họ mới biết được điều gì là tốt nhất cho con bạn.

- Tránh để quần áo chà xát vào dây rốn
Dây rốn chưa rụng hoặc mới rụng, mẹ cần lưu ý không để quần áo, tã chà xát vào rốn bé. Mẹ nên cho bé mặc quần áo rộng rãi, tránh bận đồ bó sát hoặc quá chật.

Hiện nay, trên thị trường có các loại tã sơ sinh có rãnh rốn giúp hạn chế tối đa tiếp xúc giữa tã và phần cuống rốn non nớt của bé, bảo vệ vùng rốn luôn thông thoáng, khô ráo. Mẹ nên chọn các thương hiệu uy tín tránh gây kích ứng cho trẻ: hăm lở, gây ngứa..



- Giữ rốn bé luôn khô thoáng
Trước khi rụng rốn hoặc vừa rụng rốn, rốn bé chưa thật sự khô, mẹ cần giữ cho cuống rốn và rốn bé luôn khô thoáng. Vì cuống rốn sắp rụng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Trước khi cuống rụng, không nên đặt bé vào trong chậu nước, nên tắm phần trên bé trước, lau khô sau đo mới tắm phần dưới.

Những điều mẹ cần lưu ý:
- Cuống rốn tiết ra chất bẩn: 
Rốn trong quá trình kín miệng thường rỉ ra dịch màu xanh nhạt hoặc màu vàng nhạt. Đây là hiện tượng bình thường. Sau khi cuốn rốn rụng, lỗ rốn vẫn còn ướt và có ít dịch rỉ ra, dịch rỉ ra mẹ dùng cồn 70 độ nhẹ nhàng lau sạch. Mỗi ngày lau từ 1-2 lần, sau 2-3 ngày lỗ rốn sẽ khô. Dùng bông gòn lau nhẹ phần rốn cũng giúp rốn mau liền hơn.
- Cuống rốn bị tấy đỏ: Khi bé rụng rốn, lỗ rốn sẽ hình thành. Trong quá trình rụng rốn, xung quanh rốn thường hơi đỏ, đây là hiện tượng bình thường. Nếu rốn và xung quanh da tấy đỏ, dùng tay sờ vào cảm giác hơi nóng có thể là do rốn bị viêm nhiễm, cần kịp thời đưa bé đi khám.



Cuống rốn bé khô và rụng đi sẽ còn lại phân lõm trên da, đó chính là rốn. Cha mẹ không được coi nhẹ cái rốn nhỏ bé này, nếu không chăm sóc cẩn thận sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Rốn chảy nước là là một trong những tình trạng thường gặp nhất của Trẻ sơ sinh. Rốn bị chảy nước, thậm chí là chảy máu là do những nguyên nhân sau đây:
- Rốn mẩn ngứa: Có bé bị mẩn ngứa ở rốn, biểu hiện là ở xung quanh rốn có những nốt mụn đỏ hoặc bị loét ra, chất bài tiết lúc nhiều lúc ít. Do chỗ ngứa làm xung quang rốn bị sưng đỏ

- Rốn chảy máu: Sau một tuần hoặc một tháng rụng rốn, nếu Trẻ sơ sinh khóc nhiều hoặc ho sẽ khiến áp suất trong bụng tăng lên, mạch máu bên trong của đoạn rốn bị cắt có thể nứt no, một ít máu sẽ chảy ra. Nguyên nhân là do bên trong dây rốn bao gồm hai động mạch và một tĩnh mạch, khi bụng căng lên một chút máu sẽ rỉ ra. Lúc này, cha mẹ nên dùng cồn 70 độ để vệ sinh rốn, sau đó mẹ nên đưa bé đến bác sỹ kiểm tra cho yên tâm.



- Viêm rốn: Lỗ rốn lõm nên dễ tích nước bẩn, chất bẩn, với nhiệt độ vi khuẩn có thể sinh sôi trong rốn và gây ra tình trạng viêm rốn. Khi bị viêm vùng xung quanh rốn đỏ tấy lên, rốn chảy ra các chất mủ hoặc rỉ ra dịch có mùi hôi khó chịu. Vi khuẩn lúc này thậm chí có thể xâm nhập vào máu thông qua mạch máu rốn chưa lành gây ra bệnh bại huyết. Muốn xử lí kịp thời, tốt nhất nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra và chữa trị.

Tóm lại, khi chăm sóc rốn cho trẻ, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng viên; theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử trí sớm các trường hợp bất thường, tránh được các biến chứng không đáng có.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU