Chàng trai hai lần lái xe cứu thương vào tâm dịch: Hành trình thiện nguyện 25.000km chở miễn phí hàng trăm F0

Hơn 3 tháng liên tục, Đặng Minh Trí đã lái xe cứu thương vận chuyển hàng trăm F0 ở hai tâm dịch lớn là Bắc Giang và TP.HCM. Hành trình dài hơn 25.000km của chàng trai 24 tuổi trở thành câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt giữa mùa dịch Covid-19.

Phóng viên đã phỏng vấn chàng trai trẻ Đặng Minh Trí (24 tuổi, quê Quảng Bình) thời điểm bố con anh cùng chiếc xe cấp cứu mang biển số 73B - 006.01 đã hồi hương sau một tháng ở trong tâm dịch TP.HCM.

Liên hệ trước đó gần 2 ngày nhưng đến 21h ngày 1/9, Trí mới có thời gian tâm sự với chúng tôi về hành trình thiện nguyện của mình. Tuy nhiên, cuộc gọi chấm dứt sớm hơn dự kiến vì chàng trai trẻ phải lên đường chở bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện ngay trong đêm.

Hiện nay, dịch Covid-19 tại Quảng Bình diễn biến phức tạp, hàng trăm ca dương tính được phát hiện. Mặc dù không còn ở tâm dịch lớn nhưng công việc của anh vẫn hết sức bận rộn.

Khi được hỏi về hành trình thiện nguyện thời gian qua của mình, Minh Trí vẫn còn thấy bồi hồi.

|Xem Bắc Giang như quê hương thứ 2

Tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, thấy lời kêu gọi chung tay góp sức chống dịch, Trí lập tức đăng ký tham gia. Nghĩ là làm, anh đã đề xuất với lãnh đạo công ty cho mượn xe cứu thương để đến Bắc Giang chống dịch.

Trí vốn là lái xe cứu thương cho công ty vận tải do bố của anh và một số người quen góp vốn thành lập. Anh đã gắn bó với công việc này được 6 năm.

“Mình xin đi, các anh hỏi: Có thật sự đi được không? Đi được thì công ty sẵn sàng cấp xe cho. Lúc đó, mình nói luôn bản thân chắc chắn làm được”, Trí cho biết.

Tuy nhiên, nghe tin con trai định ra Bắc làm thiện nguyện, gia đình chàng trai trẻ phản đối kịch liệt vì sợ con vào vùng dịch nguy hiểm. Nhưng với quyết tâm đi đến cùng, anh đã thuyết phục được bố mẹ.

Sau đó, anh quyết định đi luôn trong đêm. Bắt đầu xuất phát từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 3 giờ đêm ngày 21/5, Trí lái xe một mạch, vượt hơn 500 km, chỉ nghỉ dừng lại kiểm tra xe và ăn trên đường để đến Bắc Giang sớm nhất.

Tại đây, Đặng Minh Trí không quản khó khăn, ngày đêm cùng cán bộ nhân viên y tế tham gia vận chuyển thiết bị y tế, truy vết lấy mẫu và vận chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện.

Trí cùng các y bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch ở Bắc Giang.

Mặc dù chưa được tiêm vắc xin nhưng vượt qua nỗi sợ hãi khi phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, chàng trai 24 tuổi vẫn làm việc hết mình.

Gắn bó 2 tháng với tâm dịch Bắc Giang, Minh Trí đã xem đây như quê hương thứ hai của mình. Ngày 13/7, khi dịch ở đây bệnh đã được kiểm soát, anh mới yên tâm trở về quê nhà.

Trí đã được UBND tỉnh và Tỉnh Đoàn Bắc Giang trao tặng Bằng khen.

Trước khi trở về, Đặng Minh Trí đã được UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng Bằng khen về những cống hiến trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương.

|Vay bạn 10 triệu để Nam tiến

Có ý định Nam tiến khi còn ở tâm dịch Bắc Giang, sau khi hoàn thành xong 14 ngày cách ly ở quê nhà, một lần nữa, Đặng Minh Trí lại tình nguyện cùng các y, bác sĩ Quảng Bình vào Nam chống dịch.

Thời điểm này, dịch Covid-19 ở TP.HCM đang bùng phát với tốc độ chóng mặt, gấp nhiều lần so với ổ dịch ở Bắc Giang. Lần này đi, anh có thêm bố mình là ông Đặng Tri Thông đồng hành.

Hai bố con Minh Trí tình nguyện lái xe cứu thương vào TP.HCM chống dịch.

Có bố đi cùng, chàng trai trẻ vừa mừng vừa lo: “Mình rất vui vì quyết định vào Sài Gòn được bố hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, dịch bệnh nguy hiểm, nếu bố có mệnh hệ gì thì mình không biết phải làm sao!”.

Anh cho biết, mặc dù bố luôn khắt khe với mình nhưng lại giàu lòng nhân ái và tình thương với mọi người. Trí luôn coi đó là niềm tự hào để tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn.

Một tháng tròn tham gia chống dịch tại TP.HCM là chuỗi hành trình không ngơi nghỉ của hai bố con.

Ngoài chiếc xe Trí tự lái từ Quảng Bình vào, tại TPHCM, ông Thông được giao thêm một chiếc xe 16 chỗ nữa.

Công việc hằng ngày của họ là đưa đón đoàn y bác sĩ tỉnh Thái Bình đến nơi làm việc. Sau đó, vận chuyển F0 đi cấp cứu, F1 đi cách ly. Trung bình mỗi ngày, Trí và bố chạy từ 7 - 9 chuyến xe.

Bình thường, công việc chạy xe cấp cứu kết thúc vào khoảng 18h. Ăn tối xong, hai bố con lại cùng các nhóm thiện nguyện đi phát quà từ thiện cho người nghèo, người vô gia cư xuyên đêm.

Ngoài lái xe cứu thương, Minh Trí còn dành thời gian đi phát quà từ thiện cho người nghèo, người vô gia cư ở TP.HCM.

Trí cho biết, anh chia sẻ việc nhận hỗ trợ bà con trong mùa dịch trên Facebook cá nhân và nhận được rất nhiều phản hồi. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được giúp đỡ và cũng có những người là mạnh thường quân nhờ trao quà, cơm, suất ăn miễn phí đến bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa.

”Tinh thần những ngày ra Bắc Giang thế nào thì mình cũng mang theo tinh thần đó vào với Sài Gòn”, Trí nhấn mạnh.

Trong hành trình chạy xe cứu thương, rong ruổi khắp các ngõ ngách của TP.HCM, chàng trai quê Quảng Bình cũng không còn nhớ mình đã chở và cứu được bao nhiêu người. Có nhiều chuyến khi hồi tưởng lại, anh vẫn còn thấy xót xa.

Đó là chuyến Trí đón cả gia đình 5 người đều mắc Covid-19, trong đó có một em nhỏ chỉ tầm 3, 4 tuổi cứ khóc thét khi nhìn thấy xe cứu thương.

Hay là chuyến đi chở một em bé sinh thiếu tháng đã qua đời về Long An. Trong một đêm mưa tầm tã của Sài Gòn, đọc được thông tin có một bé vừa mất ở bệnh viện Nhi Đồng 2 không tìm được xe để về quê, dù đang đi trao quà từ thiện nhưng hai bố con đã quyết định dừng lại để nhận đưa cháu về quê.

Chuyến xe chở em bé đã qua đời về Long An của hai bố con Minh Trí

“Hai bố con mình đã chạy xuyên đêm đem cháu bé về Long An, sau đó quay lại Sài Gòn để kịp đi làm sáng sớm hôm sau. Tuy mệt nhưng trong lòng mình cũng thấy thanh thản vì cháu được về với quê hương, không phải nằm lại nơi đất khách quê người”, Minh Trí chia sẻ.

Trong chuyến thiện nguyện của mình, chàng trai trẻ cho biết anh gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất về tài chính.

Hơn 3 tháng Trí đi thiện nguyện đồng nghĩa với việc thu nhập bằng 0. Trước khi vào TP.HCM, anh phải vay bạn 10 triệu đồng để làm lộ phí đi đường.

Trí kể, chiếc xe cứu thương BKS 73B-006.01 qua thời gian 3 tháng ra Bắc vào Nam với quãng đường hơn 25.000km nên đã “trở chứng” 5 lần. Mỗi lần sửa xe, anh phải bỏ tiền túi ra từ 5-7 triệu đồng.

Chiếc xe cứu thương bị hỏng tại tỉnh Phú Yên trong hành trình hồi hương của Đặng Minh Trí

Khi phóng viên hỏi: “Đã bao giờ bạn cảm thấy kiệt sức, chán nản muốn bỏ cuộc chưa?”, Trí chỉ cười xòa: “Mình chưa bao giờ thấy chán nản điều gì trong suốt cuộc hành trình này. Làm điều thiện mình coi đó là niềm vui, khi tâm vui ắt mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp!”

Anh chàng cho biết, khi đăng bài kêu gọi lên trang cá nhân, nhận được rất nhiều ủng hộ của anh em, bạn bè. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng Trí “đội lốt tình nguyện để đem xe đi chạy kiếm tiền”. Bỏ ngoài tai những ý kiến tiêu cực, anh vẫn cống hiến không ngừng nghỉ.

“Mình cất công ra Bắc Giang rồi vào TP.HCM đi tình nguyện để tìm lấy hạnh phúc, lấy trải nghiệm, lấy niềm vui và để tạo phước đức cho bản thân. Anh em bạn bè có ủng hộ thì mình xin nhận và cảm ơn mọi người. Nhưng chắc chắn một điều rằng, mình không đưa xe đi kiếm tiền trong thời điểm này!”, Minh Trí quả quyết.

|Quyết định trở về quê hương chống dịch

Vào ngày 27/8 vừa qua, tròn một tháng “chia lửa” cùng TP.HCM chống dịch Covid-19, hai bố con Đặng Minh Trí đã quyết định lái chiếc xe cứu thương hồi hương.

Trước đây, khi bắt đầu vào miền Nam, Trí đã tự hứa: “Bao giờ TP.HCM hết dịch, con sẽ về!”.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 tại Quảng Bình diễn biến phức tạp, chàng trai trẻ quyết định trở về để phục vụ quê hương nhưng trong lòng anh vẫn “đau đáu” hướng về miền Nam ruột thịt.

“Mặc dù chưa hỗ trợ được nhiều nhưng mình đã sống hết mình một cách trọn vẹn trong những ngày qua. Dẫu sao mình vẫn là một người con Quảng Bình. Khi hay tin tỉnh nhà bùng phát dịch mình phải quay về để phục vụ quê hương. Lần này mình xin nợ Sài Gòn một lời xin lỗi!”, Trí tâm sự.

Khi chia sẻ với chúng tôi về cậu con trai 24 tuổi của mình, ông Đặng Tri Thông hết sức kiệm lời. Ông cho biết, từ trước đến giờ Trí vốn là một người hay đi làm từ thiện, như trong đợt lũ lụt vừa qua anh cũng đã xông pha vào rốn lũ để hỗ trợ bà con.

Ông Thông luôn tôn trọng và ủng hộ quyết định của con mình. Khi con trai hai lần lao vào tâm dịch, chính ông là người động viên làm công tác tư tưởng để mẹ Trí đồng ý cho đi chống dịch.

“Tôi quyết định đồng hành cùng con trong chuyến đi vừa rồi, một phần vì lo lắng cho con, một phần rất thương bà con Sài Gòn. Lúc này, hai bố con chưa được tiêm vắc xin nhưng tôi nghĩ mình có chiếc xe cấp cứu mà trong lúc này người dân rất cần xe nên quyết định đi thôi!”, bố Trí chia sẻ.

Hiện, hai bố con ông Đặng Tri Thông và Đặng Minh Trí cùng với chiếc xe cứu thương đã "đầu quân" cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, tham gia vận chuyển F0 từ cộng đồng, khu cách ly đến khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của địa phương.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU