Chánh văn Hoàng Anh Tú: Các cha mẹ “xin hãy cho con được quyền thất bại'

Ngày 15/6, hàng chục ngàn học sinh 2004 nhận kết quả không như ý. Cú thất bại đầu đời với nhiều đứa trẻ 15 tuổi khi mà trong suốt 9 năm, hầu hết đều nhận giấy khen học sinh giỏi.

Với việc Bộ Giáo Dục và Đào tạo thả dàn cho giấy khen học sinh giỏi trong suốt những năm qua, hàng chục ngàn đứa trẻ đã phải nếm trải điểm số không tốt (gần nửa số thí sinh Hà Nội có điểm dưới trung bình môn tiếng Anh (37.600/85.000). 

Ở TP HCM, môn Toán có 39.600/79.500 điểm dưới 5, tiếng Anh là 46.278/79.500 điểm dưới 5). Có thể coi đó là 1 thất bại đầu đời của lũ trẻ.

Hôm qua, tôi có được mời cùng trò chuyện với một cậu bé đã từng shock khi 9 năm liền học sinh giỏi để rồi trượt lớp 10 trường công và phải vào học trường dân lập. Là bởi chính cậu cũng chưa từng được cha mẹ cấp quyền được thất bại. 

Dù cha mẹ cậu không mắng đánh cậu thì cậu bé 15 tuổi này cũng vẫn khủng hoảng suốt 2 tháng trời.

Nhiều bậc cha mẹ luôn nói rằng không tạo áp lực cho con, không quan trọng điểm số, không nặng nề chuyện con thất bại trong thi cử. 

Nhưng hãy nhìn sự lo lắng của họ đi. Nhưng hãy nhìn những giọt nước mắt của họ đi. Nhưng hãy nhìn nỗi buồn của họ đi. 

Dường như cảm xúc của họ trái ngược lại với những gì họ nói. Cả tôi cũng thế khi phải đón nhận những điểm quá thấp của cậu cả nhà tôi.

Nhiều cha mẹ vẫn nói họ không quan tâm điểm số, không tạo áp lực thi cử cho con nhưng sự thật thì lại không phải thế (Ảnh minh họa).

Vậy nên, thứ tôi tha thiết nhất gửi tới các bậc làm cha, làm mẹ là: Hãy cho con được quyền thất bại. Hãy cấp phép cho con quyền được thất bại. Hãy cùng con trải nghiệm sự thất bại.

Trong cuốn sách "Con cái chúng ta khổ thật – và chúng ta cũng thế", tôi đã có 1 bài viết về việc Hãy Cho Con Được Quyền Thất Bại. 

Nhưng hôm nay tôi vẫn buộc phải nhắc lại. Rằng xin đấy, các cha mẹ, hãy cùng con thất bại, hãy giúp con có thêm kỹ năng đón nhận sự thất bại trước cuộc sống này. 

Không phải thế sao khi trường nào lớp nào cuối năm cùng tràn ngập bằng khen trong khi kỳ thi vào 10 thì quá nửa số trẻ đã từng nhận bằng khen giờ nhận điểm kém.

Cho con được quyền thất bại đi các cha mẹ ơi! Bằng việc ngưng mong muốn con mình phải hoàn hảo, phải chiến thắng. 

Bằng việc nếu con phải bước vào một cuộc chiến, sự thất bại không phải là một khủng hoảng, không phải là thước đo, đánh giá về con. 

Thất bại luôn xảy ra bất cứ lúc nào và chúng ta đón nhận nó để trở nên tốt hơn vào ngày mai. Chứ thất bại không có nghĩa là sự kết thúc.

Hãy cho con được quyền thất bại! Tôi nghĩ, đó cũng là một món quà giá trị mà cha mẹ có thể mang đến cho con mình, dành tặng cho con mình.

Là cùng con nhấm nháp dư vị thất bại, tìm thấy những khía cạnh tích cực từ những thất bại cũng như cùng nhau học hỏi từ thất bại đó.

Các cha mẹ xin hãy cho con được thất bại và cùng con tìm những khía cạnh tích cực từ việc thất bại đó (Ảnh minh họa).

Là thay vì chỉ thấy con sai ở đâu để dẫn đến thất bại, hãy là chúng ta cần cải thiện điều gì để thành công nếu được làm lại điều này.

Hoặc là chỉ đơn giản, cho con điểm tựa khi con thất bại. Một điểm tựa để trở về và để được vỗ về.

 

Một đứa trẻ gặp nhiều thất bại trong cuộc sống tuyệt đối không phải là một đứa trẻ hỏng, thất bại hay tệ hại, kém cỏi. 

Đừng tiệt đường nó bằng những phán quyết của cha mẹ, thầy cô. Hãy cho chúng thấy con đường đi tới thành công luôn phải trải qua những thất bại. 

Hãy cho chúng biết sự dũng cảm của một con người không đo đếm bằng việc họ thành công thế nào mà là thất bại bao nhiêu lần nhưng vẫn thẳng chí hướng đến thành công. 

Hãy cho chúng biết rằng bạn luôn ở bên chúng, đồng hành cùng chúng, chia sớt với chúng.

Làm cha mẹ, dạy trẻ không phải chỉ dăm bữa, nửa tháng, không phải bằng bài học này kiến thức kia. Mà đó là chuyện cả đời và từng chút một, suốt cuộc đời chúng ta. Vì thế, hãy luôn kiên trì. Vậy thôi!

 

Theo Theo Tri thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU