Nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ai cho rằng nhường nhịn là thua thiệt, mất mặt tức là họ chưa hiểu hết bài học về lễ nghĩa trong việc xử thế.
Chữ nhẫn trong gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần là câu từ. “Nhẫn” không chỉ là chịu đựng mà là tha thứ, làm hài hòa các mối quan hệ. Nhờ kiên nhẫn, độ lượng mà bớt được cái tính nóng nảy chỉ làm hỏng việc, mất hòa khí với người xung quanh và đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng.
Lợi ích của sự nhường nhịn nhau
Nhẫn nhịn là để cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhẹ nhàng để cư xử với nhau trong tôn trọng, để thấy sau những lần ấy, mối dây tình yêu liên kết giữa các thành viên thêm bền chặt hơn.
Cũng như bất kỳ mối quan hệ nào, quan hệ giữa vợ và chồng cũng là quan hệ hai chiều, có những điều hay cần gìn giữ, phát huy, có những điều chưa hay, cần hạn chế. Bên cạnh giá trị chung là tình yêu, sự thủy chung, đạo nghĩa vợ chồng thì biểu hiện trong quan hệ giữa vợ với chồng, chồng với vợ có sự khác nhau nhất định, là một phần của truyền thống văn hóa dân tộc, vừa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo vừa mang tính tiến bộ.
Sóng gió lớn đến mấy khi trời quang mây tạnh rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Muốn hạnh phúc cần phải dầm mưa, chịu lạnh. Muốn bình yên nắm tay nhau khi về già phải biết chịu đựng những ngày nắng hạn. Vợ chồng cần cùng nhau cố gắng, một sợi dây phải được kéo hai đầu, người này nhường, người kia nhịn mới mong hạnh phúc.
Vợ chồng hòa thuận, trong ấm ngoài êm làm nên hạnh phúc trong gia đình. Để có thể giữ yên ấm, hạnh phúc gia đình, khi ứng xử với nhau vợ và chồng phải nhường nhịn nhau.
Tác giả dân gian nhấn mạnh đến vai trò của người vợ, người vợ nên người nhường nhịn chồng, cư xử ăn nói nhẹ nhàng khéo léo để làm chồng nguôi cơn giận. Đây không phải là sự nhịn nhục mà sự nhường nhịn, chữ “nhẫn” đáng quý để có thể giữ bình yên cho gia đình.
Trường hợp cụ thể
Có vô vàn trường hợp minh chứng cho sự nhẫn nhịn có kết quả tốt đẹp. Dưới đây là một ví dụ thực: Chị Mai khi mới kết hôn vốn bản tánh rất nóng nảy, thẳng tính và rất hơn thua, không bao giờ chịu nhường nhịn chồng trong từng lời nói. Chồng chị tuy không nhiều lời đôi co lại chị nhưng khi cãi vã nhau cũng nói nhiều lời khiến chị không kiềm chế được tức giận. Họ lại thường xuyên mâu thuẫn vì nhiều bất đồng trong cuộc sống hàng ngày.
Cứ thế cuộc sống vợ chồng mấy năm liền như rơi vào địa ngục, thường xuyên cãi vã không ai nhịn ai, hàng xóm họ hàng đều hay chuyện.
Rồi chuyện gì tới cũng tới, dần dần chị cảm nhận chồng không còn hứng thú cãi vã nhiều với chị mà thay vào đó là anh thường xuyên ra ngoài với bạn bè sau giờ làm, có nhiều thay đổi khiến chị nghi ngờ anh có người phụ nữ khác.
Nhờ mẹ ruột của chị phân tích, giảng giải, từ đây chị chợt nhận ra cái sai của mình, chị đã đẩy dần chồng ra khỏi nhà mà không biết. Cũng may qua một người bạn chị biết rằng chồng chán nản cuộc sống gia đình, anh thường ra ngoài tìm bạn bè chia sẻ, cũng có đồng nghiệp nữ sẵn sàng chia sẻ với anh nhưng vấn đề chưa đi quá xa.
Chị thay đổi để vun đắp lại hạnh phúc gia đình vì 2 con nhỏ. Rồi chị học chữ “nhẫn” từ lời khuyên của mẹ, “xuống nước”, khéo léo ôn hòa tìm cách kéo chồng về nhà.
Phải biết lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm với chồng. Tôn trọng, nhẫn nhịn chồng không hề là thua thiệt mà nó chính là chiến thắng để giành lấy tất cả tình yêu thương của chồng. Cuối cùng sau thời gian áp dụng, chị cũng đã thành công xây dựng lại hạnh phúc gia đình.