Chị em cho chồng uống nước chanh, bột sắn có thải độc, giải say do rượu?

Không ít chị em phụ nữ khi thấy chồng uống quá nhiều rượu, say rượu liền pha ngay một ly nước chanh hoặc nước bột sắn cho chồng uống. Cách này có giúp giải rượu, giải độc?

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Phòng và kiểm soát ngộ độc rượu ngày tết” do Báo Thanh niên tổ chức chiều 9/2 tại Hà Nội, Ths.BS Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc  (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những tuần gần đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, điều trị có nguyên nhân liên quan đến rượu.

Một ca ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: TL

Theo BS Thuận, say rượu  có nhiều mức độ, tuy nhiên khi bệnh nhân còn tỉnh, có thể tự phục vụ bản thân như tự uống, tự ăn thì bệnh nhân có thể uống thêm các loại nước hoa quả, nước gạo rang, nước có đường... Việc bù nước và các chất điện giải, đường và các loại vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) là cần thiết cho giải độc rượu.

Vì vậy, uống bột sắn, nước chanh pha đường... là phù hợp để giải độc cho người say rượu ở mức độ còn tỉnh” – BS Thuận nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, với người say rượu nặng, có biểu hiện hôn mê, ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn... thì không nên tự cho bệnh nhân uống, vì có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như sặc chất nôn, thức ăn vào phổi... Trong trường hợp này, việc cần làm là gọi ngay nhân viên và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng.

Khi say rượu, bệnh nhân sẽ không làm chủ được bản thân, có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh. Và vì vậy, say rượu cần được coi là cấp cứu. Uống rượu say gây ảnh hưởng tới toàn cơ thể, ở mức ngộ độc rượu sẽ ảnh hưởng trước hết tới các hệ cơ quan quan trọng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh...

Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải phân biệt và xử trí ngay là: hôn mê (gọi không tỉnh), co giật; suy hô hấp (thở chậm; ngừng thở; ứ đọng đờm dãi; chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi do bệnh nhân hôn mê không còn phản xạ bảo vệ đường hô hấp...), suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim...) và các dấu hiệu nguy hiểm khác như hạ đường huyết, chấn thương...

Thông tin từ bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho thấy, theo thống kê, cả năm 2017 đến nay, có 40 bệnh nhân ngộ độc methanol tại 12 quận, huyện (năm 2017 có 38 ca, từ đầu năm 2018 đến nay có 2 ca).

Hiện tại, 28 bệnh nhân đã ổn định, 12 bệnh nhân nặng xin ra viện, tử vong tại nhà, không rõ nguyên nhân chính tử vong. Đa số bệnh nhân không nhớ đã uống gì, ở đâu; người nhà nghi uống rượu, uống ở các địa chỉ khác nhau, rượu không rõ nguồn gốc và không có nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Đa số bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, hay uống rượu.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU