Chồng bỏ lúc mang thai, người mẹ bất lực nhìn 3 đứa con thơ khát sữa, cha già bệnh tật mà thiếu tiền chữa trị

Trong căn nhà lá xập xệ, 3 đứa trẻ lem luốc, khát sữa ngồi sát vào nhau trên chiếc giường ẩm ướt, chốc chốc lại hướng mắt về phía người mẹ đang tìm gạo để nấu cơm. Từ nhiều năm nay, cuộc sống của gia đình chị Trần Thị Nhí chưa một ngày bớt khổ khi nhà nghèo, cha mẹ già lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật.

3 đứa trẻ không cha sống nheo nhóc bên người mẹ khờ

Nhắc đến gia đình chị Trần Thị Nhí (30 tuổi), người dân ở khóm 1, phường 2, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh người mẹ trẻ nhỏ con, gầy gò hay dắt mấy đứa trẻ đi lượm ve chai để kiếm tiền mua gạo.

Căn nhà nhỏ không có lấy một vật đáng giá của chị Nhí và 3 đứa con

Những ngày giữa tháng 5/2021, chúng tôi tìm đến căn nhà lá xập xệ của chị Nhí và 3 đứa con. Ngồi lặng lẽ ở một góc giường, chị Nhí cho biết mấy ngày nay, ông Trần Văn Thùy (cha chị Nhí) phát bệnh tim, tiểu đường nên đã nhập viện Đa khoa Trà Vinh, bà Trần Thị Rớt (mẹ chị Nhí) phải lên bệnh viện để chăm sóc cho ông Thùy, căn nhà nhỏ chỉ còn lại 4 mẹ con.

Ẵm đứa con trai 6 tháng tuổi vào lòng, chị Nhí rưng rưng nước mắt: "Mấy bữa nay hết sữa bột, thằng bé đói bụng cứ khóc hoài, người em lại không đủ sữa để con uống".

 
    

Phong (8 tuổi) trở thành người anh cả giúp mẹ chăm sóc các em, làm việc nhà

Theo chị Nhí, bé Lương Duy An (6 tháng tuổi) là con trai út của chị cùng chồng. Tuy nhiên sau khi chị vừa mang thai bé An, người chồng chẳng lời từ biệt, bỏ đi suốt gần 2 năm, để lại chị cùng 3 đứa con khờ dại.

Ôm đứa em trai vào lòng, Lương Hoài Phong thỏ thẻ: "Cha con bỏ đi lâu rồi, con nhớ cha lắm mà cha không chịu về thăm con".

Vẻ mặt ngây ngô, hồn nhiên của 2 đứa trẻ thiếu đi tình thương của cha

Dù chỉ mới 7 tuổi nhưng Phong đã có thể phụ mẹ làm tất cả công việc nhà và chăm sóc em nhỏ, sau mỗi buổi học trên trường, Phong đều đi theo mẹ hoặc bà ngoại để lượm ve chai. Có cô chú, anh chị nào cho quà bánh, con đều đem về để chia cho đứa em nhỏ.

Khi được hỏi về việc học tập trên trường, Phong cho biết con được rất nhiều thầy cô, bạn bè yêu quý, vì biết hoàn cảnh gia đình con khó khăn nên nhà trường cũng thường xuyên tặng gạo, mì tôm cho con. Có điều, thấy bạn bè trang lứa được bố mẹ chở đi học, mua quà bánh, đồ chơi, quần áo đẹp…, Phong có chút chạnh lòng.

 
 

Phong pha sữa cho em trai uống để qua cơn đói bụng

Nhỏ hơn Phong 3 tuổi, Lương Văn Vũ (4 tuổi) vẫn hồn nhiên khi chưa hề biết đến sự tồn tại của người cha. "Lúc thằng bé 2 tuổi thì cha nó bỏ đi rồi, nó có biết gì đâu, nó vô tư lắm", chị Nhí nghẹn lời.

Chị Nhí nghẹn lời khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình

Để có tiền trang trải cơm ngày 3 bữa, cả gia đình chị Nhí phải thay phiên đi lượm ve chai, đổi lấy vài chục ngàn để mua gạo, mắm muối. Cả tuần nay cha chị Nhí nhập viện, người mẹ già phải đi theo để săn sóc, một mình chị Nhí vừa phải chăm sóc 3 đứa con nhỏ, vừa tìm cách mượn gạo để nấu cơm.

"Có hôm nhà hết gạo, em đi mượn tiền để mua mà không có ai cho, họ sợ em không có tiền để trả", chị Nhí bật khóc.

 

Người mẹ bật khóc khi thấy các con thơ dại thường xuyên rơi vào cảnh khát sữa, đói ăn

Bà Rớt (mẹ chị Nhí) bất lực khi không thể nào gánh vác được gia đình trong khi chồng bệnh nặng, khó qua khỏi

Cha em bệnh nặng bỏ ăn rồi, em sợ lắm!

Suốt một tuần trôi qua, sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của chị Nhí khi người cha già bệnh tình ngày một nặng hơn. Dù có sổ hộ nghèo, được bệnh viện chi trả gần như toàn bộ viện phí nhưng các khoản phát sinh, cơm nước cho người cha già vẫn là một nỗi lo lớn.

Trong căn nhà lá xập xệ, không có lấy một vật đáng giá, tài sản lớn nhất của 4 mẹ con chị Nhí là đống ve chai gom góp được mấy ngày trước.

Nụ cười hồn nhiên của Phong khi được hỏi về ước mơ của mình, Phong muốn lớn lên đi làm công ty để nuôi mẹ, nuôi em

 

Căn nhà lá dột nát là nơi duy nhất mà mấy mẹ con chị Nhí trú ngụ

"Em bị bệnh hay quên, lúc trước có đi phụ bưng hủ tiếu cho người ta nhưng làm không được nên bị đuổi, giờ chỉ đi lượm ve chai với mẹ thôi. Mấy ngày nay sữa tã của thằng bé con đều được người này, người kia cho, em cảm ơn nhiều lắm, nhưng mà", nói đến đây, chị Nhí bật khóc.

"Cha em giờ bệnh nặng lắm rồi, mẹ bảo cha không còn ăn uống gì được nhiều, lúc tỉnh lúc mê, em có đi mượn tiền để lo cho cha mà không ai dám cho mượn. Nhà em nghèo, họ sợ em không có tiền để trả".

 

Phong học lớp 2 rất giỏi, lúc rảnh con thường lấy sách ra đọc bài cho mẹ nghe

 
 

Vẻ kháu khỉnh của đứa con trai út, vừa uống sữa mẹ, vừa phải bú bình mới no bụng

Ngồi kế bên chị Nhí, 2 anh em Phong – Vũ chốc chốc lại nắm lấy tay mẹ, an ủi. "Con thương em lắm, nhớ ông bà nữa, con muốn ông ngoại hết bệnh để về nhà chơi với con. Bình thường con đi lượm ve chai với bà ngoại, con ước sau này con lớn lên đi làm công ty để cất nhà cho mẹ, nhà con dột ướt hết rồi", Phong thỏ thẻ.

Dù không được ăn uống đủ đầy, có quần áo, đồ chơi đẹp như những bạn bè cùng trang lứa nhưng 3 đứa con của chị Nhí đều rất ngoan ngoãn. Nở nụ cười hồn nhiên, Vũ ước: "Con thích ăn cơm với thịt, ăn no bụng luôn", rồi chạy lon ton đi chơi.

 
  
 

Mong rằng những ngày tháng sắp tới, những đứa trẻ tội nghiệp này sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn...

Trong căn nhà trống, chị Nhí ngồi thu mình lại một góc, nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt hốc hác sau nhiều đêm dài thức trắng. Chị chẳng biết những ngày tiếp theo, cha mẹ chị và 3 đứa con nhỏ sẽ sống thế nào khi gánh nặng cơm áo, gạo tiền vẫn đè nặng lên cả gia đình.

Chị Nhí sợ một ngày nào đó, người cha già sẽ rời bỏ gia đình chị mà đi, mấy đứa nhỏ nheo nhóc lại khát sữa, đói ăn…

Nhìn ánh mắt ngây dại của 3 đứa trẻ và người mẹ tội nghiệp, chúng tôi hi vọng sẽ có phép màu xảy ra...

Rất mong thông qua bài viết này, quý độc giả gần xa có thể quan tâm, hỗ trợ cho gia đình chị Nhí có thêm điều kiện để tiếp tục cuộc sống, giúp đỡ 3 đứa trẻ thơ dại có đủ cơm ăn, áo mặc.

Mọi sự đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chị Nhí: 0364438854.

Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1021009076.

Chủ tài khoản: Trần Thị Nhí, chi nhánh Trà Vinh.

Xin chân thành cảm ơn!

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU